Năng lượng của mặt trăng và sức khỏe phái đẹp
Có bao giờ bạn tự hỏi chu kỳ của mặt trăng có liên quan gì đến tâm trạng và sức khỏe của người phụ nữ?
Hàng ngàn năm nay, mặt trăng đã trở thành biểu tượng của nữ tính, sự bí ẩn, luôn đổi mới và chuyển tiếp trong rất nhiều nền văn hóa lâu đời. Người xưa tin rằng, mặt trăng còn gắn liền với sức khỏe của con người nói chung và phái Đẹp nói riêng. Điều này đã được thể hiện qua ngôn ngữ học khi nguồn gốc của từ menstruation (kinh nguyệt) được tạo thành từ “mene” – có nghĩa là mặt trăng trong tiếng Hy Lạp và “mensis” – là tháng trong tiếng Latin. Trong văn hóa Ayurveda và Ấn Độ giáo, mặt trăng được cho là chi phối máu và phụ nữ sẽ thấy khỏe mạnh hơn khi chu kỳ của họ đồng bộ với chu kỳ mặt trăng. Ngày nay, niềm tin này không chỉ được coi là bí ẩn nữa mà rất nhiều nghiên cứu khoa học đã được thực hiện để tìm ra sự liên kết giữa sức khỏe nữ giới và mặt trăng.
những bí ẩn “Woo Woo”
Trong văn hóa phương Tây, những thực hành như Đông y, liệu pháp năng lượng, thiền định, Ayurveda thường bị đánh đồng gọi là “woo woo”. Khái niệm này bắt nguồn từ những năm 70 và được định nghĩa trong từ điển là: “Niềm tin phi truyền thống được coi là có ít hoặc không có cơ sở khoa học, đặc biệt là niềm tin liên quan đến tâm linh, thần bí hoặc y học thay thế”.
Tuy nhiên, với sự lên ngôi mạnh mẽ của văn hóa Á Đông ở phương Tây, woo woo trở mình và dần thoát khỏi cái bóng tiêu cực khi ngày càng có nhiều cơ sở khoa học chứng minh tác dụng của chúng. Sự liên kết giữa phái đẹp và mặt trăng cũng không phải là ngoại lệ. Một nghiên cứu được đăng trên Science Advances vào năm 2021 đã phân tích dữ liệu dài hạn (trung bình 14 năm) của phụ nữ và phát hiện rằng chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ có thời gian dài hơn 27 ngày đồng bộ không liên tục với độ sáng và/hoặc chu kỳ trọng lực của mặt trăng. Theo tuổi tác và khi tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo vào ban đêm, chu kỳ kinh nguyệt ngắn lại và mất đi sự đồng bộ này. Nghiên cứu cũng cho thấy đối với một số người, chu kỳ kinh nguyệt của họ đồng bộ với chu kỳ ánh sáng và trọng lực của mặt trăng vào những thời điểm nhất định trong cuộc đời.
Tháng thiên văn và Pha trăng
Có thể bạn chưa biết, để mặt trăng hoàn thành một quỹ đạo đầy đủ quanh Trái đất phải mất 27 ngày, 7 giờ và 43 phút. Đây được gọi là “tháng thiên văn”. Tuy nhiên, mặt trăng cần đến khoảng 29,5 ngày để hoàn thành một chu kỳ pha (moon phase). Khi thực hiện hành trình 27,3 ngày quanh Trái đất, trăng sẽ biểu hiện 3 loại chu kỳ khác nhau: chu kỳ độ sáng, chu kỳ cận điểm – viễn điểm và chu kỳ đứng yên.
Mặt trăng của chúng ta không chiếu sáng mà phản chiếu ánh sáng mặt trời. Giống như Trái đất, mặt trăng cũng có ban ngày và ban đêm. Vì mặt trăng quay quanh Trái đất, hình dạng của mặt trăng nhìn từ Trái đất sẽ thay đổi vì các phần của mặt trăng sẽ được chiếu sáng vào những thời điểm khác nhau. Từ đó chúng ta có 8 pha trăng đại diện cho 8 hình thái của mặt trăng theo thứ tự là: trăng non, lưỡi liềm đầu tháng, bán nguyệt đầu tháng, trăng khuyết đầu tháng, trăng tròn, trăng khuyết cuối tháng, bán nguyệt cuối tháng, lưỡi liềm cuối tháng.
Mỗi một pha trăng sẽ có nguồn năng lượng khác nhau. Theo chiêm tinh học, ngày sinh của bạn thuộc pha trăng nào sẽ ảnh hưởng đến một phần tính cách và sức khỏe của bạn, bao gồm cả chu kỳ kinh nguyệt.
Trong thế giới động vật, nhiều nghiên cứu đã cho thấy lực hấp dẫn và cường độ ánh sáng mặt trăng có ảnh hưởng tới hành vi sinh sản của nhiều loài động vật cả trên cạn và dưới nước. Thêm vào đó, mặt trăng cũng ảnh hưởng đến quá trình di cư của các loài chim và động vật. Một số nghiên cứu còn đi sâu vào sự liên kết giữa rối loạn giấc ngủ, tâm trạng và chu kỳ kinh nguyệt.
Trăng non
Khi ánh sáng mặt trời chiếu sáng mặt gần của mặt trăng, giai đoạn đó được gọi là trăng tròn hay trăng rằm (full moon). Khi mặt trăng đạt độ sáng tối đa, năng lượng của nó cũng tăng cao. Đây là thời điểm có thể ảnh hưởng đến cảm xúc và hành vi của phụ nữ, đặc biệt là trong chu kỳ kinh nguyệt.
Khi ánh sáng mặt trời chỉ chiếu sáng mặt xa của mặt trăng (mặt mà chúng ta không thể nhìn thấy được), giai đoạn đó được gọi là trăng non (new moon). Trăng non đánh dấu sự khởi đầu của một chu kỳ pha mới. Vì mặt trăng gần như vô hình với mắt thường, bóng tối sẽ mang đến cảm giác bí ẩn và sự dao động, phần nào làm chúng ta mất phương hướng. Vì lý do này, trăng non không chỉ đánh dấu thời điểm để tiến tới khởi đầu mới mà còn là lúc để mọi người dành thời gian cho bản thân và đánh giá lại chu kỳ kinh nguyệt của mình. Đây là lúc chúng ta bước chậm lại, đánh giá bản thân, dọn dẹp, loại bỏ những thứ không còn cần thiết và đặt ra những mục tiêu mới cần hướng đến.
Trăng non cũng đem đến một làn sóng cảm hứng mới, thúc đẩy con người trở nên độc đáo và sáng tạo hơn trong suy nghĩ và hành động. Bạn hãy tin vào bản năng của mình, suy nghĩ tích cực và tìm đến những trải nghiệm mới mẻ, cố gắng phá bỏ rào cản, giới hạn của bản thân. Đây cũng là thời điểm bạn tập trung vào self-care. Từ lâu rồi, các nhà khoa học đã chứng minh các hoạt động và giấc ngủ của con người bị ảnh hưởng bởi ánh sáng, dù là ánh sáng mặt trời, ánh trăng hay ánh sáng nhân tạo. Nhưng những nghiên cứu gần đây đã cho thấy chúng ta bị ảnh hưởng rõ rệt bởi chu kỳ mặt trăng.
Trăng rằm
Khi ánh sáng mặt trời chỉ chiếu sáng mặt gần của mặt trăng (mặt mà chúng ta nhìn thấy được), giai đoạn đó được gọi là trăng tròn hay trăng rằm (full moon). Khi mặt trăng đạt độ sáng tối đa, năng lượng của nó cũng tăng cao. Năng lượng và cảm xúc của chúng ta cũng được khuếch đại và biểu hiện theo nhiều chiều hướng khác nhau, có thể tích cực, cũng có thể nhạy cảm hoặc có phần mệt mỏi. Đây là một thời điểm ảnh hưởng rõ rệt đến con người, đặc biệt là cảm xúc và hành vi của phụ nữ trong chu kỳ kinh nguyệt. Bạn hãy tập trung và kết nối với chính mình cũng như giải phóng năng lượng một cách phù hợp, hoặc manifest ước muốn của bạn.
Một nghiên cứu tại Nhật dựa trên thống kê về tai nạn giao thông đường bộ tại 47 tỉnh từ 2010 đến 2014 cho thấy sự tăng vọt về số ca cấp cứu do tai nạn giao thông trong những đêm trăng tròn. Tuy nhiên nghiên cứu không chỉ ra được lý do dẫn đến sự liên quan này. Có ý kiến cho rằng, với nguồn năng lượng tăng cao khi trăng tròn, chúng ta sẽ ra ngoài nhiều hơn, hoạt động nhiều hơn và giải phóng năng lượng nhiều hơn.
Một nghiên cứu khác vào năm 2013 chỉ ra những người tham gia cần thêm thời gian để chìm vào giấc ngủ và thời gian ngủ sâu cũng ít hơn 30% trong thời kỳ trăng rằm. Một nghiên cứu khác gần đây hơn vào năm 2021 cho thấy những người tham gia nghiên cứu ngủ ít hơn và ngủ muộn hơn vào những ngày trước trăng tròn.
Mối liên hệ giữa pha trăng và tỷ lệ sinh sản vẫn đang được bàn cãi. Một nghiên cứu tại Nhật Bản vào năm 2020 đã dựa trên thống kê tại một bệnh viện ở Fukutsu tuy không cho thấy sự liên quan giữa tổng số ca sinh và pha trăng nhưng phân tích chi tiết lại cho thấy sự liên hệ thú vị giữa lượng ánh trăng và số lượng ca sinh. Với nhóm trẻ sinh vào ban đêm, số ca sinh cao nhất vào gần thời kỳ trăng tròn nhưng với nhóm trẻ sinh vào ban ngày, số ca sinh cao nhất vào gần thời điểm trăng non.
Tắm trăng
Các nhà nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết rằng ở thời cổ đại, chu kỳ của phụ nữ gắn liền với chu kỳ của mặt trăng hơn, tuy nhiên lối sống hiện đại với sự ô nhiễm ánh sáng ngày càng nhiều đã khiến chúng ta dần “lệch pha” với mặt trăng. Có rất nhiều cách để bạn có thể điều chỉnh để hòa nhịp cùng mặt trăng, lấy lại cân bằng về năng lượng và một trong những phương pháp woo woo đang được ưa chuộng là “tắm trăng” hay moon bathing.
Tắm trăng, tưởng chừng là một xu hướng tâm linh mới mẻ nhưng thực chất đã được ghi chép hàng ngàn năm. Các nền văn hóa cổ đại gắn liền cuộc sống của họ với ánh trăng vì đó là nguồn sáng chính mỗi đêm. Nền văn minh Ai Cập hay Á Đông đều tôn thờ cả mặt trăng và mặt trời. Họ có cả những phương thức hay nghi lễ để đón nhận năng lượng từ mặt trăng.
Theo các ghi chép về Ayurveda, mặt trăng có năng lượng chữa lành và làm dịu cho tâm trí và cơ thể. Tắm ánh trăng là một cách hiệu quả để làm mát cơ thể, làm dịu sự tức giận và lấy lại điểm cân bằng, điều chỉnh năng lượng cũng như cảm xúc trong những ngày có chu kỳ kinh nguyệt. Tắm trăng không cầu kỳ. Về cơ bản, tắm trăng cũng tương tự như tắm nắng, bạn ra ngoài và “hấp thụ” ánh trăng. Bạn không cần phải thoát y, cũng không phải thiền. Hãy chọn không gian yên tĩnh, riêng tư và tạo cho mình tâm thế thoải mái nhất. Cách tốt nhất, bạn hãy chọn một nơi xa rời ánh đèn thành phố để giảm thiểu tối đa sự ô nhiễm ánh sáng. Hãy chọn một nơi mà bạn có thể cảm nhận được ánh trăng rõ nét nhất, hít sâu, thư giãn và cảm nhận nguồn năng lượng của ánh trăng chảy trong bạn.
Bài: Minh Thảo
Ảnh: Tư liệu