Làm đẹp / Bí quyết khỏe và đẹp

Ngộ độc ánh sáng – Kẻ thù thầm lặng của làn da mùa nóng

Ngộ độc ánh sáng là khái niệm bạn cần cập nhật ngay hôm nay.

Trời Hè nóng bức với cái nắng gay gắt luôn là nỗi lo cho làn da của phái đẹp. Chỉ một phút sơ sót bỏ quên lớp kem chống nắng, bạn hoàn toàn có thể phải đối mặt với các vấn đề như ửng đỏ, phồng rộp hay bỏng nắng. Không chỉ vậy, tia cực tím còn có thể gây tổn thương đến các tế bào gây lão hóa sớm và tăng nguy cơ ung thư da. Nghiêm trọng hơn, bạn còn có thể gặp phải hiện tượng ngộ độc ánh sáng.

Ngộ độc ánh sáng là một khái niệm còn khá mới lạ với nhiều người và dễ gây nhầm lẫn với hiện tượng bỏng nắng. Hiện tượng này có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng và lâu dài hơn. Hãy cùng ELLE tìm hiểu về ngộ độc ánh sáng để giữ làn da luôn khỏe mạnh, đặc biệt là trong mùa Hè đổ lửa này.

ngộ độc ánh sáng
Ảnh: Getty Images

Ngộ độc ánh sáng là gì?

Ngộ độc ánh sáng (sun poisoning) hay còn có các tên gọi khác là ngộ độc mặt trời hoặc kích ứng ánh nắng. Đây là một thuật ngữ thường được sử dụng để chỉ một trường hợp nghiêm trọng của cháy nắng.

Theo Joshua Zeichner, Giám đốc mỹ phẩm và da liễu tại Bệnh viện Mount Sinai chia sẻ: “Ngộ độc ánh sáng là một phản ứng khi bạn bị bỏng nắng nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể”. Về cơ bản, triệu chứng của ngộ độc ánh sáng khá tương đồng với cảm cúm, ngoài việc phải chịu sự đau đớn từ các vết bỏng, bạn có thể bị sốt, ớn lạnh, buồn nôn, nôn mửa, kiệt sức và thậm chí là ngất xỉu.

Bác sĩ da liễu tại New York, Julie Karen nói thêm: “Các triệu chứng có thể kéo dài từ vài giờ trong trường hợp nhẹ đến nhiều ngày với các trường hợp nặng hơn”.

ngộ độc ánh sáng
Ảnh: Getty Images

Ziechner cho biết thủ phạm đằng sau những triệu chứng này là phản ứng viêm. Khi bạn bị cháy nắng, vùng da bỏng sẽ bị viêm gây ửng đỏ và đau rát. Các vết bỏng, đặc biệt là những vùng chịu tác động nghiêm trọng cũng sẽ tác động gây viêmvà lan khắp toàn thân. Nói cách khác, khi tiếp xúc với ánh nắng chứa tia UV mạnh quá lâu, cơ thể sẽ xuất hiện các vết bỏng nặng dẫn tới phản ứng viêm trên diện rộng và gây nên hiện tượng ngộ độc ánh sáng.

Ngộ độc ánh sáng thường là trường hợp bỏng do tia cực tím (UV) gây ra trên da khi tiếp xúc với ánh nắng trong thời gian dài. Ngoài ra có nhiều nguyên nhân khác cũng dẫn đến ngộ độc ánh sáng như bệnh lý về da sẵn có như eeczema hay lupus ban đỏ, tác dụng phụ của thuốc, thiếu dinh dưỡng…

Những đối tượng có nguy cơ ngộ độc ánh sáng cao thường là những người có da hoặc tóc sáng màu. Người thường xuyên làm việc hay tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời cũng có nguy cơ ngộ độc ánh sáng cao hơn.

ngộ độc ánh sáng
Ảnh: Getty Images

Phải làm gì khi bị ngộ độc ánh sáng?

Nếu bạn dành quá nhiều thời gian dưới ánh mặt trời và gặp phải những dấu hiệu ngộ độc ánh sáng, có hai điều bạn cần làm ngay:

Tránh ánh nắng để ngăn các tia tử ngoại tiếp tục tác động lên da. Bạn nên lau khô nhẹ nhàng bằng khăn bông nếu cơ thể đang ướt để tránh việc nước bốc hơi làm mất độ ẩm trên da, làm tình trạng da trở nên tồi tệ hơn.

ngộ độc ánh sáng
Ảnh: Beachstore

Tiếp đến bạn cần tìm cách làm dịu làn da đang bỏng rát. Bác sĩ Karen khuyến nghị: “Lý tưởng nhất là bạn nên đi vào bóng râm và làm mát da dần dần bằng một miếng gạc mát hoặc hạ nhiệt bằng cách ngâm mình trong một bồn tắm mát mẻ”. Bạn cũng nên tránh nắng một vài ngày sau đó để làn da phục hồi tốt hơn.

Tuy nhiên, nếu tình trạng không giảm bớt hoặc trở nên nghiêm trọng, bạn nên tìm đến các bác sĩ chuyên khoa để được hỗ trợ kịp thời.

Làm sao để phòng tránh ngộ độc ánh sáng?

Tương tự như cháy nắng, cách tốt nhất để đối phó với ngộ độc ánh sáng là thực hiện các phương pháp phòng ngừa. Bạn nên chọn các loại các loại kem chống nắng phổ rộng với SPF 30 trở lên. Với những bạn hoạt động nhiều dưới nắng hay ưa thích tắm biển, chỉ số lý tưởng sẽ ở vào khoảng từ SPF 50 trở lên và nên chọn những loại kem có khả năng chống nước và mô hôi tốt.

ngộ độc ánh sáng
Ảnh: Royal Palm Plaza

Bạn nên thoa kem chống nắng 15 phút trước khi ra ngoài và đừng quên thoa lại sau mỗi 2 giờ, sau khi bơi hoặc đổ nhiều mồ hôi. Nếu bạn có một làn da nhạy cảm hoặc đang dùng thuốc, tỷ lệ bị ngộ độc ánh sáng sẽ cao hơn, vì vậy bạn nên thường xuyên chú ý quan sát tình trạng làn da mình.

Xem thêm:

5 loại kem chống nắng dạng lăn giúp phái đẹp đẩy lùi tia cực tím

Cách chữa da bị cháy nắng cho chuyến du lịch không lo âu

Nhóm thực hiện

Bài: Kim Chi Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Ảnh: Tổng hợp Tham khảo: Allure
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)