Làm đẹp / Bí quyết khỏe và đẹp

Đâu là những nguyên nhân gây ngứa mắt của dân văn phòng?

Khi bị ngứa mắt, điều đầu tiên nên nhớ là: không được dụi mắt.

Nhân viên văn phòng thường phải làm việc thường xuyên với các thiết bị điện từ suốt nhiều giờ liền. Chính vì vậy, nhóm đối tượng này dễ gặp các vấn đề về mắt và thị lực, trong đó thường thấy nhất là ngứa mắt. Xác định nguyên nhân là cách giúp bạn ngăn ngừa và giải quyết tình trạng ngứa mắt.

“Tôi nhắm mắt lại và cả thế giới chết đi. tôi ngước mắt lên và mọi thứ lại được tái sinh” – Nhà thơ và Tiểu thuyết gia Sylvia Plath.

Các nguyên nhân dẫn đến ngứa mắt ở dân văn phòng

1. Khô mắt

Độ ẩm không khí trong môi trường điều hòa thường thấp, khiến cho da và mắt bị khô đi. Khi độ ẩm trên mắt không đủ sẽ làm ngứa mắt – đây là phản ứng tự nhiên để kích thích tuyến lệ tiết ra độ ẩm để giảm khô. Chính vì vậy, biện pháp cho vấn đề này là bạn nên duy trì nhiệt độ không quá chênh lệch với môi trường thực tế, hãy để điều hòa từ 24 đến 26 độ. Hoặc, dùng máy tạo độ ẩm để cho không khí ẩm hơn.

ánh sáng mặt trời đôi mắt phụ nữ ngứa mắt
Ảnh: Kamila Maciejewska/ unsplash.

2. Mỏi mắt

Nhân viên văn phòng thường xuyên phải làm việc với các thiết bị điện từ. Bức xạ điện từ cùng ánh sáng từ màn hình có thể khiến cho mắt mỏi và tăng cảm giác ngứa mắt. Bên cạnh đó, việc tập trung cao độ vào công việc đôi khi khiến chúng ta quên phải chớp mắt thường xuyên. Điều này vừa gây mỏi, vừa gây khô và vừa gây ngứa mắt.

Thế nên, bạn nên để mắt nghỉ ngơi sau 40 phút đến 1 giờ làm việc liên tục. Có thể hướng ánh nhìn ra xa và nhìn vào những mảng xanh từ thiên nhiên để mắt được nghỉ ngơi. Hoặc đơn giản hơn là nằm nhắm mắt trong vài phút. Nếu có thể, bạn nên trang bị kính mắt với tròng kính chống ánh sáng xanh để mắt không bị mỏi và gây ngứa khi làm việc quá nhiều với thiết bị điện từ.

3. Kính áp tròng

Kính áp tròng là dị vật áp sát trực tiếp với giác mạc. Vệ sinh kính chưa kỹ, tay hoặc dụng cụ hỗ trợ đeo kính chưa sạch, hay vô tình để bụi bẩn bay vào mắt là nguyên nhân gây viêm và ngứa mắt. Kính áp tròng không đạt chuẩn chất lượng, kính đã bị hỏng, kính đã hết hạn sử dụng, đeo ngược mặt hay đeo quá thời gian cho phép trong ngày (thường là 8 giờ/ngày đối với kính áp tròng phổ thông) cũng là nguyên nhân gây ngứa mắt.

phụ nữ đeo kính áp tròng ngứa mắt
Ảnh: north florida vision.

Nếu như kính áp tròng là nguyên nhân khiến bạn bị ngứa mắt, thì bạn nên tháo ra và tạm ngừng đeo kính áp tròng để mắt nghỉ ngơi, ổn định. Vệ sinh tay bằng xà phòng, ngâm kính trong dung dịch chuyên dụng và mang kính bảo hộ khi ra đường là cách giúp bạn phòng ngừa việc ngứa mắt do kính áp tròng. Tuân thủ hướng dẫn, thời gian và thời hạn sử dụng được ghi trên bao bì để bảo vệ mắt không bị tổn thương.

4. Ô nhiễm không khí

Ô nhiễm không khí và các hạt bụi pm 2.5 cũng là nguyên nhân gây ra viêm mắt, đỏ mắt và ngứa mắt. Thế nên, bạn cần mang kính chắn bụi khi ra ngoài hoặc hạn chế ra ngoài khi chất lượng không khí không được đảm bảo. Ngoài ra, sử dụng nước muối nhỏ mắt để vệ sinh mắt sau khi từ ngoài về.

5. Mỹ phẩm

Một số loại mỹ phẩm dưỡng da, trang điểm có khả năng gây kích ứng mắt, đặc biệt là kem chống nắng và những sản phẩm có hương liệu. Nếu như bạn là người có đôi mắt nhạy cảm, thì những sản phẩm đã được kiểm nghiệm an toàn bởi các bác sĩ nhãn khoa hoặc mỹ phẩm không mùi nên là sự lựa chọn hàng đầu.

trang điểm mắt gây ngứa
Ảnh: engin akyurt/ Unplash.

6. Viêm mắt gây ngứa mắt

Viêm là một trong những biểu hiện của mắt nhằm thông báo mắt hoặc cơ quan nào đó trong cơ thể đang không ổn. Đó có thể là do vi khuẩn tấn công mắt; hoặc do tác dụng phụ của thuốc… Khi viêm, bạn sẽ cảm thấy ngứa mắt, chảy nước mắt, ghèn ở mắt và đỏ mắt. Những lúc này, bạn nên gặp bác sĩ nhãn khoa để được thăm kháo, chữa trị và theo dõi.

Những điều nên và không nên làm khi ngứa mắt

Khi ngứa mắt, việc đầu tiên cần tránh là dụi mắt. Dụi mắt có thể làm các tác nhân kích thích như bụi, phấn hoa, lông thú cưng mắc kẹt sâu hơn. Thậm chí, hành động này có thể làm vỡ lớp giác mạc trên cùng (biểu mô), gây đau và có khả năng dẫn đến nhiễm trùng.

Sử dụng nước muối sinh lý chuyên dụng cho mắt để rửa trôi dị vật là điều nên làm. Hoặc dùng nước mắt nhân tạo để bôi trơn và làm ẩm giác mạc cũng có thể ngăn ngừa và giảm tình trạng ngứa do khô mắt. Tuy nhiên, khi mắt bị ngứa bạn không nên tự ý dùng các loại thuốc nhỏ mắt kháng viêm, kháng sinh – đặc biệt với những hạng mục thuốc cần sự kê đơn của bác sĩ.

Phụ nữ trang điểm mắt đính đá
Ảnh: @raincornelius/ Instagram.

Sau vài giờ trôi qua nhưng mắt vẫn không bớt ngứa hoặc tình trạng càng trở nên trầm trọng hơn, bạn nên đến ngay trung tâm y tế hoặc gặp bác sĩ nhãn khoa để chẩn đoán bệnh. Tránh dùng các mẹo dân gian và dùng dụng cụ tự ý gắp dị vật ra khỏi mắt.

Để tránh được tình trạng ngứa mắt cũng như các bệnh lý về mắt, bạn cần vệ sinh mắt thường xuyên bằng nước muối sinh lý, đeo kính bảo hộ khi ra ngoài và thường xuyên cho mắt nghỉ ngơi. Chế độ dinh dưỡng cũng đóng góp cho thị lực khỏe mạnh. Hãy bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin A để mắt sáng, khỏe.

Nhóm thực hiện

Thực hiện: Aaron Nguyen. 

Ảnh: Tổng hợp. 

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)