Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng cảm thấy tự ti vì mụn khi bước đến tuổi dậy thì. Thuở đó, lý giải “xuôi tai” nhất là vì tuổi này nội tiết tố thay đổi và ai ai sớm muộn gì cũng đều phải trải qua. Nhưng khi bạn đã hoàn toàn hết mụn mà vẫn gặp lại chúng vào tuổi 25 thì sao? Dưới đây là những nguyên nhân có thể khiến mụn xuất hiện khi bạn đã ở tuổi trưởng thành.
Nội tiết tố thay đổi
Nội tiết tố thay đổi là nguyên nhân dẫn tới mụn ở tuổi dậy thì và ngay cả khi bạn đã là cô nàng 25. Trong thực tế, mụn ở tuổi trưởng thành là vấn đề bắt gặp ở rất nhiều phụ nữ. Bác sĩ da liễu Doris Day, tác giả của cuốn sách 100 Câu hỏi & Trả lời về Mụn cho biết có đến 50% phụ nữ sẽ trải qua mụn ở tuổi trưởng thành, trong đó quá nửa số người ở độ tuổi 20 và khoảng 35% số người ở độ tuổi 30 sẽ gặp phải một dạng nào đó của mụn.
Khi phụ nữ ở tuổi trưởng thành, nội tiết tố trong cơ thể tiếp tục thay đổi, nhất là vào thời điểm bạn chuẩn bị bước vào kì kinh nguyệt hàng tháng. Hormones estrogen suy giảm và testosterone tăng lên dẫn đến lượng dầu tiết ra nhiều hơn, là nguy cơ khiến lỗ chân lông bị bí tắc, từ đó xuất hiện mụn. Chỉ có điều mụn ở tuổi trưởng thành thường khó trị hơn mụn ở tuổi dậy thì, chúng có hình hài mụn bọc và mụn ẩn nhiều hơn mụn đầu đen và mụn đầu trắng.
BÀI LIÊN QUAN
Sử dụng biện pháp tránh thai
Những biện pháp tránh thai như sử dụng thuốc và đặt vòng có ảnh hưởng đến nội tiết tố phụ nữ. Có thể bạn đã từng biết một cô bạn thân sử dụng thuốc tránh thai để trị mụn nhưng biện pháp này chỉ có hiệu quả khi thuốc được sử dụng theo sự chỉ định của bác sĩ. Một số loại thuốc có chứa thành phần progestin làm tăng hormones testosterone là nguyên nhân tiềm ẩn gây mụn.
Hơn nữa, một khi đã sử dụng biện pháp tránh thai thì cơ thể sẽ cần từ 4 đến 6 tháng để chu kỳ nội tiết hoạt động bình thường. Như vậy bạn cũng có thể sẽ liên tục gặp phải mụn ở tuổi trưởng thành trong khoảng thời gian đó. Lời khuyên là các nàng nên tham khảo bác sĩ trước để lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp nhất với cơ thể mình.
Chế độ ăn không lành mạnh
Đã có rất nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng chế độ ăn uống ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng da. Những loại thức ăn có chỉ số đường cao như gạo và bánh mì trắng, mỳ Ý, đồ ăn chế biến sẵn, sản phẩm từ sữa… sẽ nhanh chóng chuyển hóa thành glucose khi được dung nạp vào cơ thể. Lượng glucose đó không chỉ làm cơ thể bị thừa cân mà còn ảnh hưởng tới nội tiết tố, dẫn đến sự “không mời mà đến” của mụn.
Như vậy chú ý đến chế độ ăn uống có thể góp phần hạn chế không nhỏ mụn ở tuổi trưởng thành. Ngoài ra các nàng nên lưu ý cả những loại thực phẩm núp bóng “lành mạnh” như hoa quả ngọt, hoa quả sấy khô, bánh dinh dưỡng,…
Căng thẳng thường xuyên
Đọc đến đây, chắc sẽ có một số nàng thắc mắc sao bản thân mình ăn uống, sinh hoạt lành mạnh mà mặt vẫn có mụn nhỉ? Điều này có làm bạn căng thẳng không? Nếu câu trả lời là có thì đây chính là nguyên do mà bạn đang kiếm tìm đấy.
Ở những hoàn cảnh gây ra căng thẳng, như deadline công việc đang cận kề chẳng hạn, cơ thể sẽ tiết ra hormones cortisol để đối phó. Tuy nhiên, loại hormones này cũng làm da tiết dầu nhiều hơn giống như testosterone vậy. Cortisol cũng xuất hiện cả khi bạn thức khuya nữa. Vì thế trước khi có ý định “nổi cáu” lên vì chuyện gì, hãy nghĩ đến làn da xinh của mình nhé!
—
Xem thêm:
Những hiểu lầm cần loại bỏ khi chăm sóc da mụn
Suy nghĩ tích cực về làn da bị mụn – Xóa bỏ tự ti về ngoại hình
Nhóm thực hiện
Nguyễn Gia Linh Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: Tổng hợp Ảnh: Tổng hợp