9 nguyên nhân hàng đầu gây rối loạn nội tiết
Rối loạn nội tiết có thể gây nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, đồng thời hủy hoại nhan sắc của bạn.
Tuyến giáp (hình bướm trước cổ) dù rất nhỏ nhưng lại chiếm vai trò quan trọng trong cơ thể người. Bệnh tuyến giáp (cường hoặc suy) là nguyên nhân phổ biến gây ra rối loạn nội tiết. Ở cả hai trường hợp, ta đều dễ dàng nhận thấy những triệu chứng điển hình như: cân nặng thay đổi ngoài kiểm soát, tâm trạng thất thường, da suy yếu và thậm chí cả ung thư vú. Bệnh tuyến giáp là một trong những bệnh thường gặp nhất ở phụ nữ Việt Nam với hơn 4,6 triệu ca mắc u nhân tuyến giáp cho đến nay (theo Dân Trí).
Dưới đây, ELLE chia sẻ cùng bạn 9 nguyên nhân hàng đầu có thể dẫn đến bệnh tuyến giáp, gây rối loạn nội tiết trong cơ thể.
1. Căng thẳng quá độ kéo dài
Căng thẳng kéo dài có thể gây tổn hại cho mọi bộ phận trong cơ thể người, nhưng tuyến giáp là nơi có biểu hiện rõ rệt nhất. Rối loạn nội tiết do căng thẳng quá độ sẽ dẫn đến mất ngủ; nhức đầu; khó thở; hay bồn chồn, lo lắng và thậm chí mất trí nhớ. Để giảm thiểu nguy cơ này, bạn nên học cách cân bằng giữa công việc và cuộc sống riêng; đi ngủ sớm; thiền định cũng như tập thể dục thường xuyên hơn.
2. Không nạp đủ chất béo có lợi
Chế độ ăn kiêng cắt giảm chất béo triệt để có thể giúp bạn giảm cân, nhưng đồng thời lại gián tiếp gây rối loạn nội tiết. Chất béo có lợi là cần thiết để cơ thể bạn vận hành nhịp nhàng và da dẻ căng bóng, mướt mát. Không phải chất béo nào cũng đều là “thủ phạm” gây hại sức khỏe. Chất béo có lợi thường được tìm thấy trong dầu ô liu, mè đen, hạt lanh, trứng, thịt, cá và mầm lúa mì.
3. Nạp quá nhiều chế phẩm từ đậu nành
Đậu nành được mệnh danh là một trong những “siêu thực phẩm” vì chứa hàm lượng khoáng chất và vitamin dồi dào. Tuy nhiên phụ nữ nghi bệnh giáp cần thận trọng với đậu nành, vì trong đó có chất kháng giáp, khiến tuyến này khó hấp thụ i-ốt và hoạt động chậm đi. Giải pháp cho bạn là tìm kiếm nguồn dinh dưỡng tương tự thay thế từ rau, quả, hải sản (đặc biệt là tôm, trai, mực, cá da trơn).
4. Ăn quá nhiều rau họ cải
Có lẽ là thông tin bất ngờ với bạn, nhưng các nhà nghiên cứu tại Đại học bang Oregon đã phát hiện ra tác động tiêu cực từ rau họ cải lên hoạt động của tuyến giáp. Lý do là bởi rau họ cải chứa glucosinolates, nitơ và lưu huỳnh (những chất tạo ra vị đắng nhẹ trong rau). Khi được hấp thụ vào cơ thể, các chất này ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của tuyến giáp, thậm chí có thể gây bướu cổ. Bạn nên giảm bớt khẩu phần ăn các loại cải như bắp cải, cải thảo, cải bẹ xanh, củ cải trắng… đặc biệt nếu bạn được chẩn đoán thiếu i-ốt. Thay vào đó, bạn có thể ăn thêm cà chua, cần tây và củ cải đường.
5. Hút thuốc lá
Khói thuốc không chỉ hủy hoại phổi mà còn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây cường giáp và làm rối loạn nội tiết. Cơ thể phải mất tới 6 ngày mới có thể loại bỏ hoàn toàn độc tố từ khói của một điếu thuốc duy nhất. Trong quá trình này, lượng i-ốt sẽ suy giảm, lượng hormone tuyến giáp trong máu tăng lên khiến bạn thấy trì ệ, mệt mỏi và cáu kỉnh.
6. Nạp quá nhiều caffeine
Nếu bạn cho phép bản thân nghiện caffeine vào nạp vào quá số lượng an toàn, nồng độ cortisol trong cơ thể sẽ tăng vọt, khiến tuyến giáp hoạt động vất vả hơn. Thông thường, 150 ml cà phê rang xay nguyên chất chứa khoảng 110-160 mg caffeine. Theo nghiên cứu của Mayo Clinic, người trưởng thành có thể nạp khoảng 400 mg caffeine trở xuống một ngày là vừa đủ, tức là tương đương một – hai ly cà phê nhẹ vào buổi sáng. Bạn cũng cần nhớ rằng cả sô cô la, coca cola, và đồ uống tăng lực cũng đều chứa caffeine chứ không chỉ riêng cà phê.
7. Nạp quá nhiều thực phẩm có chỉ số đường cao
Chỉ số đường huyết (glycemic index) là chỉ số thể hiện hiệu ứng tức thời của thực phẩm chứa carbohydrate với mức đường trong máu. Chỉ số đường huyết càng cao chứng tỏ nồng độ đường trong máu tăng lên càng nhanh, thường thấy ở các món ngọt như bánh, kẹo, gạo trắng, bột mì, mì ống, nước ngọt có ga… Nạp quá nhiều đường không chỉ khiến cơ thể khó hấp thụ i-ốt, làm rối loạn nội tiết, mà còn là nguyên nhân hàng đầu khiến da nhanh chóng bị sạm nám, nhăn nheo.
8. Ăn quá nhiều bơ
Bơ (cả động vật lẫn thực vật) đều nằm trong danh sách các loại thực phẩm giàu cholesterol. Cholesterol ảnh hưởng đến sự cân bằng lipid và chức năng tuyến giáp, gây béo phì. Mặc dù vậy, cũng như chất béo có lợi, bạn không thể loại bỏ hoàn toàn bơ khỏi chế độ ăn uống. Bạn chỉ cần cắt giảm bớt khẩu phần và lưu ý không dung nạp bơ về đêm khi quá trình chuyển hóa chất của cơ thể kém đi.
9. Nghiện rượu bia
Chất cồn có thể làm tăng hoặc giảm tiết dịch tụy quá mức, khiến quá trình tổng hợp dehydrogenase của tuyến giáp chậm lại. Cả hai trường hợp đều gây rối loạn nội tiết trông thấy: phụ nữ có thể bị kinh nguyệt không đều và đàn ông suy giảm ham muốn tình dục. Ngoài ra, người nghiện rượu cũng có thể bị tim đập nhanh, rối loạn tiêu hóa, rối loạn thần kinh, suy gan, thận và nhiều chứng bệnh nghiêm trọng khác.
—
Xem thêm:
Nhiều người chưa biết suy giảm hormone là nguyên do chính gây lão hoá
Nguyên nhân tăng cân từ các loại hormone khiến bạn “muốn ăn cả thế giới”
Bài: Hải An
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Ảnh: Depositphotos, Mark Alexandrovich