Những cách trị môi khô hiệu quả tại nhà

Đăng ngày:

Môi khô thậm chí nứt nẻ là một vấn đề thường gặp của bất kỳ ai. Dù đã quá quen thuộc với tình trạng này, nhưng giải pháp khắc phục của bạn thường là gì và điều có thực sự đem lại hiệu quả?

Một đôi môi nứt nẻ sẽ khiến gương mặt bạn kém sắc, làm giảm sự ngọt ngào của nụ cười và ảnh hưởng cả đến những cái hôn lãng mạn. Những vết bong tróc trên bề mặt môi khiến bạn khó chịu suốt cả ngày dài và lúc nào cũng muốn dùng tay để bóc lớp da này ngay tức khắc. Tuy nhiên, hành động này chẳng khác nào làm tổn thương bờ môi mỏng manh của bạn. Ngay từ bây giờ, bạn cần nâng niu bờ môi xinh của mình hơn nữa qua những cách trị môi khô sau từ ELLE.

cô gái cười tươi

Một đôi môi mềm mại và hồng hào đem lại nụ cười thu hút mọi ánh nhìn. Ảnh: Unsplash.

Nguyên nhân gây khô môi

Những thói quen xấu

Nguyên nhân của một đôi môi nứt nẻ có thể là do nước bọt khi liếm môi, thức ăn cay và thời tiết khô, lạnh. Sau khi liếm môi, lượng amylase còn lại sẽ khiến môi bạn trở nên khô. Cắn hoặc nhai môi cũng gây hậu quả tương tự, bạn nên bỏ thói quen xấu này ngay hôm nay.

cách trị khô môi để cười thật tươi

Tránh xa những thói quen xấu gây khô môi là cách đảm bảo Ảnh: Unsplash.

Bên cạnh đó, sử dụng kem đánh răng có chứa sodium lauryl sulfate cũng có thể là nguyên nhân gây khô và nứt nẻ ở môi. Nếu bạn đang gặp phải tình trạng này, hãy cân nhắc đổi sang một loại kem đánh răng khác.

Như đã đề cập ở một số bài viết trước, chính thói quen không chống nắng cho môi cũng dễ khiến môi khô rát, mất nước, xỉn màu và nhanh bị lão hóa. Da môi cũng cần được bảo vệ và chống nắng như mọi vùng da khác trên cơ thể. Đặc biệt vào mùa Hè, khi chỉ số tia cực tím cao hơn bình thường. Bạn nên giữ thói quen đeo khẩu trang khi ra đường và thường xuyên thoa son dưỡng có chỉ số SPF phù hợp.

Sức khỏe

Môi nứt nẻ cũng có thể liên quan đến một loạt các tình trạng y tế tiềm ẩn, bao gồm bệnh tuyến giáp, thiếu vitamin và bệnh viêm ruột. Chức năng tuyến giáp thấp có thể gây khô miệng và môi. Ngoài ra, thiếu hụt vitamin B hoặc nồng độ kẽm hay sắt thấp cũng được cảnh báo là gây ra tình trạng nứt nẻ ở môi. Viêm môi góc cạnh hoặc viêm ở khóe miệng cũng có thể dẫn đến da quanh miệng bị khô hoặc nứt nẻ.

cách trị môi khô hiệu quả tại nhà

Làn môi phản ánh nhiều vấn đề không ngờ tới về sức khỏe của bạn. Ảnh: Unsplash.

Một chế độ ăn không đảm bảo đủ dinh dưỡng cũng là nguyên nhân gây khô môi. Theo nhiều nghiên cứu, thiếu vitamin B sẽ dễ dàng dẫn đến tình trạng này. Ngoài ra, khi tiêu thụ quýt, cam, chanh và cà chua, hãy hạn chế để chúng tiếp xúc trực tiếp với môi. Giải pháp cho bạn có thể là sử dụng ống hút khi tiêu thụ những thực phẩm trên.

Dùng son môi quá hạn

Đừng tiếc những thỏi son quá hạn, nhất là khi chúng hình thành hiện tượng “chảy mồ hôi” trên thân. Vi khuẩn, ẩm mốc có thể trú ngụ trên thỏi son quá hạn đó của bạn. Vì thế dù đó là thỏi son đắt giá đến đâu hoặc bạn yêu nó đến thế nào, hãy thẳng tay bỏ vào thùng rác khi đã hết hạn.

son môi quá hạn cần được bỏ

Đừng tiếc những cây son đã quá hạn. Ảnh: Unsplash.

Cơ thể thiếu nước

Khô môi là một trong những dấu hiệu báo động cơ thể mất nước. Mất nước làm đảo lộn sự cân bằng tự nhiên của các khoáng chất trong cơ thể bạn và tàn phá làn da của bạn. Giữ nước bằng cách uống nhiều nước và ăn trái cây tươi và rau như dưa chuột, cà chua, zucchinis, đậu và dưa hấu là cách tốt nhất để bảo vệ làn da và đôi môi bạn.

Cách trị môi khô

Tình trạng môi khô có thể tự lành, nhưng cũng chẳng nhanh đến mức biến mất sau 1 – 2 ngày. Sau đây là một số lời khuyên được tổng hợp từ ELLE:

Sử dụng son dưỡng

Sáp và dầu trong son dưỡng sẽ tạo thành một lớp bảo vệ trên môi, do đó bạn nên đầu tư cho mình một thỏi son dưỡng thật tốt. Những loại son dưỡng cơ bản có chứa petroleum jelly hay paraffin giúp đôi môi của bạn được giữ ẩm, bảo vệ môi khỏi những yếu tố xấu từ môi trường.  Bạn nên chọn một loại son dưỡng kết hợp chống nắng và áp dụng lên môi trong suốt cả ngày.

cách trị khô môi từ son dưỡng

Bạn nên lưu ý những thành phần trong son dưỡng môi. Ảnh: Unsplash.

Bạn nên hạn chế sử dụng các loại son dưỡng có chứa hương thơm, long não, tinh dầu bạc hà và axit salicylic. Các thành phần này có thể gây kích ứng da môi, dẫn đến phá vỡ hàng rào bảo vệ da và mất hydrat hóa, có thể làm cho đôi môi nứt nẻ trở nên tồi tệ hơn.

Sử dụng dầu

Nhẹ nhàng xoa một lượng nhỏ dầu lên môi là biện pháp trị liệu tuyệt vời với những đôi môi nứt nẻ. Bạn nên chọn những loại dầu tự nhiên để đảm bảo sự an toàn và dịu nhẹ cho bờ môi của mình:

  • Dầu dừa
  • Dầu ô liu
  • Dầu hạnh nhân
  • Dầu jojoba
  • Bơ hạt mỡ
cách trị môi khô từ các loại dầu tự nhiên nguyên chất

Ảnh: Unsplash.

Cách trị môi khô từ dầu:

  • Lấy một chút dầu dừa / ô liu / thầu dầu / hạnh nhân / jojoba nguyên chất
  • Nhỏ vào đó 1 – 2 giọt dầu hạt nho hoặc dầu neem
  • Thoa hỗn hợp lên môi 2 – 3 lần / ngày hoặc mỗi khi thấy môi bị khô. Bạn cũng có thể thoa một lớp dày hỗn hợp này lên môi trước khi đi ngủ và để qua đêm. Sáng hôm sau khi thức dậy, bạn chỉ việc dùng khăn mềm hoặc bàn chải đánh răng tẩy đi lớp tế bào chết trên môi. Bạn sẽ thấy môi mềm và mịn hơn đáng kể.

Dưa chuột

Dưa chuột (dây leo) là chất giữ ẩm tuyệt vời và có tác dụng làm dịu da. Trong dưa chuột chứa nhiều nước, đạm, đường, chất xơ, khoáng canxi, sắt, kali, nhiều loại vitamin và các chất quan trọng khác. Hãy tận dụng dưa chuột để điều trị làn môi đang khô nứt của bạn, nhất là trong những ngày Hè nắng nóng.

cách trị môi khô từ dưa chuột

Bạn có thể đắp dưa chuột lên môi để trị khô môi. Ảnh: Unsplash.

Những gì bạn cần: Chỉ là một lát dưa chuột. Xoa miếng dưa chuột nhẹ nhàng lên môi trong 1 hoặc 2 phút. Sau đó đắp dưa chuột lên môi trong khoảng 10 phút rồi rửa sạch môi với nước. Kiên trì thực hiện mỗi ngày để cơn ác mộng về bờ môi khô không còn làm bạn sợ hãi.

3 mẹo nhỏ cần nhớ mỗi ngày

  • Tránh liếm môi: Mọi người trong chúng ta có thói quen liếm môi để giảm cảm giác môi khô và căng rát. Nhưng như đã nói: nước bọt thực sự làm tình hình tồi tệ hơn.
  • Hãy để tâm đến đôi môi của bạn. Nếu bắt đầu cảm thấy khô hoặc ngứa, hãy thoa son dưỡng môi.
  • Bỏ qua đồ ăn cay. Nếu bạn có làn da nhạy cảm, hãy cố gắng tránh các thực phẩm cay. Chúng có thể là nguyên nhân gây kích ứng môi.

Lưu ý

Dù thực hiện bất kỳ cách tri môi khô hoặc son dưỡng môi nào, hãy luôn nhớ rằng bạn phải cung cấp đủ nước cho cơ thể mỗi ngày. Nước là một phần thiết yếu của sự sống và của mọi chế độ làm đẹp. Nước giữ cho cơ thể và làn da của bạn ngậm nước. Vì vậy, trước hết, hãy uống nhiều nước trong ngày song song với những biện pháp được liệt kê ở trên. Chúc bạn luôn nhận được lời khen về một đôi môi đỏ mọng, mềm mại.

Nhóm thực hiện

Bài: Sophie Thanh Huyền

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Ảnh: Tổng hợp

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more