Ô nhiễm môi trường có thể gây nguy cơ ung thư vú
Tháng 10 lại đến, hãy cùng ELLE hưởng ứng tháng phòng chống ung thư vú bằng cách bổ sung kiến thức về việc ngăn ngừa và hạn chế rủi ro nguy cơ ung thư qua bài viết dưới đây.
Ô nhiễm môi trường đặc biệt là ô nhiễm không khí những ngày qua luôn trong mức báo động. Không khí bị ô nhiễm đã gần như được chứng minh là nguyên nhân gây nên ung thư phổi. Và trong một số nghiên cứu báo cáo cũng đã phân tích mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí với nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Vì thế, mọi người cần nâng cao kiến thức về hậu quả của ô nhiễm không khí để tự chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ của mình.
Mối liên quan giữa ô nhiễm không khí và ung thư vú
Dựa trên báo cáo của Thư viện y học quốc gia Mỹ, đã có 17 nghiên cứu đánh giá nguy cơ ung thư vú liên quan tới ô nhiễm không khí. Nguy cơ mắc ung thư vú cao có liên quan đến nồng độ nitrogen dioxide (NO2) và nitrogen oxides (NOx), đều được thải ra từ các phương tiện giao thông. Điển hình là bụi mịn PM10 chứa niken và vanadi được phân tích là có thể gây hại và phá vỡ chức năng nội tiết. Hệ thống nội tiết bao gồm các tuyến tiết ra hormone đi vào cơ thể. Vì vậy, sự gián đoạn chức năng nội tiết có thể làm thay đổi hoạt động của estrogen và các yếu tố tăng trưởng, và điều đó có thể kích hoạt sự tăng sinh của các tế bào vú.
Không khí ô nhiễm chứa các hợp chất như PAHs, kim loại và benzen. Những chất này có thể đóng vai trò là chất gây ung thư hoặc là chất gây rối loạn nội tiết và do đó, có liên quan đến quá trình gây ung thư vú. Theo kết quả thí nghiệm trên động vật, cả PAH và kim loại đều có đặc tính estrogen, tạo ra stress oxy hóa và gây ra khối u vú.
Do đó, mức độ nguy hại của không khí bị ô nhiễm góp phần vào nguy cơ ung thư vú đã được chứng minh tăng cao ở khu vực thành phố. Theo Peggy Reynold – nhà khoa học nghiên cứu cấp cao tại Viện phòng chống ung thư California nói rằng sinh sống trong khu vực có chất lượng không khí kém chắc chắn sẽ dẫn đến một số bất lợi cho sức khoẻ.
Cách phòng ngừa ung thư vú khi không khí bị ô nhiễm
Để ngăn ngừa nguy cơ ung thư vú, bảo vệ cho sức khoẻ của bản thân và gia đình, các bạn hãy thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình ô nhiễm không khí để trang bị cho mình và người thân những vật dụng cần thiết để bảo vệ đường hô hấp, tránh hít thở trong môi trường bụi bẩn, ô nhiễm nặng. Sau đây là vài gợi ý để giúp hạn chế những bụi bẩn ngoài môi trường gây ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Ngoài đường
- Sử dụng khẩu trang lọc bụi mịn: đeo khẩu trang đủ tiêu chuẩn lọc được bụi mịn, có chứng nhận của cơ quan chức năng (không phải những loại khẩu trang y tết thông thường).
- Tắt động cơ xe máy khi dừng đèn đỏ giúp giảm thiểu phần nào khí thải từ khói xe.
- Ưu tiên sử dụng phương tiện giao thông công cộng để giảm thiểu lượng khí thải.
- Tránh xa khói thuốc lá.
Trong nhà
- Sử dụng máy lọc không khí chuyên biệt có khả năng lọc bụi mịn tích hợp công nghệ ion âm. Các hạt ion âm sau khi được phát tán ra trong không khí sẽ có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn, virus, nấm mốc, mùi khó chịu.
- Trồng cây xanh trong nhà: các loại cây như Nha Đam, Lưỡi Hổ, Trầu Bà trồng trong nhà rất tốt cho sức khoẻ. Cây Lưỡi Hổ có thể loại bỏ các chất độc hại như benzene, formaldehyde và xylen để giúp không khí trong lành hơn. Cây Trầu Bà có thể loại bỏ cacbon dioxide và mang đến không khí tươi mát cho không gian sống. Nha Đam thì lại có thể lọc khói bụi và các loại khí độc hại.
- Vệ sinh khu vực sinh hoạt: luôn dọn dẹp không gian sống thường xuyên để bụi bẩn không tích tụ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ.
- Sử dụng nguyên liệu sạch như bếp điện, bếp từ để nấu ăn.
- Luôn rửa mũi, nhỏ mắt bằng nước muối sau khi ở ngoài về nhà.
- Và đặc biệt hãy bổ sung vitamin cho cơ thể, các thực phẩm giúp thải độc cơ thể khi môi trường đang bị ô nhiễm.
Bài: Vy Pham
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: Everyday Health, NCBI
Ảnh: Tổng hợp