Làm đẹp / Bí quyết khỏe và đẹp

Phương pháp peel da hóa học có an toàn và hiệu quả?

Chemical peel là cái tên không còn qua xa lạ với các tín đồ làm đẹp. Tuy nhiên, tính hiệu quả và an toàn của phương pháp này vẫn còn là một dấu chấm hỏi lớn.

Làn da của chúng ta đang ngày ngày phải đối mặt với nhiều tác nhân gây hại từ môi trường. Trong đó, tia UV từ ánh mặt trời cùng khói bụi ô nhiễm chính là những nguyên nhân hàng đầu “đánh cắp” vẻ đẹp của da. Sau một thời gian dài chịu nhiều áp lực, làn da của chúng ta dần xuất hiện những nhược điểm như xỉn màu, thiếu sức sống, thâm sạm… Dấu hiệu lão hóa cũng sẽ “ghé thăm” bạn nhanh hơn, mang đến nếp nhăn trên da. Trong bối cảnh này, phái đẹp phải tìm đến sự hỗ trợ từ các dòng mỹ phẩm đặc trị và những phương pháp chăm sóc da chuyên sâu, điển hình như phương pháp peel da hóa học.

Peel da-Cô gái mặc áo hở lưng.
Bạn có đang phân vân về phương pháp peel da hóa học? Ảnh: Unsplash.

Được biết đến rộng rãi như một bí quyết giúp phái đẹp “hồi sinh”lại vẻ đẹp của làn da nhưng cụm từ “hóa học” lại chính là yếu tố khiến các cô nàng e ngại và chần chừ. Liệu peel da hoá học có thật sự an toàn và hiệu quả? Trong bài viết này, mời bạn cùng ELLE tìm hiểu kỹ hơn về phương pháp này cùng tính hiệu quả mà chúng mang lại nhé. 

Có bao nhiêu mức độ peel da hóa học?

Peel da hoá học hay còn gọi là Chemical peel là phương pháp thay da sinh học, ứng dụng các dung dịch có tính acid nhằm làm bong tróc lớp ngoài của da. Khi tiếp xúc với da, hóa chất sẽ làm chết các mô một cách có kiểm soát. Điều này dẫn đến hiện tượng lớp da trên cùng sẽ bị bong tróc. Lớp da cũ mất đi tạo cơ hội cho lớp da mới tái tạo. Nhờ vậy, làn da của bạn sẽ trở nên mịn màng hơn, đồng thời những khuyết điểm trên da cũng mờ dần đi. Thay da sinh học  thường được áp dụng nhằm khắc phục một số vấn đề trên da bao gồm: sẹo mụn, nếp nhăn và sắc tố không đều màu. Chemical peel được chia thành ba mức độ khác nhau: nông, sâu vừa và sâu.

Superficial Peels (mức độ peel nông)

Đây là mức độ peel da dịu nhẹ nhất. Thao tác này chỉ nhẹ nhàng loại bỏ đi lớp tế bào chết ở bề mặt da mà không can thiệp vào lớp da sâu hơn. Các nàng có thể thực hiện superficial peels ngay tại nhà. Ngoài ra, thời gian lành da sau khi peel cũng rất nhanh chóng. Các thành phần axit có nồng độ nhẹ thường được sử dụng như alpha hydroxy axit hay salicylic axit. Dưới đây là một số công dụng của mức peel nông:

  • Làm mịn da.
  • Giảm sắc tố.
  • Làm dịu các tổn thương gây ra bởi tia UV.
  • Giảm mụn trứng cá.
  • Trẻ hóa da và giúp da trở nên tươi tắn hơn.
Peel da-Cô gái sờ mặt.
Superficial peels mang đến công dụng loại bỏ da chết dịu nhẹ. Ảnh: Getty Image.

Medium Peels (mức độ peel sâu vừa)

Với mức độ này, các chất hóa học có khả năng xuyên qua lớp biểu bì và chạm đến tầng cao nhất của lớp hạ bì (lớp giữa của cấu trúc da). Medium peels thường được sử dụng để điều trị các vấn đề như đốm đồi mồi, nếp nhăn, đồng thời làm mịn da. Glycolic axit (tỷ lệ cao), trichloroacetic axit, và Jessner peels đều thuộc danh mục medium peels. Những công dụng mà mức độ này mang đến bao gồm:

  • Làm mờ sẹo mụn.
  • Giảm sắc tố.
  • Cải thiện làn da khô.
  • Giảm nếp nhăn.
  • Giúp da tươi trẻ và rạng rỡ hơn.
Peel da-Cô gái tóc ngắn.
Medium peels – mức độ peel sâu vừa giúp cải thiện những nhược điểm trên da. Ảnh: Pexels.

Deep Peels (mức độ peel sâu)

Deep peels thâm nhập vào lớp hạ bì da và chạm đến lớp da sâu nhất của bạn. Phenol và trichloroacetic axit (tỷ lệ cao) là hai thành phần hóa học phổ biến thường được sử dụng. Mức độ peel da này cần được thực hiện bởi các chuyên gia có kinh nghiệm, các nàng không thể peel da sâu tại nhà. Ngoài ra, vì mức độ này khá “nặng đô”, bạn chỉ nên peel da một lần trong một năm. 

Peel da-Cô gái dưới nước.
Deep peels – mức độ peel sâu đòi hỏi kỹ thuật cao và chuyên nghiệp. Ảnh: Pexels.

Deep peels mang đến những giải pháp điều trị da như:

  • Làm mờ sẹo mụn lâu năm.
  • Trị mụn trứng cá.
  • Loại bỏ các nếp nhăn.
  • Giảm thiểu đốm đồi mồi.
  • Làm da mịn màng và tươi trẻ hơn.
  • Phương pháp peel này mang đến kết quả lâu dài.

Những tác dụng phụ của phương pháp peel da hóa học 

Khi đề cập đến những liệu pháp điều trị và chăm sóc da, tính an toàn là yếu tố quan trọng nhất. Tương tự như những phương pháp khác, chemical peel cũng mang đến những tác dụng phụ không mong muốn:

  • Da bị ửng đỏ: Ngay sau khi peel, bạn sẽ nhận thấy một số vùng da bị ửng đỏ. Tình trạng này có thể kéo dài trong vài tuần hoặc vài tháng, tùy thuộc vào mức độ peel mà bạn thực hiện (sâu vừa hoặc sâu).
  • Nhiễm trùng da và để lại sẹo: Đây là một khuyết điểm lớn của chemical peel. Thực hiện quá trình peel sai kỹ thuật sẽ mang đến nguy cơ gây viêm da và hình thành sẹo. Đây là lý do các nàng nên peel da dưới sự hướng dẫn của chuyên gia. Riêng đối với deep peels, bạn nên giao quyền thực hiện cho chuyên viên có kinh nghiệm. 
Peel da-Cô gái sau tán cây.
Peel da sai kỹ thuật sẽ khiến làn da của bạn gặp phải những rắc rối nghiêm trọng. Ảnh: Pexels.

Trước khi quyết định thực hiện peel da hóa học, các nàng nên hiểu rõ về làn da của mình. Để đảm bảo tính an toàn, bạn hãy tìm đến các chuyên gia da liễu để được tư vấn rõ hơn. Đặc biệt là những cô nàng sở hữu làn da nhạy cảm, hãy đảm bảo rằng chemical peel thật sự phù hợp với bản thân. 

Nhóm thực hiện

Bài: Phương Khanh

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: Stylecraze

Ảnh: Tổng hợp

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)