Khi xu hướng skincare dịu nhẹ ngày càng được ưa chuộng, PHA đã nhanh chóng tỏa sáng như một “ngôi sao” mới trong làng skincare. Trong khi BHA và AHA đã quá quen thuộc với khả năng tẩy tế bào chết và khả năng cải thiện kết cấu da, thì PHA đang nổi lên như một lựa chọn hoàn hảo và dần trở thành hoạt chất yêu thích của nhiều tín đồ làm đẹp. Vậy PHA là gì và tại sao thành phần này lại được yêu thích nhiều đến thế? Hãy cùng ELLE tìm hiểu sâu hơn về hoạt chất đầy tiềm năng này.
“PHA là một thành phần tuyệt vời cho những ai muốn tẩy tế bào chết mà không gây kích ứng” – Dr. Dennis Gross, bác sĩ da liễu nổi tiếng.
BÀI LIÊN QUAN
PHA là gì?
PHA (Polyhydroxy Acid) là một thành phần tẩy tế bào chết hóa học thuộc nhóm axit alpha hydroxy (AHA). Với cấu trúc phân tử lớn, PHA tác động chủ yếu ở lớp ngoài cùng của da, giúp loại bỏ tế bào chết mà không thẩm thấu sâu, từ đó hạn chế tình trạng kích ứng. Ngoài việc tẩy tế bào chết, hoạt chất này còn giữ ẩm hiệu quả, mang lại làn da mềm mại và căng bóng. PHA có khả năng chống lão hóa, cải thiện kết cấu, làm sáng da, giảm nếp nhăn và tăng cường độ đàn hồi,. Nhờ những công dụng dịu nhẹ và hiệu quả, PHA đang trở thành lựa chọn ưa chuộng trong quy trình chăm sóc da, đặc biệt thích hợp những ai tìm kiếm giải pháp an toàn.
BÀI LIÊN QUAN
So sánh PHA, AHA và BHA – Lựa chọn nào tốt nhất cho làn da?
PHA, AHA và BHA đều là những hoạt chất tẩy tế bào chết hóa học nổi bật trong chăm sóc da, nhưng mỗi loại lại có những đặc điểm và lợi ích riêng.
- PHA với cấu trúc phân tử lớn, nhẹ nhàng tác động ở lớp ngoài cùng của da, giúp loại bỏ tế bào chết mà không gây kích ứng. Điều này khiến PHA trở thành lựa chọn lý tưởng cho làn da nhạy cảm, cung cấp độ ẩm và bảo vệ da khỏi các tác động từ môi trường.
- AHA như axit glycolic và axit lactic có khả năng thẩm thấu sâu hơn vào da, mang lại hiệu quả tẩy tế bào chết rõ rệt và cải thiện kết cấu da. Tuy nhiên, với đặc tính thẩm thấu mạnh, AHA có thể gây kích ứng cho những làn da nhạy cảm hơn.
- Trong khi đó, BHA đặc biệt là acid salicylic, có khả năng thẩm thấu vào lỗ chân lông, giúp làm sạch bụi bẩn và dầu thừa, trở thành một người bạn đáng tin cậy trong việc điều trị mụn. Dù vậy, bạn cũng cần sử dụng BHA cẩn thận để tránh gây khô da.
Vì thế, nếu bạn có làn da nhạy cảm và muốn một giải pháp nhẹ nhàng, PHA là lựa chọn tuyệt vời. Ngược lại, AHA phù hợp cho những ai tìm kiếm hiệu quả tẩy tế bào chết sâu hơn, đồng thời BHA là “người bạn” đồng hành lý tưởng cho da mụn. Mỗi hoạt chất đều mang đến những lợi ích riêng, lựa chọn hoạt chất phù hợp sẽ giúp bạn có được làn da khỏe đẹp như mong muốn.
BÀI LIÊN QUAN
Cách áp dụng PHA vào chu trình skincare
Để sử dụng PHA hiệu quả, trước tiên, bạn hãy bắt đầu bằng việc làm sạch da với sản phẩm tẩy trang và sữa rửa mặt phù hợp. Sau đó, bạn có thể sử dụng sản phẩm chứa PHA dưới dạng toner hoặc serum. Bạn chỉ cần thấm một lượng vừa đủ vào bông cotton hoặc nhỏ vài giọt serum và nhẹ nhàng thoa lên mặt. Sau đó, hãy để da nghỉ ngơi trong vài phút để sản phẩm thẩm thấu hoàn toàn. Bước cuối cùng là thoa kem dưỡng để cung cấp độ ẩm cần thiết cho da.
Nếu sử dụng PHA vào buổi sáng, bạn đừng quên bảo vệ làn da với kem chống nắng vì thành phần này có thể làm tăng độ nhạy cảm của da với ánh nắng mặt trời. Đối với những người mới bắt đầu, hãy sử dụng hoạt chất này 1-2 lần mỗi tuần và điều chỉnh tần suất theo phản ứng của da. Nếu cảm thấy kích ứng hay khó chịu, bạn nên giảm tần suất sử dụng hoặc dừng lại. Với những bước đơn giản này, PHA sẽ giúp bạn có được làn da sáng mịn và khỏe mạnh hơn.
Gợi ý sản phẩm:
Tác dụng phụ của PHA cần lưu ý
Mặc dù PHA mang lại nhiều lợi ích cho làn da, nhưng cũng có một số tác dụng phụ. Các dấu hiệu kích ứng có thể xuất hiện như đỏ hoặc ngứa, đặc biệt là với làn da nhạy cảm hoặc khi sử dụng nồng độ cao. Ngoài ra, PHA cũng có thể gây khô da nếu không được kết hợp với bước dưỡng ẩm phù hợp. Nếu bạn gặp phải bất kỳ phản ứng tiêu cực nào, hãy dừng lại và tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu để được tư vấn kịp thời.
Nhóm thực hiện
Bài: Khánh Vân
Ảnh: Tổng hợp