Làm đẹp / Bí quyết khỏe và đẹp

6 lợi ích sức khỏe của phương pháp đi bộ nhanh đối với phụ nữ tuổi 40

Vượt xa cả lợi ích trong việc cải thiện vóc dáng, đi bộ với vận tốc nhanh chính là “liều thuốc” giúp kéo dài tuổi xuân và phòng ngừa bệnh tật đối với những người vừa bước sang độ tuổi trung niên.

Bước sang tuổi 40, chúng ta có xu hướng ưu tiên công việc và gia đình, vô tình để nhịp sống năng động dần lùi xa. Tuy nhiên, báo cáo nghiên cứu của Stanford BeWell đã chỉ ra rằng đây chính là thời điểm “vàng” để duy trì và đẩy mạnh việc vận động, đặc biệt là hoạt động đi bộ. Nếu bạn đã quen với những bước chân thong thả, đây là lúc bạn cần thử thách bản thân với tốc độ nhanh hơn. Không chỉ giúp nâng cao tuổi thọ, đi bộ nhanh còn được các chuyên gia chứng minh là liệu pháp hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc phải những căn bệnh nguy hiểm gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Cùng ELLE khám phá 5 vấn đề sức khỏe có thể được đẩy lùi nhờ duy trì thói quen vận động đơn giản nhưng hiệu quả này.

“Đi bộ nhanh, dù chỉ 10 phút cho mỗi buổi vận động, sẽ là một cách hiệu quả để giữ dáng và duy trì sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Hãy học cách để thói quen này hòa vào nhịp sống hàng ngày của bạn, kể cả những lúc bận rộn nhất.” – Huấn luyện viên yoga và võ thuật Wanlapa Thongkham

đi bộ với tốc độ nhanh hơn để tránh suy giảm trí nhớ

Theo các chuyên gia tâm lý học, tuổi 40 cũng chính là khởi đầu cho tình trạng suy giảm trí nhớ. Tuy nhiên, đi bộ nhanh là một phương pháp tập luyện mang lại ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe não bộ. Hoạt động này tăng cường lưu lượng máu đến não, kích thích giải phóng các yếu tố dinh dưỡng thần kinh như BDNF, từ đó tăng cường khả năng linh hoạt và kết nối giữa các tế bào thần kinh. Nhờ vào việc được thúc đẩy hoạt động tích cực, não bộ sẽ nâng cao khả năng xử lý thông tin và tạo ra các kết nối thần kinh mới. Điều này góp phần ngăn ngừa bệnh suy giảm trí nhớ và các bệnh liên quan đến sa sút trí tuệ, chẳng hạn như Alzheimer.

đi bộ - cô gái đang thực hiện bài tập đi bộ nhanh
Đi bộ nhanh là phương pháp hiệu quả để rèn luyện và duy trì sức khỏe não bộ. Ảnh: Pexels.

đi bộ nhanh để bảo vệ cơ thể khỏi Các bệnh tim mạch 

Những dấu hiệu tuổi tác và áp lực cuộc sống khiến cho phái đẹp U50 phải đối diện với nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn bao giờ hết. Bước đầu tiên để giữ cho trái tim luôn khỏe mạnh là thực hành đi bộ với vận tốc nhanh trong ít nhất 30 phút. Phương pháp vận động này giúp máu được bơm đều và nhanh hơn nhằm duy trì huyết áp ổn định và giữ cho thành mạch có độ đàn hồi tốt. Đặc biệt, đi bộ nhanh còn kích thích cơ thể giải phóng các chất chống viêm tự nhiên, giúp bảo vệ thành mạch và ngăn ngừa xơ vữa động mạch – nguyên nhân chính gây đột quỵ và nhồi máu cơ tim.

đi bộ – bài tập phòng ngừa Loãng xương hiệu quả

Theo nghiên cứu từ PLOS, đi bộ nhanh với vận tốc 3-5km/giờ, tối thiểu ba ngày mỗi tuần có thể giúp xương trở nên đặc và khỏe mạnh hơn. Đi bộ nhanh hỗ trợ tăng cường khả năng hấp thu photpho và canxi ở xương, giúp cải thiện đáng kể mật độ khoáng xương. Hình thức vận động này sẽ kích thích các chất lắng đọng canxi và thúc đẩy các tế bào hình thành xương hoạt động hiệu quả. Trong quá trình đi bộ, các cơ gắn với xương sẽ co bóp liên tục, nhờ vậy củng cố cả hệ khung xương của cơ thể. Hơn nữa, các cơ và dây chằng tham gia vận động để giữ thăng bằng cho cơ thể khi bạn đi bộ nhằm hạn chế tối đa nguy cơ té ngã và tổn thương lên xương.

đi bộ - 2 người phụ nữ đang đi bộ cùng nhau
Theo WebMD, phái đẹp trên 40 tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh loãng xương nhất. Ảnh: Freepik

có thể ngăn chặn bệnh Tiểu đường 

Đi bộ nhanh tác động tích cực đến việc cải thiện độ nhạy insulin – yếu tố then chốt trong việc kiểm soát đường huyết. Cường độ vận động gia tăng khi đi bộ nhanh giúp giảm đáng kể tình trạng kháng insulin, từ đó phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Các nhà khoa cũng cho rằng đi bộ nhanh sau bữa ăn 15-20 phút có khả năng giảm đến 22% lượng đường trong máu. Cơ chế này liên quan đến việc các tế bào cơ được kích hoạt sẽ hấp thu glucose hiệu quả hơn, đồng thời tăng độ nhạy insulin, hỗ trợ kiểm soát đường huyết ở độ tuổi tứ tuần, khi khả năng mắc tiểu đường tuýp 2 bắt đầu gia tăng.

phòng ngừa Giãn tĩnh mạch

Khi đi bộ, cơ bắp chân hoạt động như một “chiếc bơm”, giúp đẩy máu về tim một cách trơn tru. Khi bạn bước chân và gót chân được nhấc lên, máu từ các tĩnh mạch nhỏ ở phía dưới gót chân và bàn chân sẽ bắt đầu đẩy lên các tĩnh mạch sâu ở cẳng chân. Trong quá trình này, hoạt động co cơ của cẳng chân sẽ đẩy dòng máu về các tĩnh mạch ở vùng đùi và dòng máu sẽ tiếp tục lên trên và trở về tim. Vì vậy, bài tập này tác động tích cực đến việc cải thiện tuần hoàn, giảm ứ đọng và áp lực lên tĩnh mạch, từ đó ngăn ngừa các vấn đề về giãn tĩnh mạch ở các chi dưới.

đi bộ - 2 người phụ nữ đang đi bộ cùng nhau
Phương pháp đi bộ với vận tốc nhanh mang lại lợi ích to lớn đối với việc quản lý bệnh giãn tĩnh mạch chân. Ảnh: Pexels.

hỗ trợ Đẩy lùi nguy cơ mắc Ung thư vú 

Bước sang ngưỡng 40, nguy cơ ung thư vú trở thành nỗi lo ngại thường trực đối với phái đẹp. Bên cạnh việc áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, đi bộ nhanh còn là một bài tập hữu ích giúp đẩy lùi nguy cơ mắc phải căn bệnh quái ác này. Cách vận động này giúp điều hòa nồng độ estrogen trong cơ thể đồng thời giảm thiểu lượng mỡ nơi sản sinh ra loại hormone thúc đẩy sự phát triển của các tế bào ung thư. Nhóm nhà nghiên cứu thuộc California Teachers Study kết luận rằng hoạt động gắng sức trong thời gian dài thông qua việc đi bộ nhanh có khả năng làm giảm đáng kể nguy cơ phát triển ung thư vú âm tính ER xâm lấn cũng như ung thư vú tại chỗ.

đi bộ - 2 người phụ nữ đang đi bộ cùng nhau
Thói quen đi bộ nhanh hơn hai giờ cho mỗi tuần sẽ giúp bạn giảm 18% nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Ảnh: Pexels.

Bằng cách tích cực vận động, bạn không chỉ duy trì sức khỏe mà còn chủ động đẩy lùi nguy cơ bệnh tật một cách tự nhiên và hiệu quả. Đừng quên khởi động nhẹ nhàng và lựa chọn một đôi giày phù hợp có khả năng bảo vệ bàn chân để đạt hiệu quả luyện tập tốt nhất.

Nhóm thực hiện

Bài: Bảo Trân

Ảnh: Tổng hợp

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)