Xóa bỏ “cơn ác mộng” cảm cúm giao mùa với những phương pháp đơn giản
Cảm cúm là nỗi lo lắng của hầu hết mọi người trong thời điểm giao mùa. Vậy làm thế nào để phòng tránh?
Hội chứng cảm cúm hay còn gọi là bệnh cảm cúm, là một loại vi-rút truyền nhiễm tấn công vào đường hô hấp (mũi, cổ họng, các xoang và phổi). Cảm cúm không phải là loại bệnh nguy hiểm nhưng bạn cũng không nên chủ quan. Những triệu chứng của cảm cúm sẽ khiến cho bạn cảm thấy mệt mỏi, đau nhức và khó chịu.
Bệnh cảm cúm dễ xuất hiện trong thời điểm giao mùa, chẳng hạn như mùa Hè – khi thời tiết nóng bức giúp vi khuẩn dễ phát triển hơn. Mời bạn cùng ELLE tìm hiểu triệu chứng, cách phòng ngừa và điều trị bệnh cảm cúm qua bài viết sau.
Nhận biết bệnh cảm cúm
Các triệu chứng của bệnh cảm cúm thường bắt đầu bằng sự mệt mỏi, cơ thể lừ đừ, chảy nước mũi hoặc đau họng. Bệnh bắt đầu bộc phát mạnh mẽ nhất trong khoảng 2-4 ngày sau. Nếu có phương pháp điều trị kịp thời, bệnh cảm cúm thường chấm dứt sau 7-10 ngày. Nhưng cũng có một số trường hợp không chữa trị, bệnh sẽ kéo dài tới 3 tuần. Sau đây là những triệu chứng phổ biến của bệnh cảm cúm:
- Viêm họng (ngứa hoặc đau họng)
- Sốt trên 38 độ
- Cơ thể mệt mỏi, đau nhức
- Thường xuyên hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi
- Toàn thân cảm thấy ớn lạnh và đổ mồ hôi
Cách phòng ngừa bệnh cảm cúm
Vệ sinh tay thường xuyên
Đây là phương pháp phòng ngừa bệnh cảm cúm khá đơn giản. Trong ngày, bạn nên chú ý rửa tay bằng nước ấm và xa phòng để loại bỏ vi khuẩn. Hãy rửa tay trước và sau khi ăn, khi đi vệ sinh hoặc lúc chạm vào người khác. Đặc biệt, những nơi công cộng như văn phòng, lớp học là môi trường để vi-rút lây nhiễm nhanh chóng. Bên cạnh đó, sau mỗi lần hắt hơi, bạn cũng nên vệ sinh tay sạch sẽ.
Hạn chế chạm tay lên mắt, mũi miệng
Đây chính là những con đường để vi-rút có thể thâm nhập nhanh nhất vào cơ thể, Vì vậy, hãy cố gắng tránh chạm tay vào những bộ phận này. Đặc biệt, thói quen cắn móng tay cũng khiến vi khuẩn sinh sôi dẫn đến việc nhiễm bệnh cảm cúm.
Ngủ đủ giấc
Thời gian tốt nhất cho giấc ngủ là khoảng 7-9 tiếng mỗi ngày. Bạn nên nhớ, để cơ thể nghỉ ngơi là cách đơn giản nhất để tăng cường hệ miễn dịch.
Thư giãn
Căng thẳng và áp lực (cả về thể chất lẫn tinh thần) mang đến những tác động tiêu cực cho cơ thể và làm suy giảm hệ miễn dịch. Yếu tố này là một trong những nguyên nhân khiến cơ thể dễ mắc bệnh cảm cúm. Do đó, ngoài những giờ làm việc và học tập, bạn nên dành thời gian để đầu óc nghỉ ngơi, tâm trí thư giãn. Bạn có thể ngồi thiền hoặc thực hiện các bài tập Yoga giảm áp lực cho thể chất lẫn tinh thần. Yoga được xem là giải pháp xoa dịu hệ thần kinh, đồng thời còn rèn luyện sự đàn hồi của các khớp và cơ.
Tập thể dục
Cơ thể khỏe mạnh chính là biện pháp ngăn ngừa bệnh cảm cúm tốt nhất. Để được như vậy, hãy thường xuyên tập thể dục để tăng cường sức khỏe và giúp cơ thể dẻo dai hơn. Nếu là một cô nàng công sở bận rộn, bạn có thể chọn đi bộ hoặc chạy bộ vào buổi sáng tối thiểu 3 lần mỗi tuần. Ngoài ra, các bài tập vận động nhẹ nhàng tại nhà cũng là gợi ý hay dành cho bạn. Hoạt động thể chất giúp cơ thể tạo ra nhiều tế bào bạch cầu – yếu tố giúp ngăn ngừa bệnh tật hiệu quả. Không chỉ vậy, việc vận động khiến cơ thể bài tiết độc tố thông qua tuyến mồ hôi, từ đó cải thiện hệ tuần hoàn và miễn dịch.
Tiêm vắc-xin ngừa cúm
Những đối tượng như phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người lớn tuổi thường được khuyến khích tiêm vắc-xin ngừa cảm cúm. Theo sự biện đổi của vi-rút, các mũi vắc xin ngừa bệnh cũng được chế tạo tùy theo mùa. Để bảo vệ cơ thể khỏi những nguy cơ mắc bệnh, bạn nên chú ý tiêm phòng đều đặn.
Một số biện pháp khác:
- Đeo khẩu trang khi ra đường để bảo vệ hệ hô hấp và phòng ngừa vi-rút lây nhiễm.
- Giữ không gian xung quanh luôn sạch sẽ.
- Sử dụng khăn giấy khi hắt hơi và rửa tay ngay sau đó.
- Không sử dụng chung vật dụng với người bị cảm cúm hoặc các bệnh khác.
- Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh.
- Vệ sinh răng miệng thường xuyên.
- Uống nhiều nước để giữ ẩm cho cơ thể.
- Hạn chế sử dụng bia rượu và chất kích thích.
- Ăn rau quả có nhiều màu sắc để bổ sung vitamin và dưỡng chất cho cơ thể.
- Ăn thực phẩm giàu acid béo Omega-3 giúp cơ thể chống lại các gốc tự do, tăng cường hệ miễn dịch.
Điều trị cảm cúm như thế nào?
Nếu chẳng may mắc bệnh cảm cúm, bạn cũng đừng nên quá lo lắng, chỉ cần có phương pháp chữa trị kịp thời, bệnh sẽ nhanh khỏi. Hãy ghi nhớ những cách điều trị sau đây:
Nghỉ ngơi
Như đã nói, khi mắc bệnh cảm cúm, cơ thể sẽ mệt mỏi và suy nhược. Vì vậy, bạn nên chú ý nghỉ ngơi và thư giãn để phục hồi sức khỏe nhanh nhất có thể, Cảm cúm thường kèm theo tình trạng hắt hơi, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi khiến bạn cảm thấy khó thở. Lúc này, khi nằm ngủ, hãy kê gối cao hơn để giảm thiểu tình trạng trên.
Uống đủ nước
Sốt – triệu chứng của bệnh cảm cúm khiến cơ thể bị mất nước. Vì vậy, bạn nên bổ sung nhiều nước vào cơ thể tránh để họng khô làm nặng thêm việc đau họng. Bên cạnh đó, bạn có thể uống nước chanh hoặc mật ong pha nước ấm để làm dịu cổ họng.
Làm sạch mũi thường xuyên
Nghẹt mũi là tình trạng phổ biến khi bạn bị cảm cúm. Để tránh dịch nhầy trong mũi làm nhiễm trùng tai và xoang, hãy chú ý vệ sinh mũi. Hỉ mũi và dùng dụng cũ rửa mũi là phương pháp khá hữu hiệu. Ngoài ra, bạn nên dùng chai xịt nước muối sinh lý để sát khuẩn cho mũi. Để giảm thiểu nghẹt mũi, bạn có thể hít dầu khuynh diệp hoặc dầu bạc hà để làm thông mũi.
Súc miệng bằng nước muối
Súc miệng bằng nước muối là cách sát khuẩn và giảm ngứa họng khá tốt. Khi bị cảm cúm, hãy thường xuyên súc họng bằng nước muối ấm pha loãng
Cung cấp vitamin C cho cơ thể
Vitamin C là dưỡng chất đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể. Nhiều nghiên cứu cho rằng, vitamin C có thể làm giảm tình trạng cảm cúm và cảm lạnh đáng kể. Bạn có thể uống nước cam hoặc dùng thực phẩm chức năng bổ sung vitamin C. Lưu ý, không nên lạm dụng vitamin C ở liều lượng cao.
Chườm khăn lạnh giảm sốt
Để làm giảm cơn sốt khó chịu, bạn có thể dùng chiếc khăn lạnh đặt lên trán, chú ý xả khăn thường xuyên. Bên cạnh đó, các miếng dán hạ sốt cũng là giải pháp hạ nhiệt hiệu quả.
—
Xem thêm:
Vì sao bạn luôn cảm thấy mệt mỏi, chán nản dù ăn ngủ đủ giấc?
Bí quyết cho đôi môi căng mọng, phảng phất hương thơm khó cưỡng
Bài: Lan Thảo
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: naturalnews/health/healthline/mayoclinic
Ảnh: Tổng hợp