Tiếng vọng từ ngàn xưa và tương lai sức khỏe con người

Đăng ngày:

Trên con đường hướng tới Kỷ nguyên 5.0, khi công nghệ được thúc đẩy để trở nên gắn kết hơn với sức khỏe con người, tính bền vững và phúc lợi xã hội, các liệu pháp truyền thống cổ xưa cũng được “phục hưng”, mở ra xu hướng mới cho thị trường được đánh giá sẽ phát triển đến hơn 1,5 nghìn tỷ USD. Chào mừng đến với kỷ nguyên mới, nơi những bí mật của quá khứ soi sáng tương lai của sức khỏe con người!

liệu pháp soma chữa lành

Chúng ta đang sống ở một kỷ nguyên “chữa lành”. Cả chấn thương thể chất lẫn tâm lý đều được ghi lại trong cơ thể ở cấp độ tế bào. Đối với chấn thương vật lý, bạn có thể chọn phục hồi chức năng, trong khi chấn thương về mặt tinh thần sẽ có điều trị tâm lý. Thế nhưng, liệu pháp Soma (somatic therapy), lại mang đến hiệu quả chữa lành dựa trên mối liên hệ giữa cơ thể và tâm trí. Đây là một phương pháp chữa lành ngày càng được ưa chuộng nhờ tác dụng hỗ trợ cải thiện chứng trầm cảm, lo âu cũng như rối loạn căng thẳng hậu chấn thương (PTSD).

Liệu pháp Soma là một liệu pháp tâm lý-cơ thể còn tương đối xa lạ với số đông. Thế nhưng, khái niệm về “somatic” đã bắt đầu nhen nhóm từ đầu thế kỷ 19 với phong trào giáo dục thể chất. Vào nửa đầu thế kỷ 20, liệu pháp này dần phát triển từ khái niệm phân tích tâm lý của Wilhelm Reich. Nhưng phải đến tận những năm 70, liệu pháp Soma hiện đại mới thành hình bởi nhà tâm lý học và vật lý sinh học Peter A. Levine.

âm thanh liệu pháp tâm lý chữa lành

Liệu pháp Soma tập trung vào quá trình giải phóng chấn thương tâm lý thông qua nhận thức về cơ thể và cảm giác vật lý.

Liệu pháp Soma tập trung vào quá trình giải phóng chấn thương tâm lý thông qua nhận thức về cơ thể và cảm giác vật lý. Một số phương pháp thường thấy gồm:

  • Thở: Bắt nguồn từ ý tưởng rằng hơi thở là cầu nối giữa tâm trí và cơ thể, phương pháp này kiểm soát hơi thở một cách có ý thức để tác động đến trạng thái sinh lý và sức khỏe cảm xúc của cơ thể.
  • Nhảy múa: Những chuyển động, bước nhảy nhấn mạnh nhận thức cơ thể, xúc cảm và cách thể hiện bản thân. Phương pháp này chú trọng vào khám phá và trải nghiệm hơn là biểu diễn.
  • Bấm huyệt: Vận dụng truyền thống Đông Y để cân bằng dòng chảy của Khí qua kinh mạch, không chỉ giúp thư giãn mà còn phục hồi năng lượng, giảm stress và giảm đau.
  • Thôi miên: Biện pháp này chỉ nên được thực hiện bởi các nhà thôi miên được đào tạo trong bối cảnh lâm sàng. Nó thường được tích hợp với các liệu pháp khác như liệu pháp nhận thức hành vi (CBT). Thôi miên có thể được áp dụng để giảm đau, giảm lo âu, cải thiện giấc ngủ và hỗ trợ thay đổi hành vi.

Các phương pháp thực hành kể trên sẽ mang lại hiệu quả cao hơn khi được kết hợp với nhau, tạo nên hướng tiếp cận toàn diện từ thể chất đến tinh thần.

chữa lành bằng âm thanh

Tắm âm thanh, hay “sound bathing”, là một liệu pháp chữa lành bằng rung động âm thanh đang ngày càng phổ biến trên thế giới. Đây là một phương pháp chữa bệnh đã có lịch sử hàng ngàn năm từ thời Ai Cập và Hy Lạp cổ đại. Người Ai Cập cổ đại tin rằng thanh âm của các nguyên âm có sức mạnh chữa bệnh và thường đưa chúng vào các bài thánh ca trong nghi lễ của họ. Người Hy Lạp tin vào đặc tính chữa bệnh của âm nhạc và đã dùng âm thanh để điều trị các rối loạn tâm thần.

chuông âm thành - chữa lành liệu pháp tắm âm thanh

Tắm âm thanh là phương pháp chăm sóc sức khỏe hiệu quả và có tính an toàn cao.

Đến năm 2024, những buổi tắm âm thanh đã kết hợp các nhạc cụ kim cổ Đông Tây từ cồng, chiêng, chuông, bát pha lê vào phương pháp trị liệu, giúp người trải nghiệm tiến vào trạng thái thiền sâu nhờ sự dẫn dắt và bao bọc của âm thanh. Đây là một phương pháp chăm sóc sức khỏe và chữa lành vừa thư giãn, vừa có tính an toàn cao. Ở các thành phố lớn trên thế giới, bạn có thể trải nghiệm tắm âm thanh tại các trung tâm sức khỏe, phòng tập thiền, lớp học yoga và cả các trụ sở y tế.

chữa lành - dụng cụ tạo âm thanh cổ xưa

Tắm âm thanh mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể và tinh thần.

Tắm âm thanh mang lại rất nhiều lợi ích cho cơ thể và tinh thần. Những âm thanh và rung động nhẹ nhàng có thể giúp bạn thư giãn sâu, giảm căng thẳng và lo âu, cải thiện giấc ngủ, giải phóng cảm xúc và cảm thấy minh mẫn hơn.

Liệu pháp cổ truyền từ ấn độ

Ayurveda với lịch sử lên đến 3.000 năm không phải là một xu hướng xa lạ. Bắt nguồn từ Ấn Độ vào năm 1000 trước Công Nguyên với cái tên được ghép từ “ayur” (cuộc sống) và “veda” (kiến thức), Ayurveda mang ý nghĩa “kiến thức về cuộc sống” được các nhà hiền triết truyền lại cho học trò của họ, sau đó mới được ghi chép và lưu giữ lại. Tuy nhiên, một phần của những bản ghi chép đã bị thất lạc theo thời gian và rất nhiều điều về Ayurveda vẫn còn là bí ẩn.

thảo mộc ashwagandha

Các nguyên liệu từ y học Ayurveda đang được sử dụng trong các mỹ phẩm làm đẹp hiện đại.

Ayurveda cũng chính là y học cổ truyền trong tiểu lục địa Ấn Độ, hướng đến việc duy trì sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật. Phương pháp này tập trung vào sự cân bằng giữa 3 “dosha” (sinh lực) của cơ thể: Vata (không gian và không khí), Pitta (lửa và nước) và Kapha (đất và nước). Sự cân bằng năng lượng động của 3 dosha này sẽ giúp bạn đạt được sự hài hòa trong cơ thể. Phần đông người dân Ấn Độ vẫn áp dụng chúng trong đời sống hằng ngày. Theo thống kê của công ty nghiên cứu thị trường Mintel, 17% phái đẹp chưa từng sử dụng mỹ phẩm Ayurveda bày tỏ sự quan tâm đến việc thử trang điểm với các sản phẩm này.

Không khó để lý giải sự trở lại của xu hướng Ayurveda trong thời gian gần đây. Ayurveda cho thấy tiềm năng to lớn trong việc thúc đẩy sức khỏe toàn diện bằng cách kết hợp trí tuệ truyền thống với khoa học hiện đại. Khi người tiêu dùng ngày càng hướng đến nguồn nguyên liệu “sạch” và ưa chuộng các xu hướng như “clean beauty”, “eat clean”, Ayurveda cùng những thần dược như nghệ, saffron (nhụy hoa nghệ tây), lá neem và nhất là ashwagandha (sâm Ấn Độ) càng được quan tâm nhiều hơn.

Ashwagandha là một loại thảo mộc dạng bụi mà mỗi bộ phận đều có thể xem là thuốc. Ashwagandha đã được chứng minh là có tác dụng giúp giảm mức cortisol, từ đó giảm căng thẳng và lo âu, chưa kể đến việc giảm chứng mất ngủ. Những nghiên cứu gần đây còn cho thấy Ashwagandha có khả năng cải thiện chức năng não, bao gồm cả trí nhớ, phòng ngừa Alzheimer. Bên cạnh các loại thuốc uống, thực phẩm chức năng, Ashwagandha còn được ca ngợi bởi khả năng trẻ hóa và cân bằng làn da. Chiết xuất từ lá Ashwagandha trong kem dưỡng Adaptogen Deep Moisture Cream của thương hiệu Youth To The People chứa hợp chất chống ôxy hóa, giúp bảo vệ da khỏi các tác nhân gây căng thẳng môi trường, từ đó làm giảm các dấu hiệu lão hóa.

massage dẫn lưu bạch huyết

Tên gọi trên khiến nhiều người liên tưởng đến một liệu pháp làm đẹp Á Đông. Tuy nhiên, đây là một phương pháp được phát triển từ những năm 1930 bởi nhà vật lý trị liệu người Đan Mạch, Emil Vodder. Khi đang điều trị cho một bệnh nhân, Emil và vợ của ông phát hiện việc xoa bóp các huyệt bạch huyết một cách đều, nhẹ giúp cải thiện tình trạng của bệnh nhân. Từ đó, phương pháp massage dẫn lưu bạch huyết ra đời và được lưu truyền khắp châu Âu trong thế kỷ 20. Dần dần, phương pháp này được hoàn thiện và áp dụng rộng rãi từ thẩm mỹ đến vật lý trị liệu và y học ngày nay.

Tuy được phát triển ở châu Âu nhưng phương pháp massage dẫn lưu bạch huyết vẫn có sự tương đồng với y học cổ truyền Á Đông. Trong Đông Y, “Khí” chảy qua cơ thể theo kinh mạch. Sự tắc nghẽn kinh mạch sẽ dễ dẫn đến bệnh tật. Khai thông kinh mạch qua các biện pháp như bấm huyệt, châm cứu và xoa bóp cũng tương đồng với massage dẫn lưu bạch huyết vậy. Chúng đều thúc đẩy quá trình lưu thông máu, tăng cường tuần hoàn và đào thải độc tố ra khỏi cơ thể.

Thêm vào đó, massage Gua Sha cũng là một xu hướng làm đẹp bằng phương pháp dẫn lưu bạch huyết, giúp khuôn mặt và cơ thể đạt được sự thon gọn. Phương pháp này cũng được phái đẹp phương Tây học hỏi để có thể tự thực hiện tại nhà. Với công nghệ phát triển, ngày nay, bạn không cần phụ thuộc vào đôi bàn tay của các chuyên gia nữa, bởi các loại máy dẫn lưu bạch huyết tiên tiến như Body Ballancer cũng mang lại hiệu quả cao tương tự mà lại rất tiện lợi.

Cuối cùng, những phương pháp chữa lành tự cổ chí kim đều nhấn mạnh tầm quan trọng của sự cân bằng, yếu tố tự nhiên cũng như mối giao hòa giữa sức khỏe thể chất và tinh thần. Chúng tiếp tục là nguồn cảm hứng cho phong cách sống và hướng phát triển trong tương lai của y học hiện đại trên toàn thế giới.

Nhóm thực hiện

Bài: Minh Thảo

Ảnh: Tư liệu

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more