Retinol là “hoạt chất vàng” trong phương pháp chăm sóc da khoa học. Bên cạnh khả năng chống lão hóa hiệu quả, retinol còn thường được giới chuyên gia đánh giá cao về công dụng điều trị mụn.
I. Retinol là gì? Retinol có trị mụn được không?
Retinol là phân nhánh nhỏ của Retinoid và được sử dụng rộng rãi mà không cần sự kê đơn của bác sĩ. Retinol có nguồn gốc từ Vitamin A, đối với da thành phần này có công dụng chính là kích thích sản sinh protein, collagen và sợi elastin. Chính vì vậy Retinol là thành phần thường thấy trong các sản phẩm chống lão hóa.
Tuy vậy, trong quá trình nghiên cứu và sử dụng các nhà khoa học còn nhận thấy retinol còn có hiệu quả trong việc điều trị mụn. Từ năm 1971, các bác sĩ da liễu đã kê retinoid (bao gồm retinol) dạng bôi cho các bệnh nhân bị mụn trứng cá, nếp nhăn nhỏ và các triệu chứng về việc tăng sắc tố.
Do mụn được hình thành bởi dầu thừa, vi khuẩn mụn P.Acnes và lớp da chết bên trên khiến lỗ chân lông bị tắc nghẽn – từ đó tạo ra các phản ứng viêm sưng. Trong khi đó, retinoid nói chung và retinol nói riêng lại có tác dụng làm thông thoáng lỗ chân lông và giúp da tự phục hồi, đồng thời làm giảm sưng tấy và làm mịn da. Bên cạnh đó, retinol sẽ ức chế lại quá trình tiết dầu – nhờ thế vi khuẩn mụn sẽ không còn môi trường phát triển; đồng thời tuyến dầu suy giảm đồng nghĩa với quá trình khô cồi mụn diễn ra nhanh hơn. Hoạt chất này còn giúp ngăn ngừa mụn mới xuất hiện cũng như hạn chế việc hình thành sẹo sau mụn.
Đối với những trường bị mụn nặng với những nốt mụn sưng viêm nghiêm trọng và nhiều, các bác sĩ da liễu thường cho bệnh nhân sử dụng tretinoin (retinol dạng kê toa) kết hợp với uống isotretinoin (có thể hiểu là retinol dạng uống). Trong một số trường hợp, các bác sĩ sẽ kê thêm kháng sinh để tăng hiệu quả và rút ngắn thời gian điều trị. Điều này sẽ đẩy nhanh quá trình khô cồi mụn, ngăn mụn lan rộng và giảm viêm sưng.
Song, mặt trái của phương pháp này sẽ tuyến dầu hoàn toàn ngưng sản xuất khiến da khô bong. Bên cạnh đó khi áp dụng phương pháp này, bạn cần tuân thủ hoàn toàn sự hướng dẫn của bác sĩ để tránh tình trạng kháng kháng sinh cũng như tiềm ẩn gây ảnh hưởng đến thai nhi nếu có ý định mang thai trong thời gian điều trị.
BÀI LIÊN QUAN
II. Những lưu ý khi dùng retinol để trị mụn
Là “hoạt chất vàng” trong xu hướng dưỡng da treatment, nhưng khi sử dụng Retinol cần phải lưu ý những điều sau:
1. Không phải mụn loại mụn nào Retinol cũng đem lại hiệu quả
Retinol hoạt động hiệu quả nhất đối với những nốt mụn viêm và sẽ khó thấy kết quả rõ rệt đối với các nốt mụn không viêm (ví dụ như mụn cám, mụn đầu đen, mụn đầu trắng, mụn ẩn…). Tùy vào nồng độ và dạng thức, trong trị mụn retinol có thể được sử dụng trên toàn mặt hoặc chỉ chấm trực tiếp lên nốt mụn. Hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng hoặc tuân theo sự kê toa của bác sĩ.
2. Những làn da đang tổn thương, yếu và nhạy cảm cần tham khảo ý kiến bác sĩ/ chuyên gia trước khi dùng retinol để trị mụn
Thông thường Retinol sẽ phù hợp với những làn da khỏe. Chính vì thế, những làn da đang bị tổn thương do các biện pháp làm đẹp công nghệ cao, hay có tiền sử sử dụng kem trộn/ thuốc rượu, hay đang kích ứng/ nhạy cảm sẽ không được khuyên dùng retinol. Bạn sẽ cần được phục hồi lại hàng rào bảo vệ tự nhiên của da trước, khi da đã khỏe và tùy thuộc vào tình trạng mụn lúc đó bác sĩ/ chuyên gia sẽ lựa chọn hoạt chất phù hợp.
3. Không nên tự ý sử dụng Tretinoin cũng như uống Isotretinoin
Tretinoin (bôi ngoài da) và Isotretinoin (đường uống) là hai thành phần phải được sự kê toa của bác sĩ. Mặc dù đem đến hiệu quả điều trị mụn nhanh chóng nhưng Tretinoin và Isotretinoin lại mang nhiều tác dụng phụ. Hai thành phần này cần phải được các chuyên gia/ bác sĩ quản lý kỹ về thời gian, tần suất cũng như dùng kéo dài trong bao lâu để đem lại hiệu quả trị mụn cho da và giảm thiểu tác dụng phụ.
BÀI LIÊN QUAN
4. Cẩn trọng khi kết hợp chung với các thành phần trị mụn khác
Mặc dù mụn đem lại cảm giác khó chịu và gây mất thẩm mỹ, nhưng không vì thế mà bạn lại kết hợp Retinol cùng các hoạt chất trị mụn khác như AHA, BHA, Benzoyl Peroxide… Điều này sẽ khiến hàng rào bảo vệ tự nhiên bị tổn thương, da khô hơn, tăng khả năng kích ứng và nhạy cảm.
Thực tế bạn hoàn toàn có thể kết hợp nhưng không nên bôi Retinol cùng lúc với các hoạt chất trị mụn khác. Ví dụ như bạn có thể dùng Retinol hôm nay và dùng AHA/BHA/Benzoyl Peroxide vào ngày hôm sau. Hoặc bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ khi muốn kết hợp các hoạt chất trị mụn cùng Retinol.
BÀI LIÊN QUAN
III. Một số sản phẩm chứa Retinol mà bạn có thể tham khảo
ELLE gợi ý bạn một số sản phẩm Retinol đang được yêu thích trong giới làm đẹp gần đây:
Sử dụng Retinol mang lại nhiều lợi ích cho da. Để tránh những phản ứng không mong muốn, bạn hãy đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng cũng như tham khảo/ tuân thủ theo phác đồ điều trị từ bác sĩ da liễu.
Nhóm thực hiện
Bài: Aaron Nguyen
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Ảnh: Tổng hợp