Làm đẹp / Bí quyết khỏe và đẹp

Định vị Silicone: Chúng có gây hại cho làn da của bạn?

Ẩn sâu trong những công thức làm đẹp hiện đại, silicone đã trở thành một thành phần không thể thiếu, mang đến nhiều lợi ích vượt trội cho làn da. Tuy nhiên, ít ai thực sự hiểu rõ về vai trò mà silicone đóng góp trong việc nuôi dưỡng làn da.

Làm đẹp đúng cách và phù hợp luôn đi đôi với hiểu biết. Biết rõ mình đang sử dụng những gì trên làn da nhằm đảm bảo làn da luôn khỏe đẹp, tránh nguy cơ kích ứng, mụn và các tác dụng phụ. Trong thế giới mỹ phẩm, silicone đã trở thành một thành phần quen thuộc, đặc biệt trong các sản phẩm như kem nền và kem lót. Tuy nhiên, thành phần này lại gây nhiều tranh cãi trong ngành mỹ phẩm bởi những hiểu lầm phổ biến như gây bí tắc lỗ chân lông, làm da yếu đi. Sự xuất hiện ngày càng nhiều của các sản phẩm được quảng cáo là “silicone-free” đã khiến nhiều người lo ngại về tính an toàn của silicone đối với làn da. Nhưng liệu những lo ngại này có cơ sở? Thực sự, silicone có đáng bị loại trừ khỏi quy trình làm đẹp? Hãy cùng ELLE khám phá và làm rõ những hiểu lầm phổ biến về hợp chất này trong bài viết sau.

silicone cô gái làn da căng bóng nhìn gương
Ảnh: Instagram @makeup_eunjidayo.

Silicone là gì?

Silicone là một hợp chất được tạo thành từ các nguyên tử silicon và oxy, thường kết hợp với carbon và hydrogen để tạo nên các polymer có cấu trúc linh hoạt. Trong lĩnh vực làm đẹp, thành phần này thường xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau như dimethicone, cyclopentasiloxane, và phenyl trimethicone. Silicone có thể tồn tại ở nhiều trạng thái, từ lỏng nhẹ đến đặc sệt, giúp dễ dàng ứng dụng trong các sản phẩm chăm sóc da và trang điểm. Bên cạnh đó, thành phần này được yêu thích nhờ khả năng mang lại cảm giác mịn màng, giúp sản phẩm tán đều trên da, đồng thời duy trì sự ổn định mà không cần thêm chất bảo quản.

thanh lăn mặt và hũ mỹ phẩm chứa silicone
Silicone là một thành phần đa năng với nhiều công dụng. Ảnh: Pexels.

Lợi ích của silicone đối với làn da

Hiệu ứng thị giác Làn Da

Silicone có các cấu trúc phân tử hoạt động như một lớp màng mịn bao phủ bề mặt da, giúp lấp đầy những rãnh nhỏ và nếp nhăn một cách hiệu quả. Khi được thoa lên da, các phân tử silicone liên kết chặt chẽ với nhau, tạo ra một bề mặt đồng nhất, che phủ các khuyết điểm mà không làm tắc nghẽn lỗ chân lông. Nhờ vậy, làn da trông mịn màng hơn và có vẻ ngoài căng bóng. Đặc biệt, thành phần này còn có tính chất đàn hồi cao, giúp giữ cho lớp trang điểm ổn định, ngăn chặn tình trạng sản phẩm bị chảy hoặc lắng đọng vào các nếp nhăn suốt cả ngày dài. 

silicone cô gái trang điểm làn da căng bóng
Silicone có khả năng tạo cảm giác bóng mượt trên bề mặt da. Ảnh: instagram @hyejungmin7.

Chữa lành vết thương và giảm sẹo

Silicone không chỉ là một thành phần được yêu thích trong mỹ phẩm, mà còn là một liệu pháp quan trọng trong việc chăm sóc và phục hồi làn da sau tổn thương. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng silicone, khi được áp dụng lên vết thương hoặc vùng da có sẹo, có khả năng tạo ra một lớp màng bảo vệ mỏng nhẹ trên bề mặt da. Lớp màng này không chỉ giúp giữ ẩm, mà còn cân bằng quá trình tái tạo da, ngăn ngừa sẹo lồi và làm mềm những mô sẹo cũ. Ngoài ra, silicone còn giúp giảm sự mất nước qua da, đây là một yếu tố quan trọng trong quá trình làm lành vết thương. Theo một nghiên cứu được công bố trên Journal of Cutaneous and Aesthetic Surgery, việc sử dụng gel silicone thường xuyên đã chứng minh hiệu quả rõ rệt trong việc giảm thiểu kích thước và màu sắc của sẹo, mang lại làn da đều màu và mịn màng hơn. Nhờ vào những tính năng này, silicone đã trở thành một công cụ không thể thiếu trong liệu trình chăm sóc da chuyên sâu, giúp khôi phục vẻ đẹp tự nhiên và tự tin cho làn da.

silicone cô gái da khỏe đẹp cười tươi
Bên cạnh ngành làm đẹp, thành phần còn được sử dụng trong y tế nhờ khả năng “đóng kín” vết thương. Ảnh: instagram @yooni_mup.

Khóa ẩm trên da

Silicone có khả năng khóa ẩm vượt trội, đóng vai trò như một lớp màng bảo vệ trên da, giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước qua biểu bì. Khi được thoa lên da, thành phần này giúp tạo nên một rào cản không thấm nước, hỗ trợ giữ lại độ ẩm tự nhiên và ngăn chặn sự bay hơi của nước khỏi bề mặt da. Bên cạnh đó, silicone còn có khả năng liên kết với nước, giúp tăng cường hiệu quả của các thành phần dưỡng ẩm khác trong sản phẩm, đảm bảo chúng được hấp thụ sâu và phát huy tác dụng tối đa. Theo chuyên gia chăm sóc da nổi tiếng Joanna Vargas, chính tính năng này khiến silicone trở thành một thành phần lý tưởng trong các sản phẩm dưỡng da, mang lại cho nàng làn da mịn màng, căng mọng và rạng rỡ suốt cả ngày dài.

rose da dep
Ảnh: instagram @roses_are_rosie.

Silicon có gây hại cho da không?

Silicone đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chứng nhận an toàn cho da. Tuy nhiên, mặc dù có nhiều lợi ích trong việc chăm sóc da, nhưng đối với một số loại da nhạy cảm hoặc dễ bị mụn, silicone có thể gây ra những phản ứng không mong muốn. Silicone có thể làm tăng nguy cơ bít tắc lỗ chân lông nếu không được làm sạch kỹ, dẫn đến tình trạng mụn và kích ứng da trở nên nghiêm trọng hơn. Đặc biệt, đối với những làn da có các vấn đề như  rosacea (bệnh da ửng đỏ), milia (bệnh hạt kê), hoặc có làn da cực kỳ nhạy cảm nên cân nhắc việc loại bỏ silicone khỏi quy trình chăm sóc da. Mặc dù không phải ai cũng gặp vấn đề này, nhưng bác sĩ da liễu Lauren Penzi khuyến nghị rằng những người có làn da dầu mụn hoặc dễ kích ứng nên hạn chế sử dụng silicone vì điều này có thể làm tắc nghẽn dầu, bụi bẩn và tế bào chết dưới lớp màng bảo vệ, khiến tình trạng da trở nên tồi tệ hơn. 

cô gái sử dụng silicone khóa ârm
Ảnh: Instagram @makeup_eunjidayo.

Lưu ý khi sử dụng mỹ phẩm chứa silicone

Khi sử dụng các sản phẩm chứa silicone, bạn cần tuân theo một số nguyên tắc quan trọng để tránh tình trạng bí tắc lỗ chân lông hoặc các phản ứng phụ. Trước hết, bạn hãy đảm bảo rằng làn da được làm sạch sâu với double cleasing bằng dầu tẩy trang để hòa tan lớp silicone và các tạp chất, sau đó tiếp tục với sữa rửa mặt dịu nhẹ để làm sạch sâu lỗ chân lông.

Bên cạnh đó, bác sĩ da liễu Penzi khuyên rằng bạn nên chọn các sản phẩm có chứa dimethicone, một loại silicone oil thường được tìm thấy trong kem dưỡng ẩm, kem lót, và kem nền. Dimethicone có khả năng tạo ra một lớp màng bảo vệ trên bề mặt da, giúp giữ ẩm và bảo vệ da khỏi các tác nhân gây hại từ môi trường. Cũng vì khả năng khóa ẩm, bạn hãy thoa sản phẩm chứa silicone sau bước serum hoặc kem dưỡng trong quy trình dưỡng da. Điều này giúp “niêm phong” các thành phần dưỡng chất đã được hấp thụ từ các bước trước đó, đảm bảo rằng độ ẩm được giữ lại trên da suốt cả ngày. 

Ngoài ra, nếu da bạn có xu hướng dễ kích ứng hoặc bị mụn, hãy cân nhắc sử dụng sản phẩm chứa silicone ở mức độ vừa phải và không nên lạm dụng quá nhiều bước dưỡng da cùng lúc. Silicone có thể tạo ra một lớp màng ngăn chặn, làm giảm khả năng thẩm thấu của các sản phẩm dưỡng khác.

Nhóm thực hiện

Bài: Lena & Như Quỳnh

Ảnh: tổng hợp

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)