Làm đẹp / Bí quyết khỏe và đẹp

Đồ uống có cồn và những ảnh hưởng tới chu trình fitness của bạn

Những ngày Tết, thật khó để hoàn toàn nói "không" với đồ uống có cồn. Nhưng làm thế nào để cân bằng giữa những cuộc vui mà vẫn bảo toàn sức khoẻ thể chất cũng như vẻ đẹp hình thể?

Sau khi tiêu thụ các đồ uống có cồn, bạn không nên lao ngay vào quá trình tập luyện mà nên dành thời gian để cơ thể nghỉ ngơi. Theo các chuyên gia, những tác động tiêu cực từ các thức uống này sẽ làm các hoạt động thể chất bị ảnh hưởng khiến bạn trải qua một số tình trạng khó chịu không mong muốn. 

Tình trạng mất nước

Dấu hiệu đầu tiên giúp bạn nhận biết được tác hại của các loại đồ uống có cồn chính là làn da khô ráp và tình trạng mất nước. Theo góc độ khoa học, rượu bia là chất lợi tiểu và hút ẩm ra khỏi cơ thể. Do đó, 90% các triệu chứng nôn nao xuất hiện chính là kết quả trực tiếp của tình trạng mất nước. Vậy điều này có tác động gì đến chu trình fitness?

Đồ uống có cồn gây ra tình trạng mất nước cho cơ thể
Ảnh: Instagram @kendalljenner.

Trên thực tế, ngoài việc giữ cho cơ thể hoạt động khỏe mạnh, nước còn là thành phần góp phần điều chỉnh nhiệt độ cơ thể. Vì lẽ đó, tình trạng mất nước có thể gây ra các trở ngại đối với hoạt động tập luyện như: gia tăng nhiệt độ cơ thể, gia tăng nhịp tim và đổ mồ hôi nhiều hơn bình thường. 

Đồ uống có cồn gây nhức mỏi cơ bắp

Axit lactic – thủ phạm gây ra chuột rút sẽ tích tụ nhiều hơn khi chúng ta tiêu thụ các đồ uống có cồn. Vấn đề này không chỉ khiến bạn trải qua những cơn đau nhức do chuột rút trong quá trình tập luyện. Hơn thế, cơ thể còn có khả năng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ những cơn nhức mỏi cơ bắp và thiếu hụt lượng hormone tăng trưởng. Nếu bạn liên tục uống các thức uống nêu trên, chúng sẽ khiến bạn lâu phục hồi hơn và khó xây dựng được cơ bắp trong suốt quá trình tập luyện. 

Thức uống có cồn khiến cơ bắp nhức mỏi và bị chuột rút
Ảnh: Instagram @haileybieber.

Ảnh hưởng đến hiệu suất tập luyện

Kể cả khi bạn uống rất ít các thức uống chứa cồn để không ảnh hưởng đến quá trình tập luyện của ngày hôm sau, hiệu suất tập luyện vẫn có thể bị giảm sút khiến bạn cảm thấy khó hoàn thành buổi tập hơn. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng cảm giác nôn nao do tiêu thụ đồ uống có cồn có thể làm giảm 11,4% hiệu suất tập aerobic của bạn vào ngày sau đó.

Tiêu thụ đồ uống có cồn khiến hiệu suất tập luyện suy giảm
Ảnh: Instagram @kendalljenner.

Tác động của lượng đường trong đồ uống có cồn

Trong rượu có chứa khá nhiều đường, lượng đường này sẽ chuyển hóa thành glucose trong cơ thể sau khi được tiêu hóa hoàn toàn. Sự gia tăng đột ngột này khiến cơ thể bị viêm, dẫn đến hiện tượng đầy hơi và mệt mỏi làm cản trở quá trình luyện tập của mỗi người. Các chuyên gia do đó đã đưa ra khuyến nghị rằng hãy tránh xa các thức uống như rượu vang, cocktail hoặc đồ uống có siro nếu chúng ta có ý định tập thể dục vào ngày sau đó.

Lượng đường trong đồ uống có cồn không tốt cho sức khỏe
Ảnh: Instagram @emilia.

Hạn chế quá trình trao đổi chất

Đây có lẽ là một sự thật không vui lắm vì sự trao đổi chất của cơ thể sẽ bị sụt giảm khi rượu bia khiến cho hoạt động của hệ tiêu hóa trở nên ì ạch. Lúc này, cơ thể chậm hấp thu các chất dinh dưỡng làm cho quá trình trao đổi chất cũng diễn ra chậm lại. Để ngăn chặn tác động tiêu cực này, bạn nên lựa chọn các thực phẩm có nhiều chất dinh dưỡng nhằm giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn và thúc đẩy quá trình trao đổi chất. 

Các thức uống có chứa cồn khiến quá trình trao đổi chất bị hạn chế
Ảnh: Instagram @emilia.

Kích thích mạnh mẽ cảm giác thèm ăn

Tiêu thụ các đồ uống có cồn thường đi kèm với cảm giác thèm ăn vào ngày hôm sau. Nguyên nhân là do rượu bia khuyến khích sự hoạt động của một chất hóa học trong não có tên là galanin, khiến chúng ta thèm ăn các loại thực phẩm giàu chất béo. Điều này không gây ảnh hưởng trực tiếp đến chu trình fitness nhưng lại khiến việc luyện tập khó khăn hơn vì lượng calo tích tụ nhiều từ các món ăn.

Đồ uống có cồn kích thích cảm giác thèm ăn mạnh mẽ
Ảnh: Instagram @annaklinski.

Nhóm thực hiện

Bài: Thảo Vy

Tham khảo: Vogue

Ảnh: Tổng hợp

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)