Đã hơn một thập kỷ có mặt ở thị trường thế giới, tampon không còn quá xa lạ trong giới làm đẹp và luôn được đánh giá là bước tiến mới, giúp phụ nữ trở nên thoải mái dễ chịu hơn trong ngày “đèn đỏ”. Nhưng riêng ở Việt Nam, tampon còn khá xa lạ. Vậy tampon là gì, liệu rằng tampon có chắc chắn là hiện đại, tiện lợi như lời đồn?
Tampon là gì?
Tampon được nghiên cứu và sáng chế bởi Tiến sĩ Earle Hass. Được xem là “băng vệ sinh hiện đại”, tampon có hình dáng ống tròn nhỏ và kích thước phù hợp để đưa vào trong âm đạo để thấm hút kinh nguyệt. Bên ngoài tampon bằng nhựa hoặc bìa cứng được thiết kế như một ống tiêm với hai ống lồng vào nhau: ống bên ngoài (ống hút) và ống bên trong (ống tiêm). Ống bên ngoài có đầu tròn, hình cánh hoa và bề mặt trơn mịn. Lớp bông tampon được đặt bên trong của ống ngoài. Ống bên trong được bọc trong ống ngoài và được giữ bằng cơ chế khóa. Tampon có một đoạn dây nhỏ để tiện cho các nàng sử dụng lấy ra và kiểm soát.
Khác với các loại băng vệ sinh thông thường, tampon được làm từ cotton hoặc sợi tổng hợp có khả năng thấm hút rất tốt.
Lý do được yêu thích của tampon là gì?
Tampon đặc biệt được yêu thích bởi tính tiện dụng mà nó mang lại. Khi sử dụng tampon bạn có thể thoải mái vận động, đi biển, mặc bikini. Với kích thước nhỏ gọn, được nhét sâu bên trong âm đạo, khi đến kỳ nguyệt san bạn có thể vô tư mặc quần áo mà không lo sợ “lộ hàng” hay “vướng víu”. Bên cạnh đó, tampon còn giảm nguy cơ rò rỉ máu nguyệt san, giúp phái đẹp tự tin, thoải mái trong những ngày “đèn đỏ”.
Nhưng, lợi bất cập hại
Dù mang lại sự tiện lợi khi sử dụng, nhưng tampon vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Vậy những tác hại khi sư dụng không đúng cách của tampon là gì?
Đầu tiên, tampon chỉ được khuyên dùng với khách hàng đã có gia đình hoặc đã quan hệ tình dục. Bởi lẽ, tampon có thể làm rách màng trinh của bạn. Do đặc trưng kích thước của tampon rất nhỏ, nếu không biết đưa vào trong đúng cách, chúng mình hoàn toàn có thể dẫn đến tai nạn không mong muốn này. Ngoài ra, một số bạn nữ có màng trinh bẩm sinh nhỏ, vì thế việc đặt tampon cũng có thể gây đau và làm rách lớp màng mỏng manh.
Tiếp theo, dù tampon luôn ngợi khen là những phát minh mang tính thời đại, mang lại sự tiện dụng và thoải mái hơn cho phụ nữ. Nhưng tampon lại có khả năng gây viêm nhiễm của tampon cao hơn cả băng vệ sinh thông thường. Nguyên nhân là do tampon được đưa trực tiếp vào bên trong “đường hầm”. Nếu tiếp xúc trong thời gian quá lâu, môi trường yếm khí, không thông thoáng sẽ tạo điều kiện cho các vi khuẩn phát triển và gây nên tình trạng viêm nhiễm. Điều này rất nguy hiểm bởi nó có thể dẫn đến rất nhiều căn bệnh phụ khoa nghiêm trọng.
Cuối cùng, sốc độc tố được coi là tai nạn “đặc trưng” có thể xảy ra khi sử dụng tampon. Hội chứng này rất hiếm gặp nhưng có thể gây nguy hiểm tới cả tính mạng. Nguyên nhân dẫn đến điều này là do một số loại độc tố của chủng tụ cầu gây ra và hay gặp ở những bạn để tampon trong âm đạo quá lâu. Khi bị sốc độc tố, các bạn có thể gặp các biểu hiện như nhức đầu, chóng mặt, nôn mửa, sốt cao, đau cơ, đau họng…
BÀI LIÊN QUAN
Hướng dẫn sử dụng Tampon an toàn và hiệu quả
Bạn nên lựa chọn kích thước tampon phù hợp với cơ thể của bản thân. Giống như băng vệ sinh miếng có độ dài ngắn, dày mỏng khác nhau thì tampon cũng có nhiều kích cỡ. Tampon thông thường có ba kích cỡ nhỏ, trung bình, to là phổ biến. Ngoài ra, tùy thiết kế của từng hãng nên kích cỡ này cũng có khác biệt đôi chút. Mặc dù có nhiều kích cỡ khác nhau nhưng nhìn chung độ chênh lệch cũng không quá lớn nên một khi đã dùng quen thì bạn cũng chẳng phân biệt được các kích cỡ đó khác nhau thế nào.
Tuy nhiên, đối với những bạn mới dùng tampon lần đầu thì chỉ nên chọn loại nhỏ nhất. Lựa chọn này sẽ giúp bạn dễ dàng thao tác khi đưa tampon vào âm đạo cũng như ít thấy cộm và khó chịu hơn.
Hãy tìm hiểu về độ thấm hút của tampon. Vẫn giống như băng vệ sinh, tampon cũng có loại thấm hút vừa, loại thấm hút nhiều. Thậm chí là tampon còn có luôn loại siêu thấm hút tiện dụng. Để chọn tampon phù hợp thì bạn nên nắm được lượng máu kinh ra mỗi ngày. Khi sử dụng tampon chưa được bốn tiếng mà tampon đã ướt đẫm, thì bạn cần đổi loại thấm hút cao hơn. Ngược lại, nếu hơn bốn tiếng sử dụng mà tampon vẫn chưa thấm hết thì có thể chọn loại ít thấm hút hơn một chút.
Ngoài ra, vào đầu chu kỳ, những ngày máu kinh ra nhiều thì bạn nên chọn loại tampon có độ thấm hút tốt để hạn chế máu kinh tràn ra ngoài. Còn vào cuối chu kỳ thì có thể chọn loại thấm vừa, thấm ít để vừa đỡ tốn chi phí lại nhẹ nhàng và thoải mái hơn.
Cuối cùng cân nhắc lựa chọn loại tampon có cần đẩy hay loại không có cần đẩy. Ngoài các cách phân loại như băng vệ sinh miếng thì tampon còn có hai dạng đặc trưng là có cần đẩy hay không. Tampon có cần đẩy thì ngoài lõi bông bên trong còn kèm theo một cần bằng nhựa hoặc bằng bìa cứng có hình dạng như một ống tiêm. Cần đẩy này có tác dụng giúp bạn cho tampon vào âm đạo dễ dàng hơn.
Do đó, đối với những bạn chưa quen sử dụng tampon thì nên mua loại có cần đẩy nhé. Khi sử dụng thì bạn chỉ cần đặt đầu tampon vào khe âm đạo và đẩy cần (giống như khi bơm kim tiêm) thì tampon theo lực đẩy sẽ tự lọt vào sâu bên trong mà không cần dùng ngón tay đẩy vào.
Tuy nhiên, loại có cần đẩy thường có giá cao hơn khá nhiều loại tampon không có cần. Do đó, khi đã sử dụng quen rồi thì bạn nên mua loại tampon không cần để tiết kiệm chi phí. Đồng thời cũng đặt tampon đúng vị trí cần đặt nên sẽ cảm thấy thoải mái hơn.
Những lưu ý khác khi sử dụng Tampon
Vì nhược điểm của tampon khi sử dụng lâu có thể dẫn đến nhiều tác hại, bạn hãy nhớ luôn thay tampon từ sau 4-6 giờ. Tránh sử dụng tampon qua đêm hoặc khi đi ngủ. Thay vào đó nên dùng băng vệ sinh dạng cánh vào bạn đêm. Trong những ngày cuối kỳ “đèn đỏ” nếu “đường hầm” bị khô, rát bạn nên xài thêm kem hoặc gel bôi trơn cho dễ chịu.
Nếu cảm thấy chóng mặt hoặc không khỏe khi sử dụng, bạn hãy lập tức ngừng sử dụng. Đặc biệt, đối với những bạn có tiền sử sốc độc tố thì tuyệt đối không dùng loại “băng vệ sinh hiện đại” này. Tampon có thể khiến cho hội chứng đó trở lại rất nhanh đấy!
—
Xem thêm:
Tại sao bạn cần thay đổi cách chăm sóc da mặt theo chu kỳ kinh nguyệt?
Kỳ kinh nguyệt dễ chịu hơn với danh sách thực phẩm nên ăn và cần tránh
Nhóm thực hiện
Bài: lemy Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Ảnh: Tổng hợp