Làm đẹp / Bí quyết khỏe và đẹp

5 thói quen giúp tăng đề kháng trong mùa lạnh

Xây dựng những thói quen lành mạnh không chỉ giúp bạn tăng đề kháng mà còn giữ cho cơ thể luôn ở trạng thái tốt nhất để tận hưởng trọn vẹn không khí se lạnh mùa cuối năm.

Mùa Đông mang đến không khí se lạnh cùng những đợt chuyển mùa bất thường, khiến cơ thể dễ nhạy cảm hơn với virus và vi khuẩn. Đặc biệt, trong thời tiết khô lạnh này, nguy cơ nhiễm cảm lạnh và cúm tăng cao, vì vậy việc duy trì sức khỏe và tăng đề kháng trở thành ưu tiên hàng đầu. Cùng ELLE khám phá những thói quen tốt, giúp bạn không chỉ vượt qua mùa Đông khỏe mạnh mà còn tận hưởng trọn vẹn những khoảnh khắc ấm áp của mùa lễ hội này.

“Sức đề kháng rất quan trọng đối với cơ thể, đặc biệt là vào những tháng mùa lạnh” – Julia Zumpano, chuyên gia dinh dưỡng nổi tiếng.

Tập thể dục thường xuyên

Tập thể dục đều đặn là cách hiệu quả giúp cơ thể tăng đề kháng và chống lại các tác nhân gây bệnh. Khi vận động, máu lưu thông tốt hơn, tạo điều kiện cho các tế bào miễn dịch và kháng thể nhanh chóng đến các vị trí cần bảo vệ. Bên cạnh đó, vận động thể chất kích thích cơ thể sản sinh endorphin, làm giảm căng thẳng và cải thiện giấc ngủ, đây là hai yếu tố quan trọng trong việc duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh. Đặc biệt vào mùa đông, việc tập thể dục còn giúp giữ ấm cơ thể, giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh do thời tiết lạnh cũng như hỗ trợ hệ tiêu hóa. Bạn chỉ cần thực hiện các hoạt động nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, hay bài tập giãn cơ cũng sẽ mang lại lợi ích rõ rệt cho sức khỏe và tăng sức đề kháng. 

Cô gái tập thể dục giúp tăng đề kháng
Vận động thể chất thường xuyên hỗ trợ tăng đề kháng, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn. Ảnh: Pexels.

Ăn uống lành mạnh

Một chế độ ăn uống lành mạnh trong mùa đông không chỉ giúp duy trì sức khỏe mà còn làm ấm và tăng đề kháng cho cơ thể. Để đảm bảo dinh dưỡng khoa học, bạn nên xây dựng bữa ăn cân bằng với các nhóm dưỡng chất như protein, chất béo, carbohydrate, vitamin, và khoáng chất, giúp cung cấp đầy đủ năng lượng cần thiết. Ngoài ra, bổ sung các thực phẩm có tính ấm như gừng, bí đỏ, khoai lang, và hạt tiêu sẽ hỗ trợ cơ thể giữ nhiệt tốt hơn và tăng cường khả năng đề kháng, giảm nguy cơ nhiễm bệnh do thời tiết lạnh.

Bên cạnh đó, hãy hạn chế dùng các thực phẩm lạnh để không làm giảm nhiệt độ cơ thể, gây ảnh hưởng đến hệ miễn dịch. Việc tránh các loại đồ uống có đá hoặc thực phẩm vừa lấy từ tủ lạnh sẽ giúp hệ tiêu hóa hoạt động ổn định hơn và tăng cường bảo vệ sức khỏe hiệu quả trong suốt mùa đông.

Món ăn đầy đủ dinh dưỡng giúp tăng đề kháng
Đảm bảo một chế độ ăn khoa học để hệ miễn dịch của cơ thể hoạt động tốt nhất. Ảnh: Pexels.

Bổ sung thực phẩm chức năng hỗ trợ tăng đề kháng

Bổ sung thực phẩm chức năng là giải pháp hữu ích giúp tăng đề kháng, bảo vệ sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật trong mùa đông. Các sản phẩm chứa vitamin C, vitamin D, kẽm, cùng các chất chống oxy hóa như beta-carotene, góp phần củng cố hệ miễn dịch tự nhiên của cơ thể. Vitamin C có vai trò thúc đẩy sản sinh tế bào bạch cầu, giúp cơ thể ngăn chặn vi khuẩn và virus xâm nhập. Trong khi đó, vitamin D hỗ trợ sức khỏe xương và nâng cao khả năng miễn dịch, đặc biệt quan trọng trong những tháng mùa đông này. Kẽm cũng là thành phần thiết yếu trong việc duy trì sức đề kháng, giúp cơ thể phản ứng hiệu quả trước các tác nhân gây hại.

Ngoài ra, probiotics giúp cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, cải thiện sức khỏe tiêu hóa và đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hệ miễn dịch. Để đạt được hiệu quả tối ưu, bạn hãy chọn lựa sản phẩm từ những thương hiệu uy tín và tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi sử dụng.

Cô gái uống các loại vitamin để tăng đề kháng
Bên cạnh chế độ ăn khoa học, bổ sung thực phẩm chức năng giúp cơ thể tăng đề kháng hiệu quả. Ảnh: Pexels.

Ngủ đủ giấc

Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe và tăng cường hệ miễn dịch. Việc ngủ đủ giấc giúp cơ thể phục hồi, tái tạo năng lượng và củng cố khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh. Trong khi ngủ, cơ thể sản sinh các cytokine, là loại protein cần thiết để chống lại viêm nhiễm và nhiễm trùng, đặc biệt khi đối mặt với các loại virus và vi khuẩn. Việc thiếu ngủ kéo dài có thể làm suy yếu khả năng miễn dịch, khiến cơ thể dễ mắc các bệnh như cảm cúm hoặc nhiễm trùng.

Bạn nên ngủ đủ từ 7-8 tiếng mỗi đêm giúp cơ thể duy trì khả năng miễn dịch tự nhiên, đảm bảo tinh thần minh mẫn và nâng cao hiệu quả phòng ngừa bệnh tật. Để có một giấc ngủ chất lượng, bạn nên tạo thói quen đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời gian mỗi ngày, hạn chế caffeine vào buổi tối, và giữ môi trường ngủ thoáng mát, yên tĩnh.

Cô gái thức dậy tươi tắn sau khi ngủ đủ giấc
Ngủ đủ giấc giúp cơ thể được phục hồi và tăng đề kháng để đối mặt với các tác nhân gây bệnh trong mùa lạnh. Ảnh: Pexels.

Thiền định giúp nâng cao sức khỏe

Bên cạnh những thói quen giúp tăng cường sức khỏe thể chất, thiền định cũng là một phương pháp tuyệt vời để cải thiện sức khỏe tinh thần và tăng đề kháng. Khi dành thời gian thiền định, cơ thể đi vào trạng thái thư giãn sâu, giảm căng thẳng và điều hòa nhịp thở, từ đó kích thích hệ thần kinh phó giao cảm hoạt động. Điều này giúp giảm hormone căng thẳng như cortisol, hỗ trợ cơ thể chống lại các tác nhân gây hại từ bên ngoài. Nghiên cứu từ đại học Wisconsin-Madison chỉ ra rằng, thiền định đều đặn còn giúp tăng cường số lượng tế bào lympho làm cải thiện khả năng miễn dịch tự nhiên, giúp cơ thể phản ứng hiệu quả hơn trước các nguy cơ nhiễm bệnh.

Cô gái ngồi thiền giúp nâng cao sức khỏe và tăng đề kháng
Thiền không chỉ giúp nâng cao sức khỏe tinh thần mà còn hỗ trợ tăng đề kháng cho cơ thể. Ảnh: Pexels.

Nhóm thực hiện

Bài: Khánh Vân

Ảnh: Tổng hợp

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)