Tạo bọt đúng cách để bước làm sạch da hiệu quả nhất
Làm sạch da mặt luôn là bước làm đẹp quan trọng có ý nghĩa quyết định tới việc bạn chăm sóc da mặt có hiệu quả hay không. Vì vậy việc sử dụng các loại sữa rửa mặt luôn là bước ưu tiên hàng đầu của phái đẹp.
Tuy nhiên, cách tạo bọt cho sữa rửa mặt (SRM) như thế nào là “đạt chuẩn” thì nhiều người vẫn thường bỏ qua và điều này vô tình khiến bước làm sạch da mặt không đạt kết quả như ý muốn.
Hãy cùng ELLE tìm hiểu cách tạo bọt SRM sao cho đúng và một vài sản phẩm tạo bọt nhé!
1. Chọn loại sữa rửa mặt phù hợp:
Lựa chọn loại SRM phù hợp với làn da là điều kiện cần thiết khi bạn bắt tay vào công cuộc chăm sóc sắc đẹp.
Hiện nay, do phái nữ đang dần quan tâm tới việc làm đẹp nên các nhãn hàng từ cao cấp đến bình dân luôn cho ra đời các loại sữa rửa mặt với các công dụng phù hợp cho nhiều loại da khác nhau: da dầu, da hỗn hợp, da khô, da nhạy cảm,… Ngoài ra, còn có các loại SRM dạng gel, dầu, dạng bọt, kem,… hay sữa rửa mặt có các hạt li ti. Tuy nhiên đây không phải là lựa chọn hàng đầu cho những ai có làn da nhạy cảm hoặc khá mỏng. Vì nếu không cẩn thận nó có thể khiến da của bạn bị trầy xước, tạo điều kiện cho vi khuẩn bên ngoài xâm nhập sâu vào da. Lựa chọn sai sữa rửa mặt cũng là nguyên nhân khiến da mặt phái đẹp dần xấu đi.
2. Tạo bọt thế nào cho đúng?
Bước 1: Rửa sạch tay trước khi rửa mặt
Tay luôn là nơi ẩn chứa nhiều vi khuẩn và cũng dễ dàng lây lan vi khuẩn lên da mặt nếu bạn hay chạm tay vào da mặt. Vì vậy việc rửa sạch tay trước khi rửa mặt luôn là bước làm sạch quan trọng để hạn chế tối đa sự lây nhiễm vi khuẩn lên làn da của bạn.
Bước 2: Tạo bọt đúng cách
Tạo bọt là bước quan trọng nhằm phát huy được hết công dụng của SRM (lưu ý một vài loại SRM không tạo bọt nên hãy để ý loại SRM mình đang dùng nhé). Bước tạo bọt này dễ tạo ra nhiều bọt bông xù mịn màng khi đánh với nước, những hạt nhỏ li ti sẽ dễ dàng thấm sâu bên trong lỗ chân lông để đánh bay bụi bẩn loại bỏ một cách nhanh chóng bã nhờn dư thừa và vi khuẩn cứng đầu tích tụ trên da mặt. Đặc biệt, khi rửa mặt sẽ tạo cảm giác mềm mại, nhẹ dịu, không gây tổn thương cho da.
Cách 1: Tạo bọt bằng tay
– Đầu tiên bạn cần cho SRM ra lòng bàn tay với đường kính từ 1,5-2cm (hãy đảm bảo đã rửa sạch tay trước khi rửa mặt). Sau đó cho một chút nước (khoảng 1 thìa cà phê) vào lòng bàn tay và chụm đầu ngón tay, khuấy nhẹ nhàng để hòa tan SRM.
– Khi thấy SRM đã hòa tan hoàn toàn, tăng tốc độ khuấy bọt, đánh bọt theo chiều kim đồng hồ.
– Nếu thấy hỗn hợp còn đặc, bạn hãy thêm một chút nước nhưng đừng cho quá nhiều dễ làm loãng SRM. Tiếp tục đánh bọt như bước ở trên.
– Đánh bọt theo một chiều, thỉnh thoảng cho thêm nửa thìa cà phê nước và dần dần mở rộng phạm vi đánh bọt.
– Sau khi thu được lượng bọt tương đối, cho thêm chút nước và đánh lần cuối cùng. Tiếp tục vừa gom vừa đánh bọt cho đến khi thu được lớp bọt mịn, xốp, có độ đàn hồi thì dừng lại.
Lưu ý: Trong quá trình đánh bọt nên sử dụng các đầu ngón tay đánh nhẹ nhàng nhằm tránh đè xẹp bọt. Khi đánh bọt nên cố gắng thu bọt vào lòng bàn tay.
Bọt đạt chuẩn sẽ có độ bông xốp, không có các bong bóng nổi lên trên và khi để lâu không bị xẹp xuống.
Còn nếu lớp bọt nhanh xẹp, có cảm giác lõng bõng hoặc có đặc là do cho quá nhiều nước hoặc lượng nước chưa đủ, vẫn thấy xuất hiện bong bóng to.
Cách 2: Sử dụng dụng cụ tạo bọt
Trên thị trường hiện nay cũng có nhiều sản phẩm tạo bọt SRM giúp công đoạn tạo bọt không còn mất nhiều thời gian. Phổ biến nhất là lưới tạo bọt, ngoài ra còn có hộp tạo bọt. Tuy nhiên, các sản phẩm này chưa thực sự phổ biến ở Việt Nam vì nhiều người không sử dụng.
Tuí lưới tạo bọt:
Sản phẩm này khá phổ biến trên thị trường Nhật Bản vì sự tiện lợi của nó. Lưới có dạng hình phễu nên cần cho lượng sữa rửa mặt vừa đủ vào lòng lưới, sau đó cho chút nước và xoa đều lưới để tạo lớp bọt bông mịn. Sau khi có lượng bọt vừa đủ, bạn vuốt nhẹ theo chiều dọc lưới để lấy phần bọt rửa mặt.
Một điểm cộng cho lưới tạo bọt là việc vệ sinh lưới dễ dàng sau mỗi lần sử dụng. Đơn giản chỉ cần phơi khô lưới tại nơi thoáng mát, tránh bụi bẩn là lưới đã sẵn sàng cho những lần sử dụng tiếp theo.
Túi lưới này hiện có giá dao động khoảng 50.000 VNĐ từ các thương hiệu như Muji, Nature Republic,….một số thương hiệu khác cũng có giá đắt hơn một chút.
Hộp tạo bọt:
Không quá phổ biến như túi lưới tạo bọt nhưng hộp tạo bọt gây ấn tượng cho người mua bởi mẫu mã đáng yêu cùng gía cả vừa phải, phù hợp với ví tiền của cả các bạn học sinh, sinh viên.
– Việc bạn cần làm chỉ là cho lượng sữa rửa mặt vừa phải vào hộp.
– Đổ lượng nước đến vạch đã đánh dấu.
– Đóng nắp lại và bơm.
– Cuối cùng là mở ra lấy lượng bọt để rửa mặt.
3. Làm sạch da hiệu quả nhất
– Làm ẩm da mặt và tạo bọt như các cách trên.
– Nhẹ nhàng xoa lớp bọt lên mặt theo hướng từ cằm lên má (vùng chữ U), cần mát-xa nhẹ nhàng tránh làm xẹp bọt và để loại sạch bụi bẩn.
– Sau đó tiếp tục mát xa vùng chữ T, mắt, thái dương. Chú ý chỉ nên sử dụng phần đầu ngón tay để mát-xa mặt, tránh chà xát mạnh.
– Rửa mặt sạch với nước ấm.
– Dùng khăn sạch thấm khô da hoặc để khô tự nhiên.
Như vậy làn da của bạn đã sẵn sàng cho các bước dưỡng da tiếp theo rồi đấy!
—
Xem thêm
Bí quyết làm sạch da – Cách làm sạch da mặt
Trần Linh Trang (Nguồn: Tạp chí Phái Đẹp ELLE)