Làm đẹp / Bí quyết khỏe và đẹp

Tất tần tật về AHA/ BHA/PHA – thành phần tẩy tế bào chết hóa học vượt trội hiện nay

Ngoài việc loại bỏ tế bào chết, mỗi loại acid đều có đặc tính và công dụng khác nhau. Vậy, bạn thích hợp sử dụng AHA, BHA hay PHA?

Được đánh giá là êm dịu hơn so với phương pháp tẩy da chết vật lý, các hoạt chất hóa học như AHA/BHA/PHA được giới chuyên gia lựa chọn làm thành phần chính trong những sản phẩm mang tính đặc trị. Tuy nhiên từng loại tẩy da chết hóa học trên lại có nguyên lý hoạt động, cách sử dụng và hiệu quả khác nhau. Vậy đâu là thành phần hoàn hảo cho làn da bạn?

Vì sao phải tẩy tế bào chết?

Theo quy luật sừng hóa và bong da tự nhiên, các tế bào mới được sản sinh ở phần đáy (Stratum basale) dần dịch chuyển lên trên và đi qua các lớp da khác thuộc tầng biểu bì. Những tế bào non trẻ sau khi mất khoảng 28-32 ngày di chuyển sẽ trở nên già cỗi, chết đi và đọng lại ở lớp ngoài cùng của da – lớp sừng. Nhờ quá trình sản sinh tế bào mới cùng lực đẩy từ bên trong nên lớp da chết sẽ tự bong ra khỏi bề mặt da.

Tẩy da chết hóa học 1
Ảnh: kinpicderx

Tuy nhiên, điều đó chỉ xảy ra khi làn da ở trạng thái khỏe mạnh hoặc ở trẻ sơ sinh. Theo thời gian các cơ quan trong cơ thể không còn đạt năng suất như vốn dĩ, hay trong tình trạng da đang gặp vấn đề hoặc do chế độ ăn, sinh hoạt không ổn định, những ảnh hưởng từ môi trường… thì quá trình thay da sẽ tăng từ 28 lên dần đến 32 ngày. Khi quá trình tái tạo và bong da tự nhiên càng kéo dài, bạn sẽ phải đối mặt với việc da trở nên xỉn màu hoặc không đều màu, khô bong tróc, lỗ chân lông to và tắc nghẽn (nguyên nhân hình thành mụn), cơ sở cho việc hình thành nếp nhăn và lão hóa.

Tẩy da chết hóa học 1
Ảnh: gruizza / Getty Images

Ngoài ra, lớp da chết dày đặc khiến dưỡng chất từ các bước dưỡng da không thể thẩm thấu vào sâu bên trong, làm cho quá trình dưỡng da trở nên kém tác dụng. Trong một số trường hợp, lớp da chết và dưỡng chất quá dày ở bên trên sẽ làm lỗ chân lông dễ tắc nghẽn và hình thành mụn. Vì vậy, để đảm bảo quá trình tái tạo da trở nên ổn định, bạn nên tẩy da chết thường xuyên hơn.

Tẩy da chết hóa học 2
Ảnh: MATTEO VALLE/ Getty Images

Tầm quan trọng của tẩy tế bào chết hóa học và những thành phần phổ biến được tin dùng

Bên cạnh phương pháp tẩy tế bào chết cơ học truyền thống, ngày nay giới làm đẹp ưu ái dùng các sản phẩm có khả năng tẩy da chết hóa học. Nếu phương pháp tẩy tế bào chết vật lý thường dùng các hạt tinh thể massage nhẹ nhàng và rửa sạch mặt ngay sau đó, thì các sản phẩm tẩy da chết hóa học chỉ cần để trên da trong khoảng thời gian quy định rồi rửa đi. Hoặc thậm chí, một số loại tẩy da chết hóa học được cho vào các sản phẩm ở những bước dưỡng da cơ bản như nước cân bằng, serum, kem dưỡng… để bôi và lưu trên da suốt nhiều giờ liền, có khi là để qua đêm.

Các chất tẩy da chết hóa học (Hydroxy acid) hoạt động bằng cách phân rã liên kết béo và tạo ra những lỗ hổng giữa các tế bào chết. Trong Hydroxy acid lại được phân nhỏ ra thành nhiều nhóm khác nhau, nhưng phổ biến nhất là: Alpha Hydroxy acid (AHA) và Beta Hydroxy acid (BHA).

Tẩy da chết hóa học 3
Ảnh: Dermstore

1. Tẩy da chết hóa học AHA

AHA (Alpha hydroxy acid) là hoạt chất tẩy da chết hóa học tan trong nước và hoạt động chủ yếu trên bề mặt da. Cách thức hoạt động của AHA là nới lỏng các liên kết giữa lớp trên cùng của da, đồng thời hoạt chất này còn có khả năng tăng lượng Collagen để tạo độ săn chắc cho da. Hầu hết các phân nhánh trong nhóm AHA đều có gốc hydroxy (-OH) giúp tăng khả năng giữ ẩm tự nhiên của da nên loại tẩy da chết hóa học này sẽ không làm khô da. Một số nghiên cứu cho thấy, AHA giúp da cải thiện các tổn thương do ánh mặt trời gây ra. Vì lẽ đó AHA thường ít gây kích ứng hơn và phù hợp với da thường đến da khô, ít nhạy cảm và đã xuất hiện dấu hiệu lão hóa.

Tẩy da chết hóa học 4
Ảnh: Paula’s Choice

Trong quyển sách Wrinkle-free Forever (Mãi mãi không có nếp nhăn), Bác sĩ Howard Murad cho biết: trong mỹ phẩm dưỡng da thông thường, AHA chiếm khoảng từ 10 đến 30% và có độ pH từ 3.5 trở lên. Hầu hết các loại acid thuộc nhóm AHA thường được chiết xuất từ hoa quả, các loại hạt, sữa và đường. Trong đó:

  • Glycolic acid được chiết xuất từ đường mía và là một trong chất thuộc nhóm AHA có kích thước phân tử nhỏ nên dễ thẩm thấu vào da. Tuy nhiên mặt trái là sản phẩm chứa Glycolic acid dễ gây kích ứng cho một vài trường hợp, đặc biệt với da vốn nhạy cảm.
Tẩy da chết hóa học 5
Glycolic acid. Ảnh: ChemSpider
  • Malic acid được chiết xuất từ táo và chiếm một phần trong cơ thể con người. Điểm đặc biệt của Malic acid là khả năng cân bằng độ pH, từ đó giúp da luôn ẩm mịn.
Tẩy da chết hóa học 6
Malic acid. Ảnh: Paula’s Choice
  • Citric acid có nguồn gốc từ các loại quả thuộc họ cam quýt và có khả năng điều chỉnh độ pH cho sản phẩm. Tuy nhiên nhược điểm của Citric acid là dễ gây kích ứng, đặc biệt với ánh sáng mặt trời.
Tẩy da chết hóa học 7
Citric acid. Ảnh: ResearchGate
  • Lactic acid được chiết xuất từ sữa và có kích thước phân tử to nên ít gây kích ứng nhất trong nhóm AHA. Ngoài ra, lactic acid còn mang đặc tính dưỡng ẩm và giúp cải thiện tông màu da.
Tẩy da chết hóa học 9
Lactic acid. Ảnh: ResearchGate

RESIST Daily Smoothing Treatment 10% AHA của Paula’s Choice là sản phẩm điều trị da có chứa đến 4 loại AHA khác nhau, bao gồm Glycolic Acid, Lactic Acid, Malic Acid và Tartaric Acid. Nhờ công thức mạnh mẽ, sản phẩm giúp làm sạch da chết tạo ra bề mặt da láng mịn, giảm thiểu những tác hại của ánh nắng mặt trời đã gây lên trên da và xóa nhòa các dấu hiệu lão hóa. Vì chứa 4 loại AHA có nồng độ cao nên bạn có thể dùng RESIST Daily Smoothing Treatment 10% AHA 1 lần/tuần.

Tẩy da chết hóa học 10
Vì chứa 4 loại AHA có nồng độ cao nên bạn có thể dùng RESIST Daily Smoothing Treatment 10% AHA 1 lần/tuần. Ảnh: Cannonballhq

2. Tẩy da chết hóa học BHA

BHA (Beta hydroxy acid) là hoạt chất tẩy da chết tan trong dầu và hoạt động bên trong lỗ chân lông để giải quyết các tình trạng bít tắc. Chính vì lẽ đó, BHA sẽ phù hợp với là da dầu, lỗ chân lông to, bề mặt da kém phẳng mịn và mụn (tắc nghẽn là nguyên chính hình thành mụn). Nhiều nghiên cứu cho rằng, BHA còn có khả năng làm dịu các kích ứng, nên các làn da nhạy cảm vẫn dùng được. Tuy nhiên, hãy chọn những sản phẩm có nồng độ thấp nếu da bạn quá nhạy cảm, hoặc lớp màng tế bào đã từng bị tổn thương.

Tẩy da chết hóa học 11
Salicylic acid. Ảnh: The Cosmetic Chemist
  • Salicylic acid là thành phần tẩy da chết hóa học thuộc nhóm BHA được sử dụng trong các sản phẩm không bôi thoa và được lưu hành phổ biến trong thị trường. Những nhóm chất khác thuộc BHA thường được dùng trong các viện da liễu và có sự theo dõi nghiêm ngặt bởi bác sĩ cũng như đội ngũ chuyên gia uy tín. Salicylic acid thường được chiết xuất từ vỏ cây liễu, dầu của cây lộc đề xanh (Wintergreen Oil) và Sweet Brich (Giống thảo dược thuộc họ Bạch Dương). Đối với mỹ phẩm có chứa BHA ở dạng thông thường, nồng độ sẽ rơi trong khoảng từ 0.5 đến 2%). Khi độ pH của da càng thấp thì hiệu quả của BHA càng tăng, đồng thời cũng tăng độ kích ứng và cảm giác châm chích trên da (Howard Murad).
Tẩy da chết hóa học 12
Ảnh: The Independent

Rapid Relief Acne Spot Treatment của Murad chứa đến 2% Salicylic acid. Bên cạnh đó, Salicylic acid của Murad lại được ứng dụng công nghệ nan nén độc quyền, giúp phân tử BHA bền vững trên da, rút gọn thời gian điều trị những nốt mụn sưng viêm xuống còn 4 giờ.

Tẩy da chết hóa học 14
Ảnh: Murad

3. Tẩy da chết hóa học PHA

Nhờ cách thức hoạt động và cấu trúc phân tử mang nhiều điểm tương đồng nên PHA (Poly Hydroxy Acid) được xem là thế hệ mới của AHA. Về cấu trúc phân tử, PHA có nhiều nhánh liên kết hóa học hơn AHA nên sẽ ít gây kích ứng da hơn AHA. Đặc biệt là có nhiều liên kết hydroxyl (-OH) và gốc đường (bionic) giúp hấp thụ độ ẩm tốt hơn AHA. Tóm lại, PHA vẫn mang đặc tính làm sạch da chết, nhưng hoàn hảo hơn cho da nhạy cảm và thiếu ẩm. Song, tác dụng tẩy tế bào chết và giải quyết các vấn đề da (ví dụ như mụn) của PHA sẽ không rõ rệt và nhanh chóng như AHA hay BHA.

Tẩy da chết hóa học 16

Tẩy da chết hóa học 15

Tẩy da chết hóa học 13
Ảnh: Through magnifying glass.

Phổ biến nhất trong nhóm PHA là ba thành phần: Gluconolactone, LactobionicMaltobionic. Trong nhóm PHA, Gluconolactone có kích thước phân tử nhỏ nhất, sau đó là Lactobionic và cuối cùng là Lactobionic acid. Bởi lẽ, Lactobionic và Maltobionic ngoài việc có liên kết Hydroxyl còn được gắn thêm gốc đường Bionic giúp tăng cường khả năng hút ẩm. Một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng, Lactobionic và Maltobionic hấp thụ độ ẩm cao hơn cả Glycerin – thành phần cấp ẩm kinh điển trong các loại mỹ phẩm dưỡng da.

AHA – BHA – PHA 30 Days Miracle Toner của Some By Mi là một trong những sản phẩm tiên phong đem đến trào lưu sử dụng PHA trong năm 2018 tại Việt Nam. Với công thức chứa đến 3 loại tẩy da chết hóa học cùng chiết xuất tràm trà và các dưỡng chất thiên nhiên khác, AHA – BHA – PHA 30 Days Miracle Toner hứa hẹn sẽ giải quyết mụn chỉ trong 30 ngày.

Tẩy da chết hóa học 17
Ảnh: Some By Mi

Mặc dù đặc điểm chung của AHA/BHA/PHA là như thế, nhưng ngày nay các hãng mỹ phẩm đã ứng dụng công nghệ hiện đại tạo nên những dạng thức đặc biệt mang tính độc quyền, cùng việc kết hợp khéo léo giữa các chất khác trong bảng thành phần nên ít nhiều các sản phẩm ngày nay khá lành tính và dễ dùng. Nếu là lần đầu sử dụng, bạn hãy tập làm quen với các sản phẩm có nồng độ thấp hoặc tuân theo sự chỉ dẫn của chuyên viên để tìm ra được sản phẩm phù hợp nhất, hạn chế tối đa tình trạng kích ứng. Vì các hoạt chất tẩy da chết hóa học thường khiến da nhạy cảm dưới ánh mặt trời nên đừng quên sử dụng thêm kem chống nắng để bảo vệ da tốt hơn.

Xem thêm:

3 cặp thành phần trong mỹ phẩm tuyệt đối không được dùng chung

Công dụng của Niacinamide – Thành phần nên có trong quy trình chăm sóc da

Nhóm thực hiện

Thực hiện: Aaron Nguyen Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Việt Nam Tham khảo: Eucerin, Paula’s Choice Skincare, WebM, Through magnifying glass Ảnh: Marie B. Photography
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)