Tẩy tế bào chết: Tưởng quen mà lạ
Bạn nghĩ rằng tẩy tế bào chết chỉ đơn giản là chà xát các sản phẩm có hạt lên cơ thể? Bài viết này có thể sẽ thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của bạn. Hãy cùng ELLE khám phá khái niệm tẩy tế bào chết nhé!
Tế bào chết là gì?
Trước khi tìm hiểu về các cách tẩy da chết, bạn cần phải hiểu da chết – hay tế bào chết là gì. Tế bào chết chính là lớp tế bào cũ tồn tại trên bề mặt da như một chiếc áo bảo vệ da khỏi tác động của môi trường. Nếu lớp tế bào chết quá dày, làn da sẽ trở nên thô sần, lỗ chân lông bị bí tắc, gây mụn và làm các lớp kem dưỡng khó thẩm thấu và phát huy tác dụng. Vòng đời của một lớp tế bào từ lúc sinh ra đến khi chết đi là khoảng 28 ngày. Vì thế, bạn không nên lạm dụng tẩy da chết quá nhiều.
Tẩy da chết là quá trình loại bỏ đi lớp tế bào cũ, kích thích sự phát triển của những tế bào mới khỏe mạnh hơn. Vì vậy, trong công cuộc chăm sóc da thì đây là bước bắt buộc để làm sạch da hiệu quả, giúp da hấp thụ các sản phẩm dưỡng tốt hơn.
Có bao nhiêu phương pháp tẩy da chết?
Hiện nay, tẩy da chết được chia làm 3 loại:
– Tẩy vật lý
– Tẩy hoá học
– Tẩy da chết chuyên sâu. Loại này đòi hỏi kiến thức chăm sóc da và tay nghề cao, thường gặp ở các spa chuyên trị các vấn đề cho da.
1. Tẩy da chết vật lý
Tẩy vật lý là phương pháp khá lâu đời và cũng là kiểu tẩy da chết thông dụng nhất. Tẩy da chết vật lý được chia làm hai dạng: dạng hạt và dạng lột (hoặc còn gọi là dạng kì)
Cách tẩy vật lý thường gặp nhất là các sản phẩm có chứa hạt nhỏ kết hợp với lớp dung môi là kem dưỡng mềm da, sử dụng lực tay chà xát để làm bong tróc tế bào chết trên bề mặt. Nếu bạn chọn sử dụng dabào chết dạng hạt, hãy ưu tiên lựa chọn những loại hạt mịn, cạnh tròn và hãy hết sức nhẹ tay để không làm trầy xước da. Các loại tẩy da chết thiên nhiên như đường, bã cà phê,…cũng thuộc loại tẩy da chết vật lý.
Tẩy da chết vật lý dạng lột (hoặc kì) là dạng tẩy “nhẹ nhàng” hơn dạng hạt. Đối với dạng này, khi bạn massage sản phẩm lên da, các hoạt chất trong da sẽ giúp tế bào chết bong ra nhẹ nhàng và bạn sẽ thấy xuất hiện vón cục trên da.
Một loại tẩy da chết dạng lột phổ thông đứng thứ hai là dạng gel lột. Khi bôi lên da, chờ khô đi, sẽ tạo thành một lớp màng keo trên mặt. Bạn lột lớp màng keo này sẽ giúp da bạn loại bỏ tế bào chết. Tuy nhiên loại gel lột này khá mạnh bạo cho làn da mỏng manh, dễ gây kích ứng, do đó hiện nay loại này không được khuyên dùng.
2.Tẩy da chết hoá học
Trái với cách tẩy vật lý thường sử dụng lực của tay chà xát hoặc lột khá mạnh bạo và phải rửa sạch sau khi sử dụng, tẩy da chết hoá học được xem như một bước dưỡng trong quy trình chăm sóc da hằng ngày. Đối với tẩy da chết hóa học, bạn tuyệt đối phải xem trọng bước dưỡng ẩm cho da. Một số sản phẩm tẩy da chết hóa học nếu không có liệu trình chăm sóc dưỡng ẩm da hợp lý sẽ khiến da trở nên khô tróc rất ảnh hưởng đến sức khỏe của làn da. Thông thường, các sản phẩm tẩy da chết hóa học trong thành phần có chứa các chất như AHA, BHA,…
3.Tẩy da chết chuyên sâu
Đây là phương pháp thường sử dụng trong các spa trị liệu, đòi hỏi tay nghề và kinh nghiệm bác sĩ cao. Phương pháp này được coi là một trong những phương thức thần kỳ rất được chị em phụ nữ yêu thích. Một số nơi còn ưu ái dành tặng cái tên “thay da sinh học” cho phương pháp này. Tuy nhiên, nếu lạm dụng, cách này sẽ khiến da nhanh lão hóa và trở nên nhạy cảm hơn. Vì vậy, bạn cần phải có hướng dẫn chi tiết và hợp lý khi chọn phương pháp này.
Một điều đặc biệt bạn cần phải lưu ý, khi tẩy da chết có nghĩa là bạn đang lấy đi lớp tế bào cũ trên da để lộ ra lớp tế bào mới khỏe mạnh nhưng cũng vô cùng non trẻ. Ánh nắng mặt trời có chứa tia cực tím có hại sẽ là những tác nhân vô cùng nguy hiểm cho lớp tế bào này, vì thế bạn tuyệt đối phải luôn sử dụng kem chống nắng cẩn thận sau khi tẩy da chết. Với những kiến thức về tẩy da chết ELLE mang đến, chúc bạn sẽ chọn được phương thức phù hợp nhất dành cho làn da của mình!
—
Xem thêm
Gợi ý 3 sản phẩm kem tẩy tế bào chết
Bài: Thùy Ngân tổng hợp
Ảnh: Sưu tầm