5 thành phần cấp ẩm giúp da mịn mướt phổ biến nhất
Ngoài các thành phần cấp ẩm “quốc dân” như Hyaluronic acid và Glycerin ra, giới mỹ phẩm còn nhiều chất giúp da căng mướt, mượt mà. Đó là…
Dưỡng ẩm được chia làm 3 nhóm chính: Cấp ẩm, giữ ẩm và làm mềm da. So với hai nhóm kia, thành phần cấp ẩm được yêu thích hơn cả vì dễ dùng, ít gây kích ứng và không làm bí da.
Thành phần cấp ẩm là gì?
Thành phần cấp ẩm được biết đến với tên khoa học là humectant. Trên thị trường mỹ phẩm có nhiều nhóm thành phần cấp ẩm khác nhau, nhưng tất cả đều có gốc hydroxyl (-OH) hoặc hydrophillic để kết hợp với các phân tử nước thông qua liên kết hydro. Thông qua liên kết hydro, các chất humectant sẽ đưa độ ẩm từ nơi có độ ẩm cao đến nơi có độ ẩm thấp hơn để tạo ra trạng thái cân bằng phân tử. Các phân tử cấp ẩm sẽ kích thước to hơn gấp nhiều lần so với trạng thái ban đầu khi đã “ngậm” được lượng nước cần thiết.
Nói một cách dễ hiểu, mỹ phẩm có chứa các thành phần cấp ẩm sẽ đưa nước vào trong tế bào da để da trở nên căng mướt, mịn màng. Ví dụ như ở điều kiện độ ẩm môi trường là 50%, glycerin sẽ hấp thụ 25% lượng nước vào trọng lượng phân tử để tạo ra thể hoàn chỉnh. Vì đặc tính hấp thụ các phân tử nước từ môi trường có độ ẩm cao sang thấp, nên khi sử dụng mỹ phẩm có thành phần cấp ẩm sẽ dễ dẫn đến tình trạng hút ẩm ngược. Cụ thể là, trong trường hợp môi trường quá hanh khô, sử dụng các chất hút ẩm sẽ vô tình đưa độ ẩm ra khỏi da & cơ thể, khiến tình trạng càng thêm tồi tệ.
Các thành phần cấp ẩm phổ biến hiện nay
1. Glycerin
Glycerin là thành phần cấp ẩm được sử dụng đại trà và lâu đời trong mỹ phẩm với tên thường gặp là “Glycerin” hoặc “Glycerol”. Thành phần này tồn tại ở dạng chất lỏng, không mùi, trong suốt có cấu trúc phân tử gồm ba nhóm -OH. Glycerin có thể được tìm thấy trong tự nhiên, dầu mỏ, hoặc từ phản ứng hóa học giữa chất béo và dầu được thực hiện trong phòng thí nghiệm. Sử dụng nồng độ cao Glycerin sẽ tạo cảm giác dính trên da là nhược điểm lớn nhất của thành phần cấp ẩm này.
2. Hyaluronic acid
Hyaluronic acid cũng là thành phần cấp ẩm phổ biến nhất hiện nay. Với khả năng hút ẩm vượt trội, mỗi phân tử hyaluronic acid khi “ngậm” đủ lượng nước sẽ có kích thước to hơn 1000 lần so với trọng lượng ban đầu. Thực tế, thành phần cấp ẩm này thuộc nhóm Glycosaminoglycan (Glucosamine cũng thuộc nhóm này). Trong cơ thể con người đều có lượng hyaluronic acid nhất định và được tìm thấy trong mô liên kết. Tuy nhiên theo thời gian và dưới tác động của môi trường hàm lượng hyaluronic acid sẽ suy giảm.
Bên cạnh những lợi ích thường được ca tụng, hyaluronic acid vẫn tồn tại những khuyết điểm. Một số loại hyaluronic acid sẽ làm tăng nguy cơ cho các bệnh viêm da, như vẩy nến. Đồng thời, một số nghiên cứu cho thấy, thành phần cấp ẩm này sẽ làm chậm quá trình tự lành vết thương tự nhiên của cơ thể.
3. PEG (Polyethylnene glycoll)
Polyethylnene glycol – chất hút ẩm có gốc polymer – thường được viết tắt là PEG hoặc Polyethylene. Ngoài là thành phần hút ẩm, PEG còn là dung môi và chất ổn định trong mỹ phẩm. Ngoài ra, PEG còn giúp bình ổn độ pH giữa các thành phần, dưỡng ẩm da, tạo độ dày cho kết cấu sản phẩm và hỗ trợ quá trình thẩm thấu vào da.
Song, các hãng mỹ phẩm chỉ dùng PEG với khối lượng phân tử trong khoảng từ 200 đến 2000 để tránh hiện tượng phát ban hoặc chàm (Eczema). Theo Ủy ban Đánh giá Thành phần Mỹ phẩm (Cosmetic Ingredient Review – CIR), PEG thường chứa các chất như: Ethylene oxide, dioxane, polycyclic aromatic và kim loại nặng – các chất làm suy yếu khả năng bảo vệ tự nhiên của da, khiến da dễ kích ứng sau thời gian dài sử dụng.
4. Sodium PCA
Sodium PCA – muối của pyrrolidone carbonic acid – là thành phần hút ẩm được tìm thấy trong da người. Thành phần này không những đóng vai trò cấp ẩm tự nhiên bề mặt da mà còn nguồn dẫn nước cho các tế bào bên trong. Khả năng hút ẩm của sodium PCA cao hơn Glycerian đến 1.5 lần và được đánh giá là một trong những thành phần hút ẩm tốt nhất trong mỹ phẩm.
CIR chia sẻ: “Ngay cả khi nồng độ lên đến 50%, Sodium PCA không hề gây kích ứng cho da hoặc mắt. Không tìm thấy bằng chứng về việc PCA gây nhiễm độc ánh sáng (phototoxicity), khiến da trở nên nhạy cảm, gây dị ứng da hay làm biến đổi gen”. Vì chi phí để chiết xuất và chế tạo cao, nên Sodium PCA chỉ thường xuất hiện trong các mỹ phẩm cao cấp.
5. Propylene glycol
Propylene glycol là thành phần được mệnh danh là “anh-em” với Glycerin. Mặc dù đều sở hữu gốc hydroxyl, nhưng propylene glycol chỉ chứa 2 nhóm -OH. Điều đó giúp propylene glycol là khắc phục được tình trạng bết dính của Glycerin. Đồng thời, propylene glycol dễ dàng tương thích với các thành phần khác và hỗ trợ quá trình dưỡng ẩm trở nên tốt hơn. Trong mỹ phẩm, propylene glycol còn hoạt động như chất bảo quản, giúp sản phẩm khỏi hiện tượng nóng chảy hoặc hóa đông. Ngoài ra,propylene glycol hỗ trợ hoạt chất thẩm thấu tốt hơn vào dao. Giá thành nguyên liệu rẻ cũng là điểm cộng đối với propylene glycol.
Vì chỉ có 2 gốc -OH nên khả năng hấp thụ nước của propylene glycol sẽ ít hơn. Propylene glycol lại có mùi nhẹ. Mặc dù FDA vẫn công nhận propylene glycol an toàn với sức khỏe và làn da khi sử dụng liều lượng nhỏ trong mỹ phẩm. Tuy nhiên, giới làm đẹp e ngại thành phần này sẽ phá vỡ hàng rào bảo vệ da, suy yếu cấu trúc tế bào và sợi protein trong da.
NHỮNG LƯU Ý KHI SỬ DỤNG THÀNH PHẦN HÚT ẨM
1. Độ ẩm môi trường
Đối với những khu vực có tiết trời hanh khô, độ ẩm không khí thấp sẽ cần những lưu ý đặc biệt để tránh hiện tượng hút ẩm ngược. Sử dụng máy tạo độ ẩm không những tốt cho hệ hô hấp và giúp da tránh được tình trạng bong tróc, mà còn giúp các thành phần hút ẩm hoạt động tốt hơn.
Ngoài ra, làm ẩm bề mặt da cũng giúp tạo độ ẩm môi trường để những chất hút ẩm cung cấp nước cho các tế bào da. Bạn có thể dùng xịt khoáng trước khi thoa các loại mỹ phẩm có chứa thành phần cấp ẩm. Hoặc, sử dụng mỹ phẩm trong phòng tắm hoặc ngay sau lúc rửa mặt cũng là cách để tiếp nguyên liệu cho các chất hút ẩm.
2. Sử dụng chất khóa ẩm
Không phải vô lý mà các hãng mỹ phẩm lại giới thiệu đến người tiêu dùng bộ sản phẩm với nhiều bước. Cụ thể trong việc dưỡng ẩm, sau khi hút ẩm, bạn nên khóa lại tất cả dưỡng chất và độ ẩm với các sản phẩm có thành phần khóa ẩm (Occlusive). Chất khóa ẩm sẽ tạo thành lớp màng trên bề mặt da, ngăn việc bốc hơi độ ẩm và dưỡng chất ra khỏi da. Không những vậy, chất khóa ẩm còn hỗ trợ phòng ngừa khuyết điểm hút ẩm ngược – đưa độ ẩm tự nhiên ra khỏi da – của các thành phần hút ẩm.
Tuy nhiên, ngày nay với sự phát triển của ngành công nghiệp làm đẹp, một số sản phẩm được tích hợp cả 3 thành phần dưỡng ẩm: Hút ẩm, khóa ẩm và làm mềm da. Nếu kem dưỡng của bạn có đầy đủ cả ba nhóm chất trên, bạn có thể an tâm rằng làn da luôn trong tình trạng đầy đủ độ ẩm cần thiết.
Vậy là ELLE Việt Nam đã giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên tắc hoạt động và các thành phần hút ẩm phổ biến nhất hiện nay trong giới làm đẹp. Bất kể bạn thuộc loại da nào, từ da khô hay da dầu cũng không nên bỏ qua việc giữ ẩm cho da. Bởi lẽ, một trong những yếu tố giúp da khỏe – đẹp là độ ẩm. Ngoài ra, khi sử dụng các sản phẩm có chất hút ẩm, bạn hãy lưu tâm đến độ ẩm môi trường xung quanh và dùng thêm bước khóa ẩm để tránh hiện tượng hút ẩm ngược.
Thực hiện: Aaron Nguyen
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: Healthline, Naturaveda, Livestrong, Paula’s Choice
Ảnh: beauty.kku/ Instagram, puffpoy/ Instagram