Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não, là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu trên thế giới. Nếu không được cấp cứu lập tức, càng nhiều tế bào não sẽ chết dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động, tư duy cơ thể và tử vong. Bạn có thể phòng ngừa đột ngụy bằng cách thay đổi thói quen sống hàng ngày, cụ thể là…
Đột quỵ là gì?
Khi quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể khiến não bộ thiếu oxy, thiếu dinh dưỡng nuôi tế bào sẽ gây ra những tổn thương nghiêm trọng. Chỉ trong vài phút, nếu không lập tức cung cấp máu đến tế bào, não sẽ bắt đầu chết. Có hai loại đột quỵ: đột quỵ do thiếu máu cục bộ và đột quỵ do xuất huyết.
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ là các cục máu đông làm tắc nghẽn động mạch, cản trở máu lưu thông lên não. Đột quỵ do xuất huyết là hiện tượng các mạch máu đến não bị vỡ khiến máu chảy ồ ạt gây ra xuất huyết não. Nguyên nhân vỡ mạch máu thường là do thành động mạch mỏng yếu hoặc đã xuất hiện các vết rứt, rò rỉ.
5 thói quen nhỏ hàng ngày giúp phòng ngừa đột ngụy
Giữ huyết áp ở mức ổn định
Huyết áp cao là một trong những nguyên nhân hàng đâu làm tăng tỉ lệ đột quỵ lên gấp đôi thậm chí gấp bốn lần cho cả nam và nữ. Thế nên, hãy thường xuyên theo dõi huyết áp với mức chỉ số ổn định nên là 120/80 mmHg và không nên vượt quá 140/90 mmHg.
Cách kiểm soát huyết áp phòng ngừa tai biến mạch máu não bắt đầu tự việc giảm lượng muối trong chế độ ăn hàng ngày xuống còn không quá 1.500 miligam mỗi ngày (tương đương nửa thìa cà phê muối). Bạn nên tránh các thực phẩm giàu cholesterol như thịt bò, pho mát và kem.
Ngoài ra, bạn nên ăn trái cây và rau củ quả hoặc ngũ cốc mỗi ngày, đồng thời bổ sung các loại cá từ hai đến ba lần/tuần. Bạn cũng nên bỏ thói quen hút thuốc lá, kể cả thuốc lá điện tử. Nếu có vấn đề về huyết áp, bạn cần đến bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân và uống thuốc để kiểm soát huyết áp hàng ngày.
Kiểm soát cân nặng
Thừa cân béo phì và các biến chứng đi kèm (bao gồm huyết áp cao và tiểu đường) làm tăng nguy cơ đột quỵ. Tùy theo thể trạng, mỗi người sẽ có số cân nặng phù hợp. Bạn có thể theo dõi chỉ số khối cơ thể (BMI) và con số lý tưởng là 25 hoặc thấp hơn. Tuy nhiên, một số cá nhân con số này có thể chênh lệch. Vì vậy bạn hãy liên hệ bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để xác định chỉ số BMI phù hợp cũng như có chế độ ăn uống, vận động hợp lý.
Thông thường, để có thể kiểm soát cân nặng bạn không nên ăn quá 1.500 đến 2.000 calo mỗi ngày (tùy thuộc vào mức độ hoạt động và chỉ số BMI cá nhân). Duy trì các hoạt động thể chất để tăng cường trao đổi chất để giảm cân.
BÀI LIÊN QUAN
Vận động cơ thể thường xuyên
Vận động cơ thể, tập thể dục thường xuyên không chỉ góp phần giảm cân và hạ huyết áp mà còn phòng ngừa nguy cơ đột quỵ. Bạn chỉ cần tập luyện với cường độ phù hợp với bản thân và duy trì ít nhất năm ngày mỗi tuần. Nếu không có 30 phút liên tục để tập thể dục, hãy chia nhỏ thành các buổi tập 10-15 phút mỗi lần trong ngày.
Không nhất thiết phải là các bài tập quá nặng tại phòng thể hình, bạn chỉ cần đi bộ quanh khu phố mỗi sáng sau bữa sáng. Thành lập câu lạc bộ thể dục với bạn bè. Hãy đi bộ bằng cầu thang thay vì đi thang máy, hoặc hãy đi bộ ở khoảng cách gần thay vì đi xe máy để cơ thể được vận động nhiều hơn. Điều quan trọng trong các buổi tập là duy trì hơi thở ổn định để điều hòa nhịp tim.
BÀI LIÊN QUAN
Kiểm soát nồng độ cồn trong thức uống
Theo các nhà khoa học, hoặc là bạn hoàn toàn tránh xa ruợu bia, hoặc là duy trì uống một ly rượu mỗi ngày để tránh đột quỵ. Các nhà khoa học cũng nhấn mạnh, khi uống hơn hai ly rượu/bia mỗi ngày sẽ tăng nguy cơ đột ngụy lên cao.
Nếu là đồ uống có cồn thì tốt nhất nên là rượu vang đỏ. Bởi vì rượu vang đỏ có thể giúp ngăn ngừa bệnh tim và đột quỵ. Bạn cũng nên lưu ý đến tiêu chuẩn, cụ thể một ly tiêu chuẩn là 150ml rượu vang, 355ml bia hoặc 45ml rượu mạnh.
Xét nghiệm tổng quát định kỳ 6 tháng và tuân theo phác đồ điều trị bệnh nền của bác sĩ
Dù sức khỏe có ổn định, bạn cũng nên kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ 6 tháng/ lần. Một số loại bệnh không có biểu hiện cụ thể, nhưng lại là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh lý – trong đó có đột quỵ. Ví dụ như chứng rung tâm nhĩ.
Rung tâm nhĩ là một dạng rối loạn nhịp tim gây ra sự hình thành cục máu đông trong tim. Những cục máu đông này sau đó có thể di chuyển đến não, gây ra đột quỵ. Rung tâm nhĩ mang theo nguy cơ đột quỵ gần gấp năm lần và cần được quan tâm nghiêm túc. Dấu hiệu nhận biết thường thấy cho chứng rung tâm nhĩ là tim đập nhanh hoặc khó thở.
Ngoài ra khi đã phát hiện bệnh nền, bạn nên tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ theo dõi. Ví dụ như, nếu như chẩn đoán là huyết áp cao bạn cần uống thuốc huyết áp mỗi ngày – kể cả khi huyết áp đã ổn định. Hoặc, nếu bạn là bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường thì mục tiêu hàng ngày là kiểm soát đường huyết thông qua thuốc kê đơn, chế độ dinh dưỡng. Nếu không có sự kiểm soát, đường huyết cao làm tổn thương mạch máu theo thời gian, khiến cục máu đông dễ hình thành bên trong mạch máu. Tắc mạch máu là nguyên nhân chính gây ra đột quỵ.
Các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ
Nếu cơ thể thường xuyên mệt mỏi và đột nhiên không còn sức lực, tê cứng mặt hoặc nửa mặt và nụ cười trở nên méo mó; thì đó là dấu hiệu thường thấy của các bệnh nhân đột quỵ. Dấu hiệu tê liệt cũng có thể biểu hiện lên cơ thể như không thể cử động tay chân, không thể nâng hai cánh tay cùng lúc qua đầu.
Bên cạnh đó, người có dấu hiệu đột quỵ sẽ khó khăn trong việc giao tiếp. Người đó sẽ khó phát âm, hoặc nói không rõ chữ, dính chữ và ngọng bất thường. Người có triệu chứng tai biến mạch máu não còn cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, bất thăng bằng đột ngột và thị lực giảm, mắt mờ. Cũng có trường hợp, người có thể bị đột quỵ sẽ phải chịu cơn đau đầu dữ dội, đôi khi gây ra cảm giác buồn nôn.
Tất cả các dấu hiệu có thể chỉ xuất hiện thoáng qua, nhưng lặp lại thường xuyên. Vì vậy, hãy nhanh chóng đến trung tâm y tế để được chẩn đoán và có biện pháp can thiệp kịp thời.
Nếu phát hiện người khác bị đột quỵ, điều quan trọng nhất là bạn nên giữ bình tĩnh. Lập tức liên hệ cấp cứu 115. Trong khi chờ đợi, hãy để phần đầu và lưng của bệnh nhân nghiêng 45 độ so với cơ thể. Mở phần cổ áo để kiểm tra nhịp thở, nếu ngừng tim hãy xoa bóp tim ngoài lồng ngực. Khi bệnh nhân lên cơn co giật, hãy dùng đũa quấn lớp vải ngáng ngang miệng để ngăn trường hợp tự cắn lưỡi. Ghi chú thời gian lên cơn đột quỵ để nhân viên y tế có thêm thông tin cần thiết.
Nhóm thực hiện
Thực hiện: Aaron Nguyen.
Ảnh: Tổng hợp.