Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ nổi tiếng Maxwell Maltz từng nói: “To change a habit, make a conscious decision, then act out the new behavior” (tạm dịch: Để thay đổi thói quen, hãy quyết định bằng lý trí trước rồi mới bắt tay vào hành động). Thật vậy, để khắc phục thói quen xấu, chúng ta cần bắt đầu thay đổi không phải từ hành vi, mà từ suy nghĩ của mình. Bằng cách thuận theo những gì tự nhiên nhất trong tâm lý con người, quá trình tạm biệt thói xấu sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Hình dung viễn cảnh tương lai tươi đẹp không còn thói quen xấu
Nghiên cứu cho thấy, cảm xúc tích cực sẽ thúc đẩy bạn đạt được mục tiêu đề ra tốt hơn cảm giác tiêu cực, căng thẳng và lo lắng. Vì thế, sẽ tốt hơn nếu bạn hình dung hình ảnh bản thân tốt đẹp như thế nào khi không còn thói quen xấu trong tương lai thay vì để tâm trí mình ám ảnh về tác hại của các thói quen xấu xí hiện tại. Ví dụ, nếu bạn muốn cắt bỏ đường ra khỏi thực đơn vì tác hại của nó lên sức khỏe và làn da, hãy tưởng tượng thật chi tiết và cảm nhận thành quả một làn da căng bóng, sạch mụn và tươi trẻ trong tương lai.
Thực hành thiền chánh niệm
Thiền chánh niệm là phương pháp nắm giữ suy nghĩ và cảm nhận những cảnh vật xung quanh ta trong mọi giây phút mà không đánh giá xấu tốt, đúng sai. Phương pháp giúp bạn gia tăng cảm xúc tích cực, giảm cảm xúc tiêu cực và căng thẳng. Mẹo tâm lý này sẽ giúp tâm trí bạn sáng suốt hơn, từ đó hỗ trợ quá trình loại bỏ các thói quen tiêu cực hàng ngày của mình.
BÀI LIÊN QUAN
Thay thế thói quen cũ thành thói quen mới tốt hơn
Về bản chất, các thói quen dù tốt hay xấu đều mang lại cho bạn cảm giác hài lòng. Vì thế, cách thay đổi các thói quen xấu là nhận thức được nó và thay thế bằng một thói quen mới lành mạnh khác. Sau đó, tiếp tục lặp đi lặp lại nhiều lần đến khi thói quen mới trở nên quen thuộc.
Tìm tác nhân gây ra thói quen xấu khó bỏ của bạn
Đôi khi chính một số điều tưởng chừng bình thường bạn không để ý đến lại là nguyên nhân khiến các thói quen xấu cứ mãi tồn tại. Bạn có thể nhìn lại thời gian biểu hàng ngày và tự đặt ra câu hỏi cho bản thân. Chẳng hạn, tại sao bạn hay ăn uống vô tội vạ? Nguyên nhân cho tình trạng đó đến từ đâu? Có phải là do bạn quá căng thẳng nên cơ thể tiết ra hormone cortisol, khiến bạn thèm ăn liên tục ngay cả khi không thấy đói? Hay do môi trường xung quanh quá nhiều “cám dỗ” với hàng quán hay đồng nghiệp thường xuyên rủ rê ăn uống? Xác định tác nhân thực sự gây ra thói quen xấu là một cách hiệu quả giúp bạn nhanh chóng tạm biệt các thói quen xấu “kinh niên” của mình.
Nhờ ai đó nhắc nhở bạn
Chúng ta có thể dễ dãi và thiếu kỷ luật với bản thân nhưng người khác thì không. Vì thế, để thúc đẩy bản thân vượt qua những thói xấu, bạn có thể nhờ một người đáng tin cậy để nhắc nhở bạn. Ví dụ, họ có thể nhắc bạn không chạm tay lên mặt (tránh bị mụn), ngăn bạn tự cắn móng tay khi căng thẳng. Hoặc một cách khác, bạn có thể dùng điện thoại như một “người bạn ảo” cài đặt báo thức để nhắc mình uống nước đầy đủ mỗi ngày chẳng hạn.
Yêu thương bản thân
Quá trình phá vỡ một thói quen xấu và hình thành một thói quen tốt luôn tốn thời gian, năng lượng và đôi khi cần cả ý chí nữa. Vì thế, đừng quá khắt khe và cảm thấy tội lỗi với bản thân mình. Điều này có thể gây tác dụng ngược, khiến thói xấu khó bỏ hơn.
Thực tế hơn
Có thể bạn từng nghe rằng: “Thời gian hình thành và loại bỏ một thói quen là 21 ngày”. Thế nhưng quan niệm này không hề đúng với tất cả. Nếu bạn có thói quen cắn móng tay hàng thập kỉ, 21 ngày chẳng thể khiến bạn dễ dàng vượt qua được. Vì thế, hãy thực tế hơn. Điều quan trọng là bạn sẵn sàng và quyết tâm thay đổi và cho mình bước từng bước một qua những mục tiêu nhỏ. Bên cạnh đó, nhớ tự thưởng cho bản thân khi vượt qua từng cột mốc để động viên mình, bạn nhé.
—
Xem thêm:
Làm thế nào để tránh thói quen ăn uống “vô tội vạ” khi bị căng thẳng?
Thói quen xấu mà các cung hoàng đạo nên bỏ ngay từ bây giờ
Nhóm thực hiện
Lược dịch: Ngọc Võ Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: Bustle