Làm đẹp / Bí quyết khỏe và đẹp

Cốc nguyệt san là gì mà ngày càng được phụ nữ ưa chuộng và tin dùng?

Cùng tìm hiểu về khái niệm và cách sử dụng cốc nguyệt san trong chu kỳ kinh nguyệt.

Tuy không còn quá mới mẻ ở nhiều nước trên thế giới nhưng tại Việt Nam, khái niệm cốc nguyệt san vẫn còn khá xa lạ. Thực tế, sản phẩm này mang đến nhiều lợi ích cho phái đẹp, giúp các nàng thoải mái hơn trong chu kỳ kinh nguyệt. Bài viết lần này, mời bạn cùng ELLE tìm hiểu cốc nguyệt san là gì và cách sử dụng như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất.

Cốc nguyệt san là gì?

cốc nguyệt san 001
Ảnh: Lunette

Cốc nguyệt san dùng để thay thế các loại băng vệ sinh và tampon thông dụng trong ngày “đèn đỏ”. Sản phẩm này có hình chuông nhỏ, làm bằng chất liệu silicone hoặc nhựa y tế. Vì có chất liệu mềm dẻo và độ bền cao nên cốc nguyệt san giúp các nàng thoải mái di chuyển và vận động trong chu kỳ kinh nguyệt. Cốc được đặt trong âm đạo, nhẹ nhàng “hút” hết lượng máu chảy ra từ tử cung một cách tự nhiên. Đây là sản phẩm thiết yếu giúp nàng bảo vệ vùng kín, không cho vi khuẩn và nấm xâm nhập và phát triển.

Nguyên tắc hoạt động của cốc nguyệt san

Khi đưa vào trong vùng kín, cốc nguyệt san đóng vai trò như một giác hút, mang đến cảm giác thông thoáng. Vì có tính đàn hồi tốt nên khi đặt vào âm đạo, cốc sẽ mở ra và “hút” lượng kinh nguyệt, ngăn không cho rò rỉ ra ngoài

cốc nguyệt san 03
Ảnh: istockphoto

Vì sao nên dùng cốc nguyệt san?

  • Mang đến cảm giác thoải mái, không dày cộm gây khó chịu như băng vệ sinh
  • Khi sử dụng cốc nguyệt san, nàng sẽ không còn sợ cảm giác tràn băng vì máu trong chu kỳ đã lọt hết vào cốc
  • Hạn chế vi khuẩn tấn công và mùi hôi: lượng máu trong những ngày “đèn đỏ” khi tiếp xúc với không khí sẽ gây ra mùi hôi khó chịu. Việc sử dụng cốc nguyệt san sẽ hạn chế được tình trạng trên.
cốc nguyệt san 02
Cốc nguyệt san có nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau. Ảnh: wellandgood
  • Ngăn chặn nguy cơ nhiễm khuẩn, nhiễm nấm vùng kín
  • Dung tích chứa nhiều hơn băng vệ sinh: một chiếc cốc nguyệt san có thể chứa gấp đôi lượng máu kinh so với băng vệ sinh siêu thấm
  • Giảm chi phí và hạn chế rác thải: do được làm bằng chất liệu mềm dẻo và có thể tái sử dụng nhiều lần nên việc sử dụng cốc nguyệt san giúp nàng tiết kiệm nhiều chi phí. Bên cạnh đó, nàng không cần thay đổi cốc nhiều lần, giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường.
  • Cân bằng độ pH trong âm đạo và giữ lại vi khuẩn có lợi: các loại băng vệ sinh thông thường đều hấp thụ tất cả các dịch trong âm đạo cùng với lượng kinh nguyệt nên có thể làm ảnh hưởng đến độ pH và các vi khuẩn tốt.

Hướng dẫn sử dụng cốc nguyệt san

Tư thế khi đặt cốc vào vùng kín

  • Đứng và gác một chân lên bệ cao
  • Đứng giang rộng hai chân và hơi khuỵu gối xuống
  • Ngồi dựa lưng vào tường trong tư thế Squat

Cách gấp gọn cốc

  • Gấp chữ C: dùng tay gấp cốc nguyệt san theo hình dẹt rồi gấp đôi lại
  • Gấp chữ V: dùng ngón tay trỏ ấn một bên cốc lõm xuống, gấp hai bên thành cốc lại
cốc nguyệt san 05
Ảnh: Shutterstock

Cách đặt cốc vào vùng kín

  • Sau khi gấp cốc xong và chọn được tư thế, từ từ cho cốc vào âm đạo.
  • Đẩy cốc vào xương mu một góc 45 độ
  • Nhẹ nhàng buông tay, cốc nguyệt san sẽ tự bung ra
  • Bóp nhẹ phần đáy cốc và xoay nhẹ một vòng để cốc bung đều và vừa khít với âm đạo

Cách lấy cốc nguyệt san ra ngoài

cốc nguyệt san 07
Ảnh: hjpwee
  • Lặp lại tư thế khi đặt cốc vào, đồng thời thả lỏng người
  • Đưa tay vào âm đạo và bóp nhẹ đáy cốc
  • Nhẹ nhàng lấy cốc ra ngoài theo chiều ngang
  • Lưu ý, tránh để cốc bị nghiêng làm mọi thứ bên trong đổ ra ngoài

Những lưu ý khi sử dụng cốc nguyệt san

  • Cốc nguyệt san có thể hoạt động trong khoảng 6 đến 12 tiếng. Điều này còn tùy thuộc vào lượng kinh nguyệt trong mỗi chu kỳ.
  • Để có thể tái sử dụng thường xuyên, bạn nên rửa sạch cốc ít nhất 2 lần/ngày. Bạn có thể dùng nước vệ sinh phụ nữ để rửa. Tránh sử dụng các loại xà phòng, chất tẩy rửa dễ khiến âm đạo bị kích ứng. Bên cạnh đó, sau mỗi chu kỳ kinh nguyệt, bạn nên ngâm cốc trong nước ấm để làm sạch.

Bạn có thể tham khảo thêm cách sử dụng sản phẩm này trong video dưới đây:

Xem thêm:

Hiểu về chu kỳ kinh nguyệt và cách tính ngày rụng trứng

Kỳ kinh nguyệt dễ chịu hơn với danh sách thực phẩm nên ăn và cần tránh

Nhóm thực hiện

Bài: Lan Thảo Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Ảnh: Tổng hợp
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)