Ai trong chúng ta cũng muốn sống một cuộc sống khỏe mạnh và bách niên giai lão. Trong số những cách bảo vệ sức khỏe, ăn uống có thể nói là quan trọng hàng đầu. Thế nhưng không có mấy người kiềm chế được việc theo đuổi thực đơn ăn uống “ngon mắt” nhưng độc hại. Khá khó khăn để chúng ta kiểm soát được bản thân với những thực phẩm hấp dẫn trước mắt. Do đó, ELLE sẽ cùng các bạn “điểm mặt” những món ăn chúng ta nên hạn chế tiêu thụ để nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như đảm bảo sức khỏe về già.
Thịt chế biến sẵn
Các chuyên gia đã liệt kê thịt chế biến sẵn vào danh sách những thực phẩm xấu hàng đầu cần tránh. Những loại thịt này thường dưới dạng thịt đóng hộp như thịt hun khói, xúc xích, lạp xưởng… chứa hàm lượng cao muối natri và chất bảo quản.
Chuyên gia dinh dưỡng Jennifer Clemente cho rằng nếu chúng ta tiêu thụ quá nhiều thịt chế biến sẵn trong thực đơn hàng ngày sẽ làm mất cân bằng các vi sinh ruột dẫn đến các căn bệnh viêm mãn tính. Đồng thời, bà cũng bổ sung rằng Tổ chức Y tế Thế giới gần đây đã xác nhận thịt chế biến sẵn là một trong những nguyên nhân dẫn đến ung thư.
BÀI LIÊN QUAN
Chất ngọt nhân tạo
Việc sử dụng đường nhân tạo đã từ lâu được khuyến cáo là không tốt cho sức khỏe. Thế nhưng lời cảnh báo này dường như vẫn còn bị xem nhẹ bởi phần đông người tiêu dùng.
Thực phẩm chứa chất làm ngọt nhân tạo có liên quan đến bệnh tiểu đường, suy nhược thần kinh, các vấn đề về gan… Bên cạnh đó, các chất làm ngọt còn gây ra sự mất cân bằng các lợi khuẩn có trong đường ruột. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng việc thiếu hụt lợi khuẩn có lợi như Lactobacilli hay Bifidobacteria sẽ dẫn đến các căn bệnh mãn tính như viêm, béo phì, ung thư và tự kỷ.
Chế phẩm từ sữa
Mặc dù có nhiều luồng ý kiến về việc những chế phẩm từ sữa có phải là thực phẩm xấu hay không. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm được làm từ sữa đều chứa hàm lượng chất béo bão hòa, đường, hormone tăng trưởng, và lượng thuốc kháng sinh. Đây là những chất không hề tốt cho sức khỏe của con người, vì nó sẽ gây ra các vấn đề như bệnh tim mạch, tiểu đường, mụn trứng cá, gây tăng cân và có thể gây ung thư. Ngay cả đến những thực phẩm được cho là tốt cho sức khỏe, được làm từ sữa như phô mai, sữa chua cũng cần phải có một định lượng sử dụng vừa đủ trong thực đơn ăn.
BÀI LIÊN QUAN
Bí quyết làm đẹp với sữa đậu nành
Thức uống có ga
Uống các thức uống có ga dẫn đến việc tăng nhanh lượng insulin trong máu, tăng nguy cơ tiểu đường. Bên cạnh đó, cũng có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc dùng nhiều thức uống có ga sẽ gây suy giảm trí nhớ, làm gia tăng khả năng gây bệnh ung thư, bệnh gout, bệnh tim và béo phì.
Chúng ta đều biết việc uống nước rất tốt cho cơ thể, nhưng không phải nước có ga hoặc nước có hương liệu tổng hợp. Bạn có thể thay thế những thức uống có ga thành trà thảo dược trong thực đơn hàng ngày để bảo vệ sức khỏe tốt hơn.
BÀI LIÊN QUAN
Đồ chiên rán
Khoai tây chiên, rà gán… đều là những món ăn kích thích vị giác và khá tiện lợi ngày nay. Nhưng thực tế, thực phẩm chiên rán đều chứa hàm lượng chất béo bão hoà khá cao. Chất béo bão hòa thường được tìm thấy nhiều các sản phẩm có nguồn gốc động vật, bao gồm thịt bò, thị lợn, thịt cừu; và các loại dầu thực vật, như dầu cọ, dầu dừa… Hậu quả của việc tiêu thụ chất béo bão hoà quá nhiều là tăng nồng độ cholesterol, nâng cao nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tiểu đường loại 2.
Thay vì chiên các thức ăn tại nhà thì những món nướng trong thực đơn sẽ tốt cho sức khỏe của bạn và người thân hơn. Nhưng tốt nhất chúng ta nên ăn các món hấp, và luộc sẽ tốt hơn cho sức khoẻ.
Thực phẩm nhiều muối
Không thể phủ nhận, mì gói là một thức ăn ngon, tiện lợi và vô cùng rẻ. Nhưng trong những gói mì chúng ta thường ăn, hàm lượng muối khá cao nhưng chất dinh dưỡng hữu ích lại không đáng kể. Chế độ ăn với hàm lượng muối cao sẽ dễ dẫn đến bệnh cao huyết áp, đột quỵ, suy tim và các bệnh liên quan đến tim mạch khác.
Chất béo chuyển hóa (Trans Fat)
Thực tế, chất béo chuyển hóa có nguồn gốc từ dầu thực vật và sau khi bị hydro hóa sẽ chuyển từ thể lỏng thành thể rắn và rất khó phân hủy. Tác hại của việc tiêu thụ chất béo chuyển hóa quá nhiều sẽ làm cho chúng ta dễ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ, và tiểu đường loại 2. Các sản phẩm như bánh quy, bánh ngọt, thức ăn nhanh, đồ chiên, đồ đông lạnh… thường có hàm lượng chất béo chuyển hóa cao. Vì thế, chúng ta nên hạn chế vừa phải chúng trong thực đơn của mình.
Những sản phẩm “low fat”
Sau khi đọc những phần trên, chúng ta chắc hẳn đã cảm thấy chỉ nên sử dụng các thực phẩm gắn mác “low fat” để bảo vệ sức khoẻ. Nhưng thật tế, chất béo là một thành phần quan trọng trong cơ thể vì chất béo là thành phần chính của lớp màng tế bào và cũng là tiền chất để cơ thể tổng hợp nên một số loại nội tiết tố cho cơ thể. Để bổ sung chất béo tốt cho cơ thể, chúng ta có thể ắn các loại hạt, đậu, cá và quả bơ.
Đồng thời, khi một sản phẩm “low fat” được tạo thành, các nhà sản xuất thường đã thay thế chất béo thành một chất khác. Đó có thể là đường, chất làm ngọt nhân tạo, chất tăng cường hương vị… và tất cả những chất đó đều không tốt cho cơ thể.
Điều đó đồng nghĩa với việc, những thực phẩm gắn mác “low fat” sẽ kém lành mạnh hơn với những sản phẩm thông thường khác. Và nhiều khảo sát cho thấy rằng, những người tiêu thụ các sản phẩm “low fat” sẽ có thiên hướng ăn nhiều hơn 50% so với những người tiêu thụ những sản phẩm bình thường.
Nhóm thực hiện
Bài: Aaron Nguyen (Nguồn Tạp chí Phái đẹp ELLE) Ảnh: Yanko Peyankov Ảnh: The List