Làm đẹp / Bí quyết khỏe và đẹp

Danh sách những loại tiêm chủng quan trọng dành cho phụ nữ

Điều bạn nên lưu ý là những danh sách tiêm chủng quan trọng cần có và thời điểm tiêm để phát huy hết tác dụng của vắc xin sau khi tiêm.

Tiêm chủng được xem là điều không thể thiếu đối với mọi đứa trẻ bởi nó như là một “hàng rào” bảo vệ cơ thể khỏi những căn bệnh tiềm ẩn. Không chỉ các em nhỏ cần tiêm vắc xin mà kể cả với người lớn, bạn cũng nên lưu ý tiêm chủng đầy đủ theo khuyến cáo của Bộ Y Tế. Đặc biệt đối với phụ nữ, tiêm chủng còn có thể liên quan nhiều đến quá trình mang thai và sinh con sau này.

Hãy cùng ELLE lên danh sách những mũi tiêm quan trọng cần có nhé.

Tiêm chủng ngừa bệnh thủy đậu

Bệnh thủy đậu là bệnh truyền nhiễm do virus Varicella zoster gây ra. Nếu phụ nữ nào chưa từng tiêm vắc xin thủy đậu trước đây, chưa từng mắc thủy đậu hoặc không có kháng thể chống thủy đậu thì nên tiêm vắc xin phòng thủy đậu trước khi mang thai. Đây là căn bệnh nguy hiểm có khả năng khiến trẻ sinh ra bị thủy đậu bẩm sinh, bị dị tật đầu nhỏ, gồng cứng tay chân, bại não…

tiêm chủng ngừa thủy đậu cho phụ nữ
Vắc xin Varivax (xuất xứ từ Mỹ): có mức giá dao động trong khoảng từ 800.000 đồng – 1.000.000 đồng. Ảnh: medlatec.

Sau khi tiêm chủng, phụ nữ cần kiêng cữ, tránh có thai trong vòng 3 đến 5 tháng. Đặc biệt nếu bạn đang cho con bú thì cần thận trọng khi tiêm vắc xin vì có khả năng virus bị bài tiết vào sữa mẹ. 

Vắc xin ngừa bệnh cúm

Cúm là một bệnh truyền nhiễm cấp tính tác động tới hệ hô hấp của con người do virus cúm gây ra. Tuy là một bệnh rất phổ biến, nhưng ở một số trường hợp bệnh cúm có thể tiến triển phức tạp, gây nhiều biến chứng thậm chí đe dọa tính mạng.

Nếu đang có dự định sinh con, bạn nên đi tiêm vắc xin ngừa cúm càng sớm càng tốt. Bởi vì khi mang thai, cơn cảm cúm kéo dài có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Nếu mẹ bị cúm trong giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ thì nguy cơ dị tật ở con càng cao hơn. Do đó, tiêm phòng cúm trước khi mang thai là vô cùng quan trọng với những ai đang có ý định làm mẹ.

tiêm chủng ngừa cúm cho phụ nữ
Vắc xin Influvac 0.5ml. Ảnh: VNVC.

Các bác sĩ khuyến nghị thời điểm tiêm phòng cúm cần được tiêm hằng năm (bởi virus cúm biến đổi rất nhanh, qua mỗi mùa bệnh virus lại thay đổi) và thích hợp nhất là vào tháng 10 – 11.

TIÊM chủng UNG THƯ CỔ TỬ CUNG (HPV)

Ung thư cổ tử cung đang là bệnh phổ biến thứ hai ở phụ nữ trên toàn thế giới và xếp thứ 4 về các bệnh có tỷ lệ mắc và tử vong trên toàn cầu. HPV là tên viết tắt của Human Papilloma Virus – một loại virus gây u nhú ở người. Đây là loại virus có khả năng gây ung thư cổ tử cung và một số bệnh như sùi mào gà… Virus HPV có thể tồn tại âm thầm và phát triển trong cơ thể mà không tạo ra bất kỳ triệu chứng nào.

Biện pháp phòng ngừa tối ưu đến 90% ung thư cổ tử cung chính là tiêm vắc xin phòng chống virus HPV đối với bé gái và phụ nữ từ 9-26 tuổi, và hiệu quả nhất là tiêm trước khi quan hệ tình dục. Tuy nhiên, phụ nữ đã có gia đình, đã quan hệ tình dục hoặc quá độ tuổi vẫn có thể chích ngừa HPV chỉ là hiệu quả sẽ bị giảm xuống. Các chuyên gia khuyến cáo rằng chị em nên đi tiêm phòng HPV càng sớm càng tốt. Vắc xin có hiệu quả kéo dài lên đến 30 năm.

tiêm chủng ngừa hpv
Ảnh: benhvienlacviet.vn.

Lưu ý khi bạn có dự định lập gia đình thì cần chủ động tiêm vắc xin phòng HPV sớm. Nếu có thai khi đang tiêm vắc xin thì sẽ tạm hoãn lịch tiêm, hoàn tất lịch tiêm tiếp tục sau khi sinh con. Thêm vào đó, bạn nên nhớ tiêm nhắc lại một liều thứ hai 2 tháng sau liều đầu tiên, và liều thứ ba 6 tháng sau liều đầu tiên.

Tiêm chủng ngừa bệnh sởi, quai bị, rubella

Sởi, quai bị, Rubella là các bệnh do virus gây ra có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng. Virus quai bị có thể làm viêm nhiễm buồng trứng, đồng thời phá hủy tế bào trứng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ.

Đối với trẻ nhiễm sởi, quai bị, Rubella nếu được tiêm phòng đầy đủ và có các triệu chứng nhẹ sẽ tự khỏi bệnh. Tuy nhiên với phụ nữ mang thai nếu nhiễm virus thì nguy cơ trẻ sinh ra nhiều dị tật chẳng hạn như trẻ bị bệnh tim bẩm sinh, mù, điếc và chậm phát triển.

tiêm chủng ngừa sởi quai bị rubella
Ảnh: nhandan.vn.

Vì vậy khi có kế hoạch sinh con, các bạn nên đến các cơ sở tiêm chủng để tiêm vắc xin phòng các bệnh này. Thời điểm tiêm tốt nhất nên tiêm 3 – 6 tháng trước khi mang thai. Hiện nay, đã có loại vắc xin có tên gọi MMR II 0.5ml, kết hợp phòng được cả 3 bệnh sởi, quai bị và Rubella nên sẽ tiện hơn cho các chị em khi đi tiêm chủng.

Lưu ý, bạn nên tiêm nhắc lại một liều thứ hai 4 tuần sau liều đầu tiên nếu bạn tiếp xúc với bệnh sởi hay phát sinh ổ dịch xảy ra trong cộng đồng của bạn.

Tiêm ngừa viêm gan B

Viêm gan B là bệnh nhiễm trùng tại gan do virus viêm gan B gây ra. Nếu không kịp thời phát hiện và điều trị đúng cách, bệnh có thể trở thành mãn tính và gây ra nhiễm trùng gan thậm chí là ung thư gan. Nhiều bà mẹ không nhận ra tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin trong quá trình mang thai dẫn đến dễ mắc một số bệnh có thể gây hại cho bản thân hoặc thai nhi, điển hình đó chính là vắc xin viêm gan B. Bệnh lây truyền khi mọi người tiếp xúc với máu, vết thương hở hoặc dịch cơ thể của người nhiễm virus viêm gan B và truyền từ mẹ sang con trong quá trình sinh thường hoặc sinh mổ.

tiêm chủng ngừa viêm gan b
Ảnh: vinmec.

Do đó, phụ nữ nên chủ động chủng ngừa viêm gan B trước khi mang thai để bảo vệ cho cả mẹ và con không bị virus xâm nhập. Tốt nhất là nên tiêm phòng trước khi mang thai 3 tháng để vắc xin có đủ thời gian tạo kháng thể phòng bệnh. Với người lớn khi xét nghiệm máu chưa nhiễm virus và chưa có kháng thể viêm gan B sẽ được khuyến cáo tiêm phòng 3 mũi.

Vắc xin viêm gan B có khả năng duy trì miễn dịch từ 10 – 20 năm nếu tiêm đúng lịch và đủ liều. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế vẫn khuyến khích nên tiêm một liều vắc xin nhắc lại sau mỗi 5 – 10 năm đợt tiêm trước đó nhằm đảm bảo lượng kháng thể trong cơ thể luôn đủ cao để chống lại virus.

Tiêm chủng ngừa uốn ván

Uốn ván là một bệnh lý nghiêm trọng do vi khuẩn Clostridium tetani gây ra. Độc tố do vi khuẩn Clostridium tetani tiết ra sẽ khiến hệ thần kinh trung ương bị ảnh hưởng. Bệnh có thể gây tử vong kể cả khi người bệnh được điều trị.

Một số yếu tố khác là nguyên nhân khiến bạn bị uốn ván như:

  • Kim tiêm bị nhiễm vi khuẩn
  • Vết thương với mô chết chẳng hạn như bỏng
  • Vết thương không được làm sạch

Vắc xin uốn ván không cung cấp kháng thể miễn dịch suốt đời và việc tiêm phòng uốn ván thường có tác dụng trong 10 năm.

tiêm chủng ngừa uốn ván
Ảnh: nhathuoclongchau.

WHO khuyến cáo tất cả phụ nữ mang thai đều cần tiêm phòng uốn ván để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra đối với người mẹ và em bé, trong đó có cả nguy cơ gây tử vong. Trong quá trình sinh nở, vi khuẩn uốn ván sẽ dễ dàng xâm nhập vào trong cơ thể thông qua đường sinh dục và tình trạng phổ biến nhất mà người mẹ có thể gặp phải là uốn ván tử cung.

Nếu mang thai lần đầu và chưa được tiêm phòng uốn ván trong vòng 5 năm gần nhất, người mẹ cần tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh này. Mũi đầu tiên nên thực hiện trong 3 tháng giữa của thai kỳ, mũi thứ 2 tiêm sau mũi 1 tối thiểu một tháng và trước ngày dự sinh tối thiểu một tháng.

Nhóm thực hiện

Bài: Tâm Tú Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Ảnh: Tổng hợp
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)