Sử dụng witch hazel có phải là cách trị mụn hiệu quả?
Witch hazel liệu có thể “đánh bại” hai thành phần trị mụn nổi tiếng salicylic acids và benzoyl peroxides?
Những thành phần trị mụn luôn giành được nhiều sự quan tâm từ phái đẹp. Đa số cô nàng nào cũng mong muốn sở hữu làn da mịn màng, “không tì vết”. Khi đề cập đến những bí quyết trị mụn, salicylic acids và benzoyl peroxides chính là hai thành phần nổi bật nhất. So sánh với hai thành phần trên, witch hazel có phần lu mờ hơn. Điều này bắt nguồn từ một số tác dụng phụ mà nguyên liệu này mang đến cho da. Việc sử dụng witch hazel vẫn là một cách trị mụn khiến các nàng phân vân. Witch hazel có thật sự hiệu quả và an toàn cho làn da mụn? Trong bài viết này, mời bạn cùng ELLE tìm hiểu sâu hơn về bí quyết trị mụn cùng witch hazel.
Witch hazel là gì?
Witch hazel (Hamamelis virginiana) là một loại cây bụi thường được tìm thấy ở những vùng phía Đông, Trung Tây Mỹ. Loại thực vật này từ lâu đã được người Mỹ bản địa ứng dụng như một phương thuốc chữa những bệnh ngoài da như kích ứng và viêm. Ngày nay, một số loại kem và thuốc mỡ không kê đơn có chứa witch hazel. Ngoài ra, đây cũng là thành phần “góp mặt” trong các dòng mỹ phẩm dưỡng da, tiêu biểu là toner dưỡng. Trong đó, thương hiệu Thayers là một cái tên nổi bật. Thành phần này được biết đến rộng rãi với khả năng giảm kích ứng, tổn thương và viêm da. Witch hazel sở hữu đặc tính chống viêm và chống ôxy hóa cao. Thông thường, nguyên liệu này được sử dụng để trị mụn, viêm da và triệu chứng cháy nắng.
Tìm hiểu khả năng trị mụn của witch hazel
Witch hazel có một số đặc tính phù hợp sử dụng cho làn da mụn. Trong đó, thuộc tính kiềm dầu là nổi bật nhất. Thành phần này có công dụng loại bỏ dầu thừa dưới da, tránh làm tắc nghẽn lỗ chân lông. Đối với những tác nhân gây mụn, lỗ chân lông bị bí chính là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất. Bên cạnh đó, witch hazel còn chứa tannin, có tác dụng làm se da, giảm thiểu kích thước của lỗ chân lông. Nhờ và đặc tính kiềm dầu, witch hazel được ứng dụng cho những dòng mỹ phẩm cho da dầu và mụn.
Bên cạnh công dụng kiểm soát dầu, khả năng chống viêm của witch hazel cũng rất được quan tâm. Đặc tính chống viêm cao của thành phần này hỗ trợ quá trình làm dịu nốt mụn, giảm mẩn đỏ và viêm. Ngoài ra, witch hazel cũng có thể kháng khuẩn. Tuy nhiên, vẫn chưa có nghiên cứu nào cho thấy đặc tính này có ảnh hưởng trực tiếp đến các vi khuẩn gây mụn.
Cách trị mụn hiệu quả và an toàn với witch hazel
Cũng tương tự với những thành phần dưỡng da khác, sử dụng witch hazel cũng có nguy cơ bị kích ứng da. Vì thế, việc nắm rõ cách dùng thành phần mỹ phẩm là một yếu tố rất quan trọng. Đầu tiên, trước khi sử dụng sản phẩm chứa witch hazel, bạn nên dành thời gian đọc kỹ hướng dẫn sử dụng. Đây là bước thường bị các nàng bỏ qua. Nếu bạn sở hữu làn da nhạy cảm, dễ kích ứng với thành phần lạ, nên tìm đến lời khuyên của các chuyên gia da liễu. Bên cạnh đó, bạn nên thử sử dụng witch hazel với số lượng và thời gian giới hạn. Sau đó, nếu cảm thấy sản phẩm phù hợp với da, bạn có thể tăng liều lượng và thời gian dùng.
Witch hazel có đặc tính chống viêm và kiềm dầu cao, vì vậy có khả năng gây khô da. Vì vậy, các chuyên gia khuyên rằng bạn không nên thoa thành phần này lên toàn bộ mặt. Thay vào đó, các nàng nên sử dụng tăm bông và chấm sản phẩm lên vùng da bị ảnh hưởng. Ngoài ra, bạn nên tránh chọn mua những dòng mỹ phẩm kết hợp witch hazel và cồn. Những sản phẩm này sẽ dẫn đến hiện tượng khô da và đổ dầu nhiều hơn.
Witch hazel có tác dụng phụ không?
Đa số các chế phẩm từ witch hazel có chứa một lượng cồn nhỏ, khoảng 14%-15%. Tuy lượng cồn không cao, tuy nhiên đối với làn da khô và siêu nhạy cảm, sản phẩm chứa witch hazel được đánh giá là không phù hợp. Với hai loại da kể trên, thành phần chứa cồn sẽ dễ gây ra tình trạng kích ứng. Ngoài ra, bạn cũng không nên dùng witch hazel khi da xuất hiện vết trầy xước hoặc nốt mụn bị vỡ. Điều này sẽ khiến da phản ứng mạnh dẫn đến viêm, khiến tình trạng mụn trầm trọng hơn. Khi được đem ra so sánh với salicylic acids và benzoyl peroxides, witch hazel vẫn yếu thế hơn. Các chuyên gia da liễu vẫn khuyến khích cách trị mụn bằng salicylic acids và benzoyl peroxides.
Bài: Phương Khanh
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: Byrdie
Ảnh: Tổng hợp