Nám da là biểu hiện của tình trạng tăng sinh sắc tố, gây ra những đốm nâu, nâu xám trên da. Nám tuy không ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng luôn là nỗi muộn phiền của phụ nữ trong việc làm đẹp, gây cảm giác thiếu tự tin, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống. Việc điều trị nám là một vấn đề khó khăn, cần nhiều hiểu biết chuyên môn về da liễu và đòi hỏi cần có thời gian lâu dài.
Nám hình thành do đâu?
Ba tác nhân chủ yếu trong hình thành nám da chính là di truyền, ảnh hưởng của ánh nắng mặt trời và nội tiết tố nữ (estrogen, progesterone).
Tuy nhiên, một nghiên cứu của Romeo E. Morales cho thấy, 9 trên 10 phụ nữ có nám ở độ tuổi từ 20 đến 50. Do đó nội tiết tố và ánh nắng chi phối khá lớn, đồng thời là yếu tố mà chúng ta có thể can thiệp vào để điều trị. Trong đó, stress, bệnh lý tuyến giáp, sử dụng thuốc ngừa thai hoặc mang thai là những trạng thái gây mất cân bằng hormone, đặc biệt tác động vào sự tăng sinh sắc tố da gây ra nám.
.
Cách xác định tình trạng nám
Để chẩn đoán nám, có thể thông qua quan sát bằng mắt thường ở các vùng thường xuất hiện của nám như má, trán, cằm, nhân trung. Tuy nhiên có thể kết hợp với soi da bằng đèn Wood nhằm xác định được tình trạng nám để có phương pháp điều trị phù hợp. Nám có thể phân loại dựa vào vị trí chân nám ở lớp nào của da:
• Ở lớp biểu bì (epiderma): có biên rõ, màu nâu sẫm. Xuất hiện rõ hơn dưới ánh sáng đèn Wood. Loại nám này có thể đáp ứng tốt hơn với điều trị.
• Ở lớp trung bì (derma): có biên không rõ ràng, màu nâu sáng hoặc ánh xanh. Loại nám này không đổi màu dưới ánh sáng đèn Wood và ít đáp ứng điều trị.
• Nám hỗn hợp: đây là loại phổ biến nhất, kết hợp giữa các đốm nâu sáng và sẫm. Do là hỗn hợp của hai loại trên nên sẽ cải thiện một phần sau khi điều trị.
Giải pháp cho việc điều trị nám
Đối với một số trường hợp, nám có thể tự nhiên mất đi. Thông thường các trường hợp này sẽ rơi vào nhóm nám hình thành do dùng thuốc ngừa thai hoặc mang thai. Các trường hợp còn lại, việc điều trị thường là một hành trình gian nan do cần thời gian dài, và cũng không đảm bảo sau đó nám sẽ không tái lại. Một số trường hợp chỉ có thể làm nám cải thiện một phần chứ không thể mất đi hoàn toàn.
Ngoài các phương pháp kỹ thuật cao như laser, microdermabrasion, những hoạt chất được sử dụng ngoài da để điều trị nám hiện nay gồm có hydroquinone, arbutin, retinoids, glycolic acid, azelaic acid, kojic acid, vitamin C,… Ngoài ra, có 3 cái tên đầy hứa hẹn trong việc điều trị tương lai là methimazole, dioic acid, resorcinol và undercylenoyl phenylalanine.
Hiện nay, một số liệu trình trị nám dưới sự theo dõi của bác sĩ có thể kể đến là:
• 0.01% fluocinolone (một dạng corticosteroids cần được bác sĩ kê đơn), 4% hydroquinone phối hợp 0.05% tretinoin.
• 4% hydroquinone.
• 2% kojic acid, 10% glycolic acid phối hợp 2% hydroquinone.
Một số lưu ý:
Một lưu ý quan trọng là việc sử dụng nêu trên cần có chỉ định và theo dõi của người có chuyên môn để chọn được giải pháp phù hợp với tình trạng da của mỗi người. Bên cạnh đó, trong suốt quá trình điều trị nám, một bước đóng vai trò chủ chốt chính là kem chống nắng. Sử dụng kem chống nắng hàng ngày là điều không thể thiếu khi điều trị nám, cũng như sau khi kết thúc liệu trình nhằm giảm nguy cơ nám quay trở lại.
Trên thị trường hiện nay lưu hành khá nhiều loại thực phẩm chức năng được giới thiệu là điều trị nám. Bản chất đa số các loại thực phẩm chức năng hiện nay là bổ sung các chất chống oxy hóa như vitamin C, vitamin E, glutathion, L-cystine… Tuy nhiên các hoạt chất trên cần đạt nồng độ và thời gian sử dụng nhất định để việc điều trị nám có hiệu quả.
Việc điều trị nám là một hành trình dài cần sự tỉnh táo và kiên trì. Buồn phiền vì khiếm khuyết nhỏ này đôi khi chỉ làm tình trạng của bạn tệ hơn, do căng thẳng thần kinh kích thích cơ thể tiết ra các hormone ảnh hưởng lên hệ thống nội tiết.
Hy vọng những kiến thức trên có thể giúp đỡ bạn trong việc phòng ngừa cũng như điều trị nám da nhé!
—
Xem thêm
Bí quyết trị nám da của Demi Lovato
Dự đoán xu hướng chăm sóc da nổi bật năm 2016
Bảo vệ da khỏi tác hại của ô nhiễm môi trường
Nhóm thực hiện
Tạp chí Phái Đẹp ELLE