Làm đẹp / Bí quyết khỏe và đẹp

Lợi ích của trà thảo mộc và các lưu ý khi sử dụng

Xu hướng sử dụng trà thảo mộc để cải thiện sức khỏe đang ngày càng tăng cao bởi những lợi ích mà loại đồ uống này mang đến. Tuy nhiên, liệu bạn đã biết sử dụng thảo mộc không đúng cách có thể gây ra những tác dụng phụ?

Trà thảo mộc là trà được làm từ lá, hoa, quả, rễ và thân cây của các loại thảo dược tự nhiên, không chứa caffeine. Loại trà này thường chứa các thành phần như am thảo, gừng, nghệ, cây bạch quả… được phơi khô hoặc chế biến ở dạng tươi. Từ thời cổ đại, thảo mộc không chỉ là một thức uống thơm ngon mà còn được dùng để cải thiện sức khỏe và tinh thần. Cùng ELLE khám phá những công dụng tuyệt vời của trà thảo mộc đối với sức khỏe cũng như các lưu ý để sử dụng một cách an toàn và hiệu quả.

“Hãy uống trà một cách chậm rãi và cung kính, như thể đó là trục mà trái đất đang quay – chậm rãi, đều đặn, không vội vã hướng về tương lai” – thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Cô gái đang rót trà thảo mộc.
Trà thảo mộc chứa các hợp chất có thể có lợi cho sức khỏe. Ảnh: Pexels.

Những công dụng của trà thảo mộc

Khả năng chống oxy hóa cao

Các nguyên liệu trong trà có nguồn gốc thực vật như trái cây, rau, gia vị và thảo mộc thường chứa chất chống oxy hóa. Những chất chống oxy hóa tự nhiên như polyphenol, flavonoid và carotenoid có khả năng chống lại tác động của các gốc tự do trong cơ thể, giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương oxy hóa. Điều này không chỉ làm chậm quá trình lão hóa mà còn giúp da trở nên sáng khỏe hơn. Do đó, uống trà thảo mộc là cách hữu ích giúp giảm các vấn đề liên quan đến stress oxy hóa như tim mạch, ung thư và lão hóa sớm.

Cải thiện hệ tiêu hóa

Các trà thảo mộc như gừng và nghệ được biết đến với khả năng giảm viêm và hỗ trợ quá trình tiêu hóa. Các hoạt chất có trong hai nguyên liệu này có thể tăng cường sản xuất enzyme tiêu hóa trong dạ dày, giúp cải thiện quá trình tiêu hóa tự nhiên của cơ thể. Bên cạnh đó, chất chống vi khuẩn có trong cam thảo có khả năng giảm triệu chứng đau bụng và khó tiêu do viêm nhiễm trong hệ tiêu hóa. Đồng thời, một số loại trà thảo mộc có tác dụng làm dịu và cân bằng độ pH của đường ruột, giúp giảm triệu chứng tiêu chảy và táo bón.

Cô gái đang uống trà thảo mộc
Một số loại trà thảo mộc có thể giúp cải thiện tiêu hóa, giảm đau bụng và khó tiêu. Ảnh: Pexels.

Kháng viêm hiệu quả

Trà thảo mộc có thể hỗ trợ hệ thống miễn dịch trong việc kiểm soát viêm một cách tự nhiên. Bởi nhiều thành phần trong trà có tính kháng viêm tự nhiên, hỗ trợ chúng ta chống lại vấn đề viêm khớp và dạ dày. Điển hình là curcumin trong nghệ và gingerol trong gừng. Các chất này có thể giúp giảm viêm và giảm đau bằng cách ức chế sản xuất các chất gây viêm trong cơ thể.

Do đó, việc sử dụng trà thảo mộc không chỉ giúp bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh tật mà còn duy trì sức khỏe tổng thể một cách hiệu quả.

Giải tỏa căng thẳng

“Có điều gì trong bản chất của trà dẫn chúng ta vào một thế giới tĩnh lặng để suy ngẫm về cuộc sống” – nhà văn Lin Yutang.

Thư giãn với tách trà nóng từ ngàn đời nay là cách để điều hòa tâm trí và xua tan mệt mỏi. Nhiều loại thảo dược như hoa cúc, lá bạch quả và cây gừng có chứa các chất có tác dụng làm dịu tâm trạng và giảm căng thẳng. Các thành phần như chamazulene trong hoa cúc giúp đánh thức tư duy và tạo cảm giác thư giãn tâm trí. Chúng giúp giảm mức độ cortisol, hormone gây căng thẳng và hỗ trợ chúng ta điều chỉnh hệ thống thần kinh. Việc thưởng thức một tách trà thảo mộc vào buổi tối cũng có thể giúp bạn thoải mái và chuẩn bị tâm trạng cho giấc ngủ tốt hơn.

Không cần thực hiện một buổi trà đạo đầy đủ kiểu Nhật, chỉ cần cho túi trà thảo mộc vào  nước đun sôi ấm, bạn đã có thể thưởng thức và trải nghiệm cảm giác êm dịu giữa những bộn bề cuộc sống.

Phụ nữ đang thưởng thức trà thảo mộc
Làm dịu cảm xúc bằng cách nhâm nhi tách trà thảo mộc. Ảnh: Pexels.

Tăng cường hệ miễn dịch

Trà thảo mộc có thể tăng cường hệ miễn dịch nhờ vào các chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất tự nhiên có trong các loại thảo dược và cây cỏ. Vitamin C từ cam thảo và quercetin từ lá bạch quả giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương và tăng cường chức năng của hệ miễn dịch. Mặt khác, gừng có tính chất chống vi khuẩn, giúp ngăn chặn sự phát triển của vi rút gây bệnh và hỗ trợ chống lại các tác nhân gây bệnh. Ngoài ra, các chất trong trà hoa cúc có khả năng làm dịu và giảm căng thẳng, từ đó giúp tăng cường sức khỏe tổng thể lẫn tinh thần.

Chống buồn nôn

Được biết đến như một phương thuốc chữa buồn nôn đáng tin cậy, các chất có trong các loại thảo mộc giúp cơ thể điều chỉnh tiết axit và dịch dạ dày, giảm cảm giác buồn nôn hiệu quả. Các loại trà thảo mộc như gừng và bạc hà có thể cải thiện quá trình tiêu hóa và giảm triệu chứng như đầy bụng và khó tiêu, từ đó giảm cảm giác buồn nôn sau khi ăn. Thành phần Gingerol và Shogaol có trong gừng làm kích thích nhu động ruột, từ đó giúp thức ăn được tiêu hóa dễ dàng hơn. Uống một tách trà chanh, cam thảo hay trà hoa cúc cũng giúp làm dịu và giảm căng thẳng, điều trị tình trạng buồn nôn và ốm nghén ở phụ nữ khi mang thai.

Cần lưu ý gì khi dùng trà thảo mộc?

Không thêm sữa và hạn chế đường

Thêm sữa và đường thêm vào trà thảo mộc sẽ dẫn đến tăng lượng calo, có thể gây ra sự  tăng hoặc giảm đột ngột của đường huyết, đặc biệt đối với những người đang mắc bệnh đái tháo đường. Đường huyết tăng độ ngột dễ gây ra tình trạng đái tháo đường và tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Khi tiêu thụ quá nhiều calo từ sữa và đường cũng có thể dẫn đến tăng cân, một trong những yếu tố tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch như béo phì và tiểu đường. Việc thêm sữa hoặc đường vào trà thảo dược còn là nguyên nhân gây ra các tác dụng phụ như tiêu hóa, dị ứng và các vấn đề phụ khác.

cho sữa vào trà
Hạn chế thêm sữa và đường vào trà để hạn chế nguy cơ tăng đường huyết. Ảnh: Unsplash.

Không uống trà thảo mộc để qua đêm

Thói quen ngâm và pha trà thảo mộc trong bình ấm và để qua đêm vô tình tạo điều kiện cho sự phát triển của vi khuẩn, đồng thời làm giảm đi vitamin B, C có trong trà. Để trà qua đêm cũng có thể làm mất đi hương vị và chất lượng tự nhiên của trà thảo mộc. Bởi sự oxy hóa và phát triển vi sinh vật có thể làm thay đổi cấu trúc hóa học của trà và giảm đi hương vị ban đầu của nó. Việc tiếp xúc với vi rút trong trà thảo mộc đã qua đêm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt đối với những người có hệ miễn dịch yếu hoặc nhạy cảm với vi khuẩn.

Tách trà quế
Nước trà để qua đêm dễ kích thích sự phát triển của vi khuẩn gây hại. Ảnh: Pexels.

Không nên lạm dụng trà thảo mộc quá nhiều

Mặc dù trà thảo mộc tự nhiên mang lợi ích cho sức khỏe, nhưng lạm dụng quá mức có thể gây ra một số vấn đề không mong muốn, nhất là với người có thể trạng yếu. Sử dụng lượng lớn trà khi bụng đói sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, dạ dày, gây ra vấn đề đau rát, khó tiêu và đầy bụng. rong trà thảo mộc cũng chứa oxalates, loại chất có thể gây ra sỏi thận khi tiêu thụ hàm lượng lớn. Ngoài ra, một số loại trà thảo mộc có chứa caffeine hoặc các chất kích thích lên hệ thần kinh, có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ và gây ra vấn đề mất ngủ khi uống lượng lớn vào buổi tối.

phụ nữ trong chu kỳ kinh nguyệt Hạn chế sử dụng trà thảo mộc

Việc uống trà quá nhiều trong thời điểm kinh nguyệt hằng tháng sẽ có hại cho sức khỏe. Các thành phần trong trà có thể ảnh hưởng lên cơ địa của phụ nữ và gây ra sự thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt. Bởi trà thảo mộc thường có tính hàn, gây tác động lên dạ dày, dẫn đến đau bụng dưới, tức ngực và chóng mặt. Hàm lượng lớn axit tannic trong trà cũng là nguyên nhân ngăn chặn cơ thể hấp thụ sắt.

Nhóm thực hiện

Bài: Amy Lê

Ảnh: Tổng hợp

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)