Lý do kinh nguyệt đến chậm có phải chỉ vì mang thai?
Cứ tưởng trễ kinh là do mang thai nhưng sự thật lại nằm ở những yếu tố bạn không ngờ đến.
Kinh nguyệt đến trễ là biểu hiện thường gặp ở phụ nữ. Thông thường, chu kỳ kinh nguyệt sẽ là 30-32 ngày tùy theo cơ địa của mỗi người. Nếu quá 35 ngày mà kinh nguyệt vẫn chưa xuất hiện thì đó gọi là hiện tượng chậm kinh. Nhiều phụ nữ bị “lỡ hẹn” hơn 3 chu kỳ kinh nguyệt liên tiếp sẽ dẫn đến tình trạng vô kinh. Bài viết này, mời bạn cùng ELLE tìm hiểu những nguyên nhân chậm kinh phổ biến mà nhiều người không để ý đến.
Những nguyên nhân làm chậm chu kỳ kinh nguyệt
Mang thai
Trong một chu kỳ kinh nguyệt, lớp niêm mạc bên trong tử cung sẽ dày lên để chuẩn bị cho trứng thụ tinh, làm tổ vào và đợi sự xuất hiện của tinh trùng để thụ thai. Trong suốt quá trình mang thai, lớp niêm mạc sẽ không bong ra mà tiếp tục phát triển để nuôi dưỡng thai nhi. Do đó, phụ nữ sẽ không bị hành kinh trong 9 tháng mang thai.
Ngược lại, nếu trứng và tinh trùng không gặp nhau, dần dần, cơ thể sẽ tự loại bỏ lớp niêm mạc này khiến kinh nguyệt xuất hiện. Vì vậy, hiện tượng chậm kinh có thể là dấu hiệu mang thai sớm. Để biết rõ hơn liệu có phải bản thân có em bé hoặc lý do nào khác khiến kinh nguyệt bị trễ, bạn nên mua que thử thai để khẳng định chính xác hơn.
Áp lực và căng thẳng
Vì sao stress lại nằm trong số những nguyên nhân chậm kinh phổ biến? Khi tâm trạng căng thẳng, các hormone gây ra stress như adrenaline và cortisol sẽ gây ảnh hưởng đến vùng dưới đồi (Hypothalamus). Đây là nơi trực trực tiếp tác động đến quá trình sản sinh estrogen trong kỳ hành kinh. Ngoài ra, stress còn ảnh hưởng đến vùng não kiểm soát tuyến yên – bộ phận điều khiển hoạt động của buồng trứng.
Để cơ thể thư giãn và giảm bớt áp lực, bạn nên thiết lập chế độ ăn uống và lối sống khoa học, đồng thời, hãy thường xuyên vận động thể chất để tăng cường sức khỏe. Các bài tập thư giãn bạn có thể thử là Yoga hoặc ngồi thiền.
Tác dụng phụ của thuốc
Có thể bạn không để ý nhưng một số loại thuốc đang dùng có thể là nguyên khiến “ngày đèn đỏ” trễ hẹn. Theo các chuyên gia sức khỏe, các loại thuốc sau đây sẽ ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt:
- Chống trầm cảm
- Điều chỉnh nội tiết tố
- Tránh thai
- Chống đông máu
- Hóa trị
- Động kinh
- Aspirin
Trong các loại thuốc kể trên, thuốc tránh thai chứa hormone estrogen và progestin, làm ức chế quá trình rụng trứng. Vì vậy, sau khi ngưng thuốc, bạn có thể phải mất đến 3-6 tháng để chu kỳ trở lại bình thường.
Cân nặng thay đổi thất thường
Trong một chu kỳ kinh nguyệt, cơ thể cần sản xuất đủ lượng hormone estrogen (kích thích nang trứng) và luteinizing (điều hòa buồng trứng). Việc giảm cân quá mức trong thời gian ngắn khiến cơ thể hao hụt chất dinh dưỡng, ảnh hưởng đến vùng dưới đồi. Đây là bộ phận chịu trách nhiệm điều hành nhiều quá trình trong cơ thể, bao gồm cả chu kỳ kinh nguyệt.
Ngược lại, việc tăng cân trong thời gian ngắn khiến cơ thể sản sinh nhiều estrogen hơn mức bình thường khiến lớp tử cung dày lên, làm rối loạn chu kỳ kinh nguyệt. Để đảm bảo sức khỏe, tốt hơn hết bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để tìm ra cho mình phương pháp giảm cân an toàn và khoa học.
Bệnh về tuyến giáp
Tuyến giáp là bộ phận giúp kiểm soát hormone, có ảnh hưởng đến sự trao đổi chất và nhiều hệ thống khác trong cơ thể. Khi tuyến giáp gặp vấn đề (suy giáp, nhược giáp hoặc cường giáp) đều gây ra những thay đổi cho chu kỳ kinh nguyệt của bạn. Những dấu hiệu thường thấy của chứng rối loạn tuyến giáp là giảm cân đột ngột, da khô nứt nẻ, tóc rụng nhiều. Nếu gặp phải các dấu hiệu trên, bạn nên đến khám bác sĩ để được tư vấn cách điều trị phù hợp.
Rối loạn nội tiết tố
Hệ nội tiết tố là bộ phận rất quan trọng đối với phụ nữ. Hệ nội tiết tố bị mất cân bằng kéo theo sự thay đổi của vùng dưới đồi, tuyến yên và buồng trứng. Đây là yếu tố khiến chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn. Vì vậy, để kỳ hành kinh diễn ra đều đặn, bạn nên có chế độ sinh hoạt lành mạnh, chú ý ngủ đủ giấc và ăn uống đúng giờ.
Hội chứng đa nang buồng trứng (PCOS)
Hội chứng đa nang buồng trứng có tên khoa học là Polycystic Ovary Syndrome, liên quan đến sự rối loạn cân bằng hormone và insulin trong cơ thể. Buồng trứng đa nang là chứng bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào và bất kỳ ai. Trong một chu kỳ kinh nguyệt, mỗi buồng trứng sẽ phát triển khoảng 5 nang trứng. Những nang trứng đó sẽ “cạnh tranh” với nhau để trở thành nang trội với nhiệm vụ giải phóng trứng trong quá trình rụng trứng. Cơ thể của phụ nữ mắc hội chứng PCOS sẽ sản sinh nhiều nang trứng hơn mức bình thường, ngăn cản sự rụng trứng xảy ra. Tình trạng này dẫn đến việc chậm kinh, thậm chí là mất kinh ở phụ nữ.
Vận động quá sức
Tập thể dục tuy rất tốt cho sức khỏe nhưng luyện tập quá mức lại gây ra sự thay đổi hormone tuyến yên và tuyến giáp, tác động tiêu cực đến chu kỳ kinh nguyệt. Việc vận động quá sức cũng làm ảnh hưởng đến nồng độ estrogen, ức chế sự rụng trứng và khiến kinh nguyệt đến trễ hơn bình thường. Bạn chỉ cần dành thời gian từ 1-2 giờ để rèn luyện thể chất mỗi ngày, tránh tập luyện các bài tập cường độ cao trong nhiều giờ liền.
Lạm dụng chất kích thích
Hút thuốc và uống rượu bia là hai nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến chứng rối loạn kinh nguyệt. Chất nicotine và khói của thuốc lá có tác động tiêu cực đến cơ quan vùng chậu, ức chế quá trình bơm ôxy đến khu vực này và ảnh hưởng trực tiếp đến nội mạc tử cung. Mặt khác, thói quen hút thuốc lá thường xuyên còn khiến các ống dẫn trứng và số lượng trứng giảm chất lượng dẫn đến vô sinh.
Bài: Lan Thảo
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: Maria Carter/ Verywellhealth/ Medicalnewstoday
Ảnh: Tổng hợp