Làm đẹp / Bí quyết khỏe và đẹp

4 vấn đề sức khỏe nên cẩn trọng trong mùa hè

Mùa hè đổ lửa là thời điểm nguy cơ bệnh tật bủa vây cao nhất trong năm như viêm da, say nắng, rối loạn tiêu hóa hay viêm họng, nhức đầu. Không khỏe thì khó lòng nghĩ tới chuyện làm đẹp. Vì vậy, lắng nghe cơ thể là điều quan trọng nhất bạn nên làm.

ellevn-giu-suc-khoe-mua-he

1. Mùa hè – Mùa của các bệnh về da 

Nắng nóng tạo điều kiện cho các loại vi nấm phát triển trên da gây ngứa ngáy, nổi mụn nước nhỏ vùng bẹn, nách, mông, các vùng da gấp và sẽ ngứa nhiều khi ra nhiều mồ hôi. Nguy cơ này có thể tăng theo… cân nặng vì bạn biết đấy, càng dư cân thì cơ thể càng có nhiều “nếp gấp than khóc”.

Thêm một lưu ý cho các bạn trẻ là nếu đang dùng thuốc điều trị mụn với nhóm kháng sinh cycline trong thời gian dài, có lẽ nên tạm “hy sinh” những hoạt động ngoài trời thú vị vì thuốc làm tăng nhạy cảm ánh sáng, dễ biến bạn thành cô gái châu Phi.

Viêm da ánh sáng thực vật: Phái đẹp có thể thấy cụm từ dài dòng khó nhớ này hơi lạ tai. Nhưng chúng gây khó chịu cho khá nhiều người vào dịp hè. Nguyên do là bạn tiếp xúc với một loại thực vật nào đó, rồi chỗ tiếp xúc bị ánh sáng mặt trời tác động gây nên tình trạng viêm da kích ứng.

Nếu một buổi sáng đẹp trời, bạn nhảy dựng khỏi giường vì phát hiện những mảng da đỏ, rát thì việc đầu tiên bạn phải làm là đến ngay phòng khám da liễu vì rất có thể bạn vừa bị chúng “tấn công bất ngờ”.

Sở dĩ nên “gấp gáp” như thế vì bệnh sẽ diễn biến nhanh, mau chóng hình thành mụn nước, thậm chí gây mủ, viêm loét, nhiễm trùng. Và nếu bạn lơ là việc tránh nắng nữa thì đúng là thảm họa, vết thâm sẽ đeo bám bạn đến vài tháng.

2. Qúa ham vui dẫn đến say nắng, say nóng

Vã mồ hôi, mặt mũi đỏ bừng, lừ đừ, thậm chí là hoa mắt, chóng mặt khi vui chơi ngoài trời hè là biểu hiện của say nắng. Say nóng cũng tương tự thế, khác là bạn đang ngồi trong nơi không có ánh nắng chiếu trực tiếp. Cả hai tình trạng này đều ức chế khả năng điều hòa thân nhiệt của cơ thể, gây sốt cao, vã mồ hôi, mất nước, trụy mạch.

Kỹ năng sơ cứu người say nắng nên được nhắc lại mỗi mùa hè: đặt người say nắng vào chỗ thoáng mát. Có thể nới lỏng quần áo để tránh cản trở hô hấp, tuần hoàn và dùng khăn mát chườm vùng nách, bẹn, thái dương để hạ nhiệt. Cho bệnh nhân uống nước, nhưng đừng quá nhiều và quá đột ngột. Nếu người bị say nắng nặng uống quá nhiều nước có thể gây phản xạ vã mồ hôi, khiến cơ thể dễ bị co giật.

Bù nước hiệu quả lúc này là dung dịch oresol. Trong túi du lịch của bạn lúc nào cũng nên có vài gói này để khi cần chỉ cần xé ra pha với nước là có dùng ngay. Và nếu chỉ say nắng nhẹ thì bạn cũng cần phải nghỉ ngơi. Ham vui quay lại nhập cuộc sẽ khiến bạn tiếp tục “say” và lần này sẽ nặng hơn lần trước.

Ăn nhiều trái cây, rau quả, uống nước ngay cả khi không khát lắm để giúp cơ thể tự làm mát. Đừng quên những chiếc mũ rộng vành vừa làm điệu vừa che nắng rất tốt. Khi thoa kem chống nắng, nhớ thoa đều và lặp lại thường xuyên, tránh bỏ quên vùng gáy, vành tai, chân tóc. Mặc quần áo có chất liệu cotton, tơ lụa vừa mát nhẹ vừa bay bổng. Khi hoạt động liên tục từ 45-60 phút, bạn nên giải lao trong bóng râm khoảng 10-15 phút.

elle beauty

3. Cẩn trọng với thực phẩm

Thời tiết oi bức, nắng gắt khiến bao thực phẩm tươi ngon hóa “kẻ thù” lúc nào không hay. Thức ăn dễ ôi thiu, biến chất, thực phẩm kém tươi hơn, các loại vi trùng phát triển mạnh dễ gây tiêu chảy. Nói cho chính xác thì tiêu chảy hay rối loạn tiêu hóa ở người lớn ít gặp hơn ở trẻ nhỏ và cũng ít có trường hợp phải nhập viện hơn.

Uống thuốc, bù nước và ăn những món dễ hấp thu nhưng nhiều dưỡng chất sẽ giúp bạn phục hồi. Có khi đến 2, 3 ngày bệnh mới hết nên để không ảnh hưởng công việc hay mất cơ hội tận hưởng kỳ nghỉ, bạn hãy tránh xa những món ăn lề đường, có mùi lạ.

Nhiệt độ đáng phàn nàn mùa hè cũng khiến nguy cơ dị ứng với đồ ăn tăng cao. Nhiều bạn tự tin “xưa nay chẳng dị ứng loại hải sản nào”. Thực tế là vì nhiệt độ cao khiến hải sản không được tươi, sản sinh nhiều histamine gây dị ứng, bạn có khi đỏ lựng, nổi mẩn và gãi đến trầy cả da. Loại gây dị ứng trong mùa nắng nóng là cá ngừ. Chúng phóng thích lượng histamine lớn rất nhanh nếu không được giữ lạnh.

4. Cảnh giác với viêm họng, nhức đầu

Thời tiết Sài Gòn mùa nắng thường kèm theo đặc sản mưa bất chợt, cực đỏng đảnh và cực dễ gây bệnh cho ai phải làm công việc di chuyển nhiều. Đi lại không mũ nón, để quạt phả vào người cả đêm, uống nước đá liên tục, thế là họng viêm đau, nhức đầu, cảm nắng.

 

Nhóm thực hiện

Bài Hoàng Hoa - Ảnh Tư liệu  
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)