Nhiều người sẽ không thể bắt đầu ngày mới nếu không có một tách trà hay một cốc cà phê. Đó đều là những thức uống chứa caffeine – một chất kích thích giúp chúng ta tỉnh táo và tập trung hơn. Tuy nhiên uống cà phê hoặc trà quá nhiều sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của bạn.
Caffeine – Bao nhiêu là đủ?
Caffeine là một chất kích thích có trong một số thực phẩm và thức uống. Các thức uống phổ biến như cà phê, trà hay soda đều có chứa lượng caffeine đáng kể. Tác dụng thường thấy của caffeine là giúp chúng ta sảng khoái và tỉnh táo. Thực tế, đây là một chất gây nghiện.
Theo Mayo Clinic, một người trưởng thành khoẻ mạnh có thể hấp thụ 400mg caffeine mỗi ngày. Nếu nhiều hơn, bạn sẽ gặp tình trạng quá liều caffeine. Thanh thiếu niên không nên uống quá 100mg caffeine mỗi ngày. Đối với phụ nữ mang thai, con số này nên dưới 200mg. Mức hấp thụ caffeine của mỗi người là khác nhau, phụ thuộc vào tuổi tác, cân nặng và tình trạng sức khoẻ.
Thời gian bán huỷ của caffeine trong máu là từ 1,5 đến 9,5 giờ. Điều này có nghĩa là bạn phải mất đến chừng ấy thời gian để mức caffeine trong máu bạn giảm xuống một nửa so với lượng caffeine bạn nạp vào. Rất khó để biết chính xác bao nhiêu caffeine sẽ dẫn đến quá liều, do thời gian bán huỷ caffeine của mỗi người là khác nhau.
Caffeine có trong thực phẩm nào?
Theo nghiên cứu của Trung tâm khoa học vì lợi ích cộng đồng Mỹ, bảng dưới đây sẽ cho thấy lượng caffeine trong một số thực phẩm và thức uống phổ biến:
Khẩu phần | Caffeine (mg) | |
Cà phê đen | 355 ml | 50-235 |
Trà đen | 237 ml | 30-80 |
Soda | 355 ml | 30-70 |
Nước tăng lực Red Bull | 245 ml | 80 |
Socola sữa (thanh) | 50 g | 9 |
Thuốc Excedrin Migraine | 1 viên | 65 |
Thuốc NoDoz Caffeine | 1 viên | 200 |
Ngoài ra, caffeine còn có trong:
- Một số loại kẹo
- Thuốc hoặc các thực phẩm bổ sung năng lượng
- Kẹo cao su cứng
Đối với một số người, quá liều caffeine chỉ gây ra một số triệu chứng thông thường, và các triệu chứng đó sẽ biến mất sau khi caffeine được đào thải khỏi cơ thể. Tuy nhiên, một số trường hợp quá liều caffeine nghiêm trọng có thể đe doạ đến tính mạng của bạn.
Tiêu thụ caffeine quá liều sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ như thế nào?
Quá liều caffeine xảy ra khi bạn dùng quá nhiều thức ăn, thức uống hay sản phẩm chứa caffeine. Một số người có thể tiêu thụ caffeine nhiều hơn người khác mà không có triệu chứng gì. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo bạn chỉ nên tiêu thụ caffeine vừa phải, vì quá liều có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng như nhịp tim không đều, co giật… Thường xuyên uống cà phê quá nhiều cũng có thể dẫn đến mất cân bằng nội tiết.
Nếu bạn ít khi dùng trà, cà phê hay nước tăng lực, bạn có thể sẽ nhạy cảm hơn. Vì vậy, nên tránh dùng quá nhiều caffeine một cách đột ngột. Ngay cả khi đã quen uống cà phê hay trà, bạn vẫn nên cẩn trọng và ngừng uống ngay khi cơ thể xuất hiện triệu chứng bất thường.
Một số triệu chứng khi bạn dùng caffeine quá liều
Quá liều caffeine dẫn đến nhiều triệu chứng. Tuy nhiên, chúng thường không quá nghiêm trọng nên bạn thường có xu hướng phớt lờ. Ví dụ như:
- Chóng mặt
- Tiêu chảy
- Thường xuyên khát nước
- Mất ngủ
- Đau đầu
- Sốt
- Cáu gắt
Bên cạnh đó, có một số triệu chứng nghiêm trọng mà bạn phải lập tức liên hệ với bác sĩ khi gặp phải. Ví dụ:
- Khó thở
- Nôn
- Ảo giác
- Nhầm lẫn
- Tức ngực
- Nhịp tim không đều hoặc tăng nhanh
- Không thể kiểm soát cơ bắp
- Co giật
Trẻ em cũng có thể bị quá liều caffeine khi uống sữa mẹ có caffeine. Các tiệu chứng bao gồm nôn mửa, căng cơ. Nghiêm trọng hơn, trẻ có thể bị sốc, thở nhanh. Nếu trẻ gặp phải một trong các triệu chứng này, bạn cần đến bệnh viện ngay lập tức.
Làm sao để biết liệu bạn có bị quá liều caffeine hay không?
Nếu nghi ngờ mình đã bị quá liều caffeine, bạn nên cho bác sĩ biết trước đó bạn đã ăn uống những gì. Bạn sẽ được đo nhiệt độ, theo dõi nhịp thở, nhịp tim và huyết áp. Bạn cũng sẽ được xét nghiệm máu và nước tiểu để xác định các chất kích thích có trong máu của bạn.
—
Xem thêm:
Lợi ích của cà phê với sức khỏe và sắc đẹp có thể bạn chưa biết
Cách nào “cai nghiện” cà phê để bảo vệ sức khỏe và làn da?
Nhóm thực hiện
Bài: Huệ Nghi
Nguồn: Tạp chí phái đẹp ELLE
Tham khảo: Healthline
Ảnh: Tổng hợp