5 loại vaccine mà phụ nữ trưởng thành nên tiêm chủng để bảo vệ sức khoẻ
Những loại vaccine quan trọng & cần thiết mà phụ nữ nên tiêm để phòng ngừa bệnh là gì? Phác đồ tiêm ra sao?
Sau ảnh hưởng bởi đại dịch COVID19, nhận định – ý thức – nhu cầu của chúng ta về vaccine đã thay đổi. Chúng ta chủng động hơn với việc tiêm chủng. Vậy, đối với phụ nữ thì những loại vaccine nào là cần thiết nhất để phòng ngừa bệnh và bảo vệ sức khỏe?
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh” – Tục ngữ Việt Nam.
1. Vaccine ngừa virus gây u nhú ở người (HPV)
Virus gây u nhú ở người (Human papillomavirus – HPV) lây truyền qua đường tình dụng và là nguyên nhân gây ra các bệnh như ung thư cổ tử cung, ung thư hậu môn, ung thư vòm họng, mụn cóc sinh dục… Vaccine hiện nay có thể phòng ngừa được 40/150 chủng loại do virus HPV gây ra. Tại Việt Nam thông dụng hai loại vaccine HPV bao gồm Gardasil và Gardasil 9. Trong đó, Gardasil 9 sẽ phòng được nhiều chủng virus HPV hơn nên giá thành sẽ cao hơn.
Theo khuyến cáo, vaccine sẽ phát huy tối đa hiệu quả khi được tiêm chủng ở độ tuổi từ 9 đến 26 tuổi. Tuy nhiên, khi đã vượt qua 26 tuổi bạn vẫn có thể tiêm vaccine phòng ngừa các bệnh do virus HPV gây ra. Loại vaccine này thậm chí còn được khuyên tiêm cho cả nam giới. Phác đồ thường thấy khi tiêm Gardasil hay Gardasil 9 sẽ là 3 mũi với mũi thứ hai cách 2 tháng sau mũi đầu và mũi thứ ba cách 4 tháng so với mũi thứ hai. Sau khi kết thúc phác đồ, bạn không cần phải tiêm nhắc lại.
2. Vaccine ngừa cúm
Tại Việt Nam, mùa cúm thường diễn ra vào tháng 3-4 và 9-10 hàng năm. Nhiều người thường cho rằng cúm không đáng quan ngại. Tuy nhiên các biểu hiện của như sốt cao, đau đầu, nhức đầu, ớn lạnh, buồn nôn… gây khó chịu với người bệnh và ở nhiều trường hợp cúm cũng có thể gây tử vong.
Đối với phụ nữ trưởng thành, bạn nên tiêm chủng ngừa cúm định kỳ mỗi năm/ lần. Bởi lẽ, mỗi năm công thức điều chế vaccine sẽ được cập nhật & thay đổi để phù hợp với các chủng virus mới nhất. Hiện tại, có bốn loại vaccine ngừa cúm phổ biến ở Việt Nam bao gồm Ivacflu-S (Việt Nam), Vaxigrip Tetra (Pháp), Influvac Tetra (Hà Lan), GC Flu Quadrivalent (Hàn Quốc).
3. Vaccine tiêm chủng ngừa viêm gan B
Viêm gan B hay còn được gọi là viêm gan siêu vi B gây ra bởi siêu vi B (HBV – Hepatitis B virus). HPV lây truyền qua việc quan hệ tình dục không an toàn, từ mẹ sang con, đường máu – thậm chí chỉ cần vết xây xát nhẹ tiếp xúc với máu người nhiễm virus cũng làm cho mầm bệnh lây nhiễm vào cơ thể. Khả năng lây lan của virus viêm gan B cao gấp 100 lần so với HIV và hiện tại chỉ có thể phòng ngừa bằng việc tiêm ngừa vaccine chứ chưa có thuốc điều trị dứt điểm.
Phác đồ tiêm ngừa viêm gan siêu vi B thường gồm 3 mũi tiêm. Trong đó, mũi thứ hai cách mũi đầu tiên 1 tháng và mũi thứ ba cách mũi thứ hai năm tháng. Nếu kết quả xét nghiệm định lượng kháng thể viêm gan HBsAg > 1000IU/L thì bạn không cần phải tiêm nhắc mũi thứ 4, ngược lại dưới 1000IU/L thì cần hỏi thêm ý kiến bác sĩ. Hiện tại, bạn có thể thực hiện tiêm chủng viêm gan B có các lựa chọn như Engerix B (Bỉ), Euvax B (Hàn Quốc), Heberbiovac (Cu Ba) và Twinrix (Bỉ, phòng được viêm gan A+B).
4. Tiêm chủng vaccine ngừa bệnh uốn ván
Uốn ván là bệnh nhiễm trùng cấp tính do ngoại độc tố (Tetanus exotoxin) của vi khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) gây ra tại vết thương trong điều kiện yếm khí. Biểu hiện của người bị nhiễm bệnh là cứng hàm không há miệng to, co cứng các cơ tăng dần kèm theo đau đớn ở cơ gáy, lưng, bụng và lan dần ra toàn thân. Hiện nay vẫn chưa có biện pháp điều trị triệt để bệnh uốn ván và chỉ có thể phòng ngừa bằng vaccine.
Đây là loại vaccine mà phụ nữ mang thai cần được tiêm chủng theo Thông tư 38/2017/TT-BYT khuyến cáo. Hiện tại có 9 loại vaccine ngừa uốn ván với phác đồ tiêm chủng khác nhau (dao động từ 3 đến 5 mũi) đang được cấp phép tại Việt Nam, bao gồm: Vaccine 6 trong 1 Infanrix Hexa (Bỉ); 6 trong 1 Hexaxim (Pháp); 5 trong 1 Pentaxim (Pháp); 4 trong 1 Tetraxim (Pháp); 3 trong 1 Adacel (Canada); 3 trong 1 Boostrix (Bỉ); Vắc xin uốn ván, bạch hầu hấp phụ (Td) (Việt Nam); Vắc xin uốn ván hấp phụ (TT) (Việt Nam); Huyết thanh uốn ván (SAT) (Việt Nam).
Nếu như bạn đã từng tiêm đủ 3 mũi vaccine phòng ngừa cùng lúc ba bệnh Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván thì sẽ bổ sung thêm 3 lần tiêm ở lần mang thai đầu tiên, 1 tháng sau mũi 2, 1 năm sau mũi 2. Hoặc, nếu bạn đã tiêm đủ 3 liều vaccine trong nhóm Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván và 1 liều nhắc lại, thì chỉ cần bổ sung thêm 2 lần tiêm. Cụ thể là ở lần mang thai đầu và 1 năm sau mũi 1 bổ sung. Đối với người có nguy cơ bị uốn ván, nên đến ngay cơ sở y tế để được tiêm vaccine và tiêm globulin miễn dịch nếu cần.
5. Vaccine phòng ngừa Ho gà – Bạch hầu – Uốn ván
Bạch hầu là bệnh gây ra bởi ngoại độc tố của vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae và được lây truyền qua đường hô hấp di tiếp xúc với người bệnh hoặc người khỏe mạnh mang mầm bệnh. Thời gian ủ bệnh từ 1 đến 5 ngày thường không có triệu chứng, sau đó sẽ xuất hiện tình trạng sốt, viêm họng tiết nhẹ. Ở biến chứng nặng, bạch hầu làm cho giả mạc hình thành trong vòm họng, có màu trắng xám và dần lan rộng vào hốc mũi, thanh quản gây tắc nghẽn đường thở. Ngoài ra bệnh tình có thể khiến bệnh nhân viêm cơ tim và bệnh lý thần kinh ngoại biên và các mô khác.
Ho gà gây ra bởi vi khuẩn Bordetella pertussis và lây nhiễm thông qua các hạt chất tiết. Thời gian ủ bệnh từ 6 đến 21 ngày và phổ biến nhất là 7 đến 10 ngày. Giai đoạn đầu là giai đoạn viêm long với các triệu chứng nhẹ ở đường hô hấp trên, tiến triển đến ho và các cơn ho kịch phát (giai đoạn ho cơn) với tiếng thở rít đặc trưng, tiếp theo là nôn ói.
Thường thì cả ba loại bệnh Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván đều được chích bằng vaccine DPT. Ở Việt Nam, nếu như bạn chỉ có nhu cầu ngừa ba loại bệnh trên thì có hai loại vaccine Adacel và Boostrix. Nếu chưa từng tiêm chủng Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván thì phác đồ sẽ là 3 mũi với mũi thứ hai cách mũi đầu tiên 1 tháng và mũi thứ ba cách mũi thứ hai sáu tháng. Bạn cần tiêm nhắc sau mỗi 10 năm hoặc theo từng độ tuổi khuyến cáo.
—
Danh sách các loại vaccine cần tiêm chủng thật ra vẫn còn nhiều chủng loại bệnh như viêm màng não, tiêu chảy do virus Rota, phế cầu, viêm não Nhật Bản… Theo thứ tự ưu tiên, bạn nên tiêm năm loại vaccine mà ELLE đã đề cập trong bài viết. Nếu đủ khả năng và điều kiện hãy tiêm nhiều loại vaccine theo sự tư vấn, hướng dẫn của bác sĩ. Bên cạnh vaccine, lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng khoa học và tinh thần sảng khoái là cách tốt nhất để phòng ngừa & chữa bệnh.
Bài: Aaron Nguyen
Ảnh: Tổng hợp