“Cuộc đua sắc đẹp” không ngừng phát triển cho ra đời những công nghệ tiên tiến nhằm giúp phái nữ sở hữu làn da hoàn mỹ. Trong đó, vi kim với những ưu điểm vượt trội, đang là một trong những xu hướng làm đẹp được nhiều người lựa chọn. Vậy vi kim là gì? Tại sao phương pháp này lại được nhiều người ưa chuộng? Mời bạn cùng ELLE khám phá những điều thú vị về phương pháp làm đẹp này qua bài viết sau.
Vi kim là gì?
Vi kim (hay còn gọi là micro-needling) là một công nghệ làm đẹp sử dụng các đầu kim siêu nhỏ với chiều dài từ 0,5 đến 3 mm, để tạo ra các vết thương nhỏ trên da nhằm kích thích làn da tái tạo tự nhiên. Với cơ chế hoạt động này, vi kim giúp thúc đẩy sản sinh collagen và elastin, từ đó tăng độ đàn hồi mà không gây tổn thương sâu cho da. Theo Hiệp hội Da liễu Hoa Kỳ, liệu pháp này có thể cải thiện các vấn đề như nếp nhăn, lỗ chân lông to, sẹo mụn, đốm nâu và tình trạng tăng sắc tố. Ngoài ra, vi kim còn được ứng dụng trên nhiều vùng khác như da đầu và cơ thể, giúp làm dày tóc, hỗ trợ làm giảm rạn da và cải thiện tình trạng da không đều màu.
BÀI LIÊN QUAN
Phân biệt lăn kim, phi kim và vi kim
Lăn kim
Lăn kim là phương pháp làm đẹp hỗ trợ cải thiện sắc tố da, thâm sạm và tình trạng da sần sùi bằng cách sử dụng một dụng cụ nhỏ gọn có thiết kế hình bánh xe có các đầu kim siêu mảnh. Khi di chuyển trên da, các đầu kim này sẽ tạo nên những “tổn thương giả” li ti, kích thích da sản sinh tế bào mới, giúp làn da trở nên tươi trẻ và săn chắc hơn. Vì đây là quá trình thủ công nên hiệu quả tái tạo da phụ thuộc phần lớn vào tay nghề của bác sĩ, cùng với tốc độ, độ sâu và tần suất thực hiện lăn kim. Bên cạnh đó, liệu pháp này có thể gây đau đớn và cần thời gian phục hồi khá dài vì lăn kim tác động trực tiếp vào tầng trung bì của làn da bạn.
BÀI LIÊN QUAN
Vi kim
Vi kim là bước tiến mới trong công nghệ chăm sóc da hiện đại, với các đầu kim siêu nhỏ chỉ tác động lên lớp biểu bì, hoàn toàn không gây tổn thương sâu và không cần thời gian phục hồi quá lâu. Nhờ đó, vi kim thích hợp cho những ai muốn cải thiện làn da một cách nhẹ nhàng, không đau và an toàn. Theo các chuyên gia da liễu từ tạp chí Dermatology Times, vi kim có thể làm giảm nếp nhăn, cải thiện cấu trúc và tông màu da mà không gây kích ứng, phù hợp với mọi loại da, đặc biệt là da nhạy cảm.
BÀI LIÊN QUAN
Phi kim
Khác với lăn kim, phi kim là một phương pháp tiên tiến sử dụng công nghệ máy móc hiện đại để tạo ra những tổn thương giả trên bề mặt da. Với các kim tác động thẳng đứng và được điều chỉnh với tốc độ, tần suất chính xác, liệu pháp này mang lại hiệu quả ổn định và đồng đều hơn so với lăn kim.
Một ưu điểm nổi bật của phi kim là không gây ra nhiều tổn thương, do tốc độ, áp lực và tần suất đã được kiểm soát tối ưu. Nhờ vậy, làn da bạn sẽ ít bị ửng đỏ hay sưng tấy sau khi thực hiện phi kim và cũng cần ít thời gian hồi để da hồi phục hơn. Phương pháp này là lựa chọn lý tưởng trong việc trẻ hóa và tái tạo làn da một cách toàn diện cho những cô nàng có các vấn đề da không quá nghiêm trọng.
Những ai nên tránh liệu pháp vi kim?
Trước khi thực hiện phương pháp này, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu có các tình trạng sau đây:
- Mụn trứng cá hoặc đang sử dụng thuốc điều trị mụn.
- Rối loạn đông máu hoặc đang sử dụng thuốc chống đông máu (thuốc ngăn ngừa hình thành cục máu đông).
- Bị ung thư và đang điều trị hóa trị hoặc xạ trị.
- Thường xuyên bị phát ban trên da.
- Có xu hướng hình thành sẹo lồi (da bạn dễ xuất hiện những vết sẹo cứng và lồi lên).
- Có nốt ruồi, tàn nhang hoặc các khối u thay đổi về kích thước, hình dạng hoặc có dấu hiệu chảy máu.
- Các tình trạng da như chàm hoặc vẩy nến.
Vi kim, phi kim và lăn kim là ba phương pháp hỗ trợ trẻ hóa da phổ biến, nhưng để phát huy tối đa lợi ích của từng liệu pháp, bạn cần hiểu rõ sự khác biệt giữa chúng. Trong đó, vi kim thường được xem là an toàn cho hầu hết các loại da, đặc biệt là những cô nàng muốn tăng cường sản sinh collagen. Tuy nhiên, phương pháp này không thích hợp cho làn da nhạy cảm, đang bị viêm hoặc có mụn trứng cá và mụn nang, vì vi kim có thể làm tình trạng da trở nên tệ hơn. Vì vậy, trước khi quyết định áp dụng bất kỳ phương pháp nào, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để đảm bảo an toàn và có được hiệu quả như mong đợi cho làn da của mình.
Nhóm thực hiện
Bài: Huỳnh Như
Ảnh: Tổng hợp