Đó là phát biểu của nhà thần kinh học Sandra Aamodt ở chương trình TedTalks. Trong cuộc nói chuyện này, nhà thần kinh học Sandra Aamodt đã chia sẻ câu chuyện cá nhân của mình. Bằng kiến thức khoa học, Sandra phát hiện ra rằng việc ăn kiêng không hề hiệu quả. Tệ hơn thế, ăn kiêng còn có thể gây hại nhiều hơn cho cơ thể. Từ đó, cô đúc kết một bài học quan trọng về cách bộ não của con người quản lý cơ thể một cách trực quan nhất.
Bài nói chuyện của Sandra không mô tả một phương thuốc thần kỳ về câu chuyện ăn kiêng hay giảm cân. Ngược lại, đó là những căn cứ khoa học đằng sau mối liên hệ giữa bộ não của bạn và chế độ ăn kiêng. ELLE xin mời bạn đọc cùng tìm hiểu những lý do nhà thần kinh học Sandra Aamodt đưa ra về việc ăn kiêng không hiệu quả.
Bộ não quyết định cân nặng
Chúng ta đều biết việc giảm cân phụ thuộc vào việc năng lượng tiêu thụ và năng lượng tiêu hao. Thế nhưng, hầu hết mọi người không nhận ra rằng việc tiêu thụ năng lượng được điều khiển bởi bộ não. Nói cách khác, bộ não có những dữ liệu từ cơ thể để đưa đánh giá riêng về cân nặng của bạn.
Theo như phân tích của Sandra, bộ não thiết lập một phạm vi xê dịch cho trọng lượng cơ thể. Chúng rơi vào khoảng tầm 10-15 pounds (5-7 ký). Đó là lý do vì sao khi bạn giảm cân, bạn sẽ cảm thấy rất khó khăn khi đến những mốc giới hạn này.
Cơ thể thông minh hơn rất nhiều vì nhờ có sự điều khiển của não bộ. Vì vậy, nếu bạn giảm cân quá nhiều, não sẽ ra lệnh cho cơ thể chuyển sang chế độ dự trữ chất béo và bảo tồn năng lượng. Có thể nói, giới hạn xê dịch trọng lượng vẫn khó có thể thay đổi.
Hãy ăn kiêng theo trực giác
Tuy nhiên, định nghĩa “cân nặng bình thường” của bạn lại có thể tăng lên trong nhiều năm. Đó là do não của bạn đã quen với một tiêu chuẩn cao hơn. Tương tự, nếu bạn thừa cân trong một thời gian dài, não bộ sẽ hiểu rằng đó mới là mức cân bình thường. Từ đó, nó sẽ tự động điều chỉnh để bạn quay về lại mốc “bình thường” đó.
Theo Tiến sĩ Rudy Leibel của đại học Columbia, người đã giảm 10% trọng lượng cơ thể thì tiêu hao năng lượng ít hơn từ 250-400 calo. Bởi vì hệ tiêu hóa của họ đã bị kìm lại. Vì vậy, một người ăn kiêng sẽ phải ăn ít hơn người bình thường để duy trì số cân.
Thêm vào đó, khoa học chia những người giảm cân thành hai nhóm. Thứ nhất là nhóm người giảm cân do đói theo trực giác. Thứ hai là nhóm người giảm cân bằng cách cố điều khiển chế độ ăn uống theo lý trí. Điều thú vị là những người ăn kiêng trực giác dành ít bị thu hút bởi đồ ăn hơn. Ngược lại, nhóm ăn kiêng theo lý trí dễ bị ảnh hưởng bởi đồ ăn. Từ đó, họ rất dễ bị dẫn đến hội chứng cuồng ăn và tăng cân trở lại.
BÀI LIÊN QUAN
Thay đổi tư duy ăn uống
Ngoài ra, Sandra chia sẻ: “Tôi đã từ bỏ chế độ ăn kiêng, ngừng lo lắng về cân nặng của mình và học cách ăn uống theo cơ thể mình. Bây giờ tôi ăn bất cứ khi nào cơ thể tôi thấy đói. Và điều ngạc nhiên là tôi đã giảm 10 pound (khoảng 5 ký)”. Vậy, vì sao Sandra lại có thể giảm cân khi không thực hiện chế độ ăn kiêng khắc nghiệt nào? Câu trả lời nằm ở tư duy ăn uống của bạn.
Đầu tiên, hãy lắng nghe cơ thể của bạn thật kỹ. Bên cạnh đó, bạn hãy quên đi về những ám ảnh bởi cân nặng mang lại. Thực tế cho thấy những người có lối sống và ăn uống lành mạnh thì tình trạng tăng cân của họ thấp dù họ có tiêu thụ nhiều thực phẩm hơn.
Vì vậy, hãy tập lắng nghe cơ thể bạn. Bạn hãy thử ngồi xuống bắt đầu bữa ăn mà không mất tập trung. Cảm nhận những tín hiệu của cơ thể bạn khi bắt đầu ăn và để cơn đói quyết định khi nào bạn nên dừng lại. Hãy đi từ một người ăn kiêng cố kiểm soát đến một người ăn uống theo trực quan. Có thể mất khoảng một năm để bạn học được điều này, nhưng nó thực sự đáng giá. Lối tư duy ăn uống này sẽ giúp bạn giảm cân – trừ khi bạn là người ăn ngay khi bạn không đói. Hãy chỉ ăn khi bạn thật sự đói, ăn những gì cơ thể bạn muốn và dừng lại khi cơ thể cảm thấy đủ.
Nhóm thực hiện
Bài: Nguyễn Nhung Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Ảnh: Tổng hợp