Dưới đây là 9 xu hướng tập luyện đáng chú ý nhất trong năm 2025, cùng với sự đồng hành của Apple Watch Series 10 – thiết bị đã cách mạng hóa cách chúng ta tập luyện với các tính năng theo dõi sức khỏe toàn diện. Những xu hướng mới này hứa hẹn sẽ là nền tảng vững chắc giúp bạn định hình, lựa chọn và xây dựng thói quen luyện tập thể dục phù hợp và tối ưu nhất cho chính mình, đồng thời tận dụng tối đa công nghệ để đạt được mục tiêu sức khỏe cá nhân.
1. Ứng dụng kỹ thuật số
Sau đại dịch COVID-19, các chương trình tập luyện trực tuyến và ứng dụng công nghệ số ngày càng trở nên phổ biến nhờ tính tiện lợi và khả năng kết nối mọi lúc, mọi nơi. Trong năm 2025, xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, với nhiều bước tiến vượt bậc như ứng dụng công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality – VR) và thực tế tăng cường (Augmented Reality – AR) vào các bài tập, giúp tạo ra môi trường tập luyện sống động và hiệu quả. Bên cạnh đó, các thiết bị thông minh như máy đo tỷ lệ mỡ cơ thể, đồng hồ thông minh, tai nghe không dây… vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tập luyện và chăm sóc sức khỏe toàn diện.

Đặc biệt, Apple Watch Series 10 ra mắt gần đây đã trở thành người bạn đồng hành lý tưởng trong việc tập luyện, cho phép người dùng dễ dàng kiểm tra tiến độ ngay trên cổ tay, đánh dấu các đoạn tập và thậm chí nghe nhạc trực tiếp từ thiết bị. Với tính năng theo dõi buổi tập luyện được nâng cấp, người dùng còn có thể tùy chỉnh giao diện hiển thị để xem những chỉ số quan trọng nhất với họ.
BÀI LIÊN QUAN
2. Sử dụng thiết bị đeo thông minh
Các thiết bị đeo thông minh đang dần trở thành người bạn đồng hành không thể thiếu của những người yêu thích vận động, các huấn luyện viên thể hình và chuyên gia tư vấn sức khỏe. Không chỉ hỗ trợ thiết lập mục tiêu và lên kế hoạch luyện tập, những thiết bị này còn giúp người dùng theo dõi hiệu suất, duy trì động lực và thử thách bản thân.
Apple Watch Series 10 đã nâng tầm trải nghiệm này với ứng dụng Hoạt động được cải tiến, giúp người dùng theo dõi chuyển động suốt cả ngày thông qua ba vòng màu sắc khác nhau thể hiện tiến độ về đứng lên, vận động, và tập luyện. Người dùng giờ đây có thể thay đổi mục tiêu hoạt động và tùy chỉnh theo từng ngày trong tuần, giúp việc luyện tập trở nên linh hoạt và phù hợp hơn với lịch trình cá nhân. Tính năng Khối lượng tập luyện mới còn cho phép người dùng theo dõi mức độ cường độ tập luyện ảnh hưởng đến cơ thể theo thời gian, từ đó đưa ra quyết định hợp lý hơn về việc điều chỉnh cường độ và thời điểm tập luyện.
Với các huấn luyện viên và các chuyên gia sức khỏe, thiết bị đeo thông minh cũng là một trợ thủ đắc lực trong việc theo dõi các chỉ số hay mức độ vận động của người tập, từ đó đưa ra những hướng dẫn chính xác và hiệu quả hơn. Nhiều influencer trong lĩnh vực thể hình – chăm sóc sức khỏe cũng đặc biệt ưa chuộng thiết bị đeo thông minh, trong đó có Hana Giang Anh – huấn luyện viên thể hình chuyên nghiệp và người truyền cảm hứng về lối sống lành mạnh với hơn 319 nghìn lượt theo dõi trên Instagram. Theo Hana, cô thường sử dụng các thiết bị đeo như Apple Watch để hỗ trợ quá trình tập luyện, chăm sóc sức khỏe và theo dõi giấc ngủ. “Mình đánh giá rất cao Apple Watch vì các tính năng theo dõi sức khỏe, độ thời trang và tiện lợi của Apple Watch” – Hana chia sẻ.
Một gương mặt nổi bật khác là Linn Nguyễn – fitness influencer, chuyên gia tư vấn sức khỏe trực tuyến và là người Việt đầu tiên chiến thắng tại hạng mục Health and Fitness của giải thưởng Influencer Asia 2017. Linn thường xuyên sử dụng thiết bị đeo thông minh để quản lý và theo dõi các hoạt động trong ngày. Với cô, Apple Watch cũng là lựa chọn lý tưởng nhờ tính năng Fitness, giúp phân loại rõ ràng các hoạt động, kiểm tra lượng calo tiêu hao và nhịp tim trong lúc tập luyện. “Nhờ đó Linn sẽ nắm được ngày hôm nay mình đã đốt được bao nhiêu calo cho các hoạt động đó. Điều này sẽ giúp Linn đạt được mục tiêu hình thể tốt hơn và có nhiều thời gian lẫn tinh thần để chơi với các em bé của mình”.
3. Hướng đến người tập ở nhiều độ tuổi
Tạo điều kiện cho người tập ở nhiều độ tuổi khác nhau, nhất là người cao tuổi, tiếp cận quá trình tập luyện một cách an toàn và hiệu quả được dự đoán sẽ trở thành một trong những xu hướng nổi bật của năm 2025. Điều này nhằm hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống, phòng ngừa chấn thương và giảm thiểu các nguy cơ sức khỏe thường gặp do tuổi tác hoặc tình trạng bệnh lý gây ra.
Trong bối cảnh này, ứng dụng Sức Khỏe trên Apple Watch Series 10 đang đóng vai trò quan trọng khi giúp người dùng ở mọi lứa tuổi quản lý thông tin sức khỏe một cách dễ dàng, tập trung và an toàn. Người dùng có thể truy cập các thông tin quan trọng như hồ sơ sức khỏe, đơn thuốc, hoạt động thể chất và giấc ngủ, đồng thời chia sẻ dữ liệu một cách bảo mật với người thân hoặc bác sĩ. Đây là công cụ đặc biệt hữu ích với người cao tuổi, giúp họ và người thân theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe trong quá trình tập luyện.
BÀI LIÊN QUAN
4. Tập luyện chức năng (Functional fitness)
Tập luyện chức năng (Functional fitness) là phương pháp rèn luyện thể chất được thiết kế giúp người tập cải thiện hình thể và xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc, thông qua mô phỏng các động tác thường gặp trong sinh hoạt hằng ngày. Trong năm 2025, phương pháp tập luyện này hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển, trở thành một trong những xu hướng tập luyện được yêu thích.
Hiện nay, tập luyện chức năng bao gồm hai loại hình tập luyện: cường độ thấp và cường độ cao. Tùy vào thể trạng, mục tiêu và điều kiện cá nhân, người tập có thể lựa chọn hình thức phù hợp để đạt hiệu quả cao mà vẫn đảm bảo an toàn cho cơ thể.
Apple Watch Series 10 hỗ trợ đắc lực cho phương pháp tập luyện này với tính năng theo dõi vòng Hoạt Động được cải tiến. Người dùng có thể dễ dàng theo dõi mức độ vận động, số phút tập luyện mỗi ngày và điều chỉnh mục tiêu theo nhu cầu cá nhân. Đặc biệt, khả năng tạm dừng theo dõi và tiếp tục lại bất cứ lúc nào giúp người tập linh hoạt hơn trong việc quản lý lịch trình.
5. Tập sức mạnh (Power training)
Tập sức mạnh (Power training) là phương pháp tập luyện phổ biến trong giới vận động viên chuyên nghiệp, nhưng ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong cộng đồng người tập phổ thông, nhất là những người lớn tuổi. Không chỉ giúp cải thiện khả năng thực hiện các hoạt động hằng ngày như leo cầu thang, phương pháp này còn hỗ trợ nâng cao khả năng giữ thăng bằng, phối hợp vận động và phản xạ. Hơn thế, tập sức mạnh cũng tác động trực tiếp đến các sợi cơ co giật nhanh – nhóm sợi cơ xu hướng suy giảm sớm hơn khi tuổi tác tăng cao, từ đó góp phần duy trì sự ổn định và giảm nguy cơ tai nạn như té ngã.
Một số bài tập Power training hiệu quả năm 2025 gồm: squats (phát triển sức mạnh chân), swing kettlebell (phát triển sức mạnh toàn thân), push press (kết hợp squat và đẩy tạ trên đầu), plyo push-ups (chống đẩy với lực đủ để tay rời mặt đất)…
Với những người tập sức mạnh, tính năng Khối lượng tập luyện trên Apple Watch Series 10 đã trở thành công cụ hữu ích, cho phép theo dõi mức độ cường độ tập luyện ảnh hưởng đến cơ thể theo thời gian. Từ đó, người tập có thể đưa ra những quyết định hợp lý hơn về việc điều chỉnh cường độ và thời điểm tập luyện, đặc biệt quan trọng khi đang chuẩn bị cho một sự kiện lớn hoặc muốn đảm bảo không vượt quá giới hạn an toàn của cơ thể. Đặc biệt, khi thực hiện các bài tập có độ tác động cao, việc theo dõi nhịp tim và lượng calo tiêu hao qua Apple Watch Series 10 giúp kiểm soát tốt hơn cường độ bài tập và thời gian phục hồi.
Xem thêm
• Bí quyết đơn giản giúp bạn ngưng trì hoãn việc tập luyện
• 12 vật dụng bạn nhất định phải trang bị trước khi nhập môn Pickleball
• 5 cách bổ sung probiotic để cải thiện sức khỏe toàn diện
6. Chăm sóc sức khỏe tinh thần
Sức khỏe tinh thần đang ngày càng được nhìn nhận như một phần không thể thiếu trong hành trình xây dựng lối sống khỏe mạnh toàn diện. Do đó, các xu hướng tập luyện hiện nay không chỉ tập trung cải thiện hình thể, mà còn tập trung nuôi dưỡng tinh thần, khuyến khích mỗi người chấp nhận giá trị bản thân và loại bỏ định kiến về cân nặng trong chăm sóc sức khỏe. Song song với các bài tập thể chất, những hoạt động giúp giảm căng thẳng, kiểm soát lo âu và thanh lọc tâm trí cũng đang ngày được chú trọng trong kế hoạch luyện tập cá nhân.
Tại Việt Nam, nhiều người tập và fitness influencer đã chủ động đưa yếu tố tinh thần vào chế độ tập luyện của mình. Huấn luyện viên thể hình Hubert Cù chia sẻ, trong năm 2025, anh đặt mục tiêu duy trì, thúc đẩy thể lực toàn diện và thử thách bản thân hơn nữa. Để đạt được mục tiêu, Hubert cho biết anh đã lên kế hoạch “ngoài 4 tiếng tập sức mạnh, 2–3 tiếng chạy bộ, 30 phút yoga, mình dành 3 tiếng cho môn thể thao pickleball, buộc mình phải vận động phản xạ liên tục, phán đoán và ra quyết định trong tích tắc, đồng thời kết nối với người khác – một yếu tố rất tốt về mặt tinh thần”.
Huấn luyện viên Phước Thắng, người đang theo đuổi ngành Tâm lý học, cũng đặc biệt quan tâm đến yếu tố tinh thần trong lối sống hằng ngày. Ngoài thực hành các bài tập đi bộ và cardio, anh còn duy trì lịch trình ngủ cố định, kết hợp các bài tập tâm lý để điều hòa cảm xúc. Anh tiết lộ rất thích sử dụng ứng dụng Chú tâm (Mindfulness) trên Apple Watch trước mỗi khi đi ngủ. Theo anh, “đó chính là lúc chúng ta chú tâm, sống với thực tại và ghi nhật ký những cảm xúc của mình”.
7. HIIT
Năm 2025, HIIT (High intensity interval training), hay bài tập cường độ cao ngắt quãng, được dự đoán sẽ tiếp tục giữ vững vị trí là một trong những lựa chọn luyện tập hàng đầu. Với thời lượng kéo dài 10-45 phút, HIIT bao gồm các bài tập ở cường độ gần như tối đa, xen kẽ với những khoảng nghỉ ngắn hoặc tập chậm để phục hồi sức lực.
Các bài tập HIIT phổ biến năm 2025 bao gồm: Tabata (20 giây tập cường độ cao, 10 giây nghỉ, lặp lại 8 lần), EMOM (Every Minute On the Minute – thực hiện động tác trong 30-40 giây đầu, nghỉ phần thời gian còn lại của phút), bài tập 30-30 (30 giây tập, 30 giây nghỉ), bài tập 40-20 (40 giây tập, 20 giây nghỉ), AMRAP (As Many Rounds As Possible – hoàn thành càng nhiều vòng càng tốt trong thời gian quy định)…
HIIT đặc biệt phù hợp với những người bận rộn nhưng vẫn muốn tăng cường sức mạnh, cải thiện sức bền, đốt mỡ và giảm cân hiệu quả trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, để tránh quá tải hoặc chấn thương, bạn cần lưu ý chỉ tập luyện với cường độ và tần suất phù hợp, đồng thời dành thời gian cho những ngày nghỉ ngơi và tập phục hồi.
Apple Watch Series 10 đã được nhiều huấn luyện viên HIIT đánh giá cao với tính năng Kiểm tra an toàn, tự động thông báo cho bạn bè hoặc người thân khi người dùng hoàn thành một buổi tập luyện, hoặc sau một khoảng thời gian nhất định. Đặc biệt, người dùng có thể chọn những thông tin mà người nhận được phép xem nếu không hoàn tất Kiểm tra đúng cách. Tính năng này đặc biệt hữu ích đối với những người tập HIIT một mình hoặc tại những địa điểm vắng vẻ, giúp đảm bảo an toàn trong suốt quá trình luyện tập.
8. Phục hồi
Nhu cầu phục hồi sau tập ngày càng được xem như một yếu tố không thể tách rời của quá trình cải thiện sức khỏe và hiệu suất vận động. Một số phương pháp phục hồi phổ biến hiện nay bao gồm lăn cơ bằng con lăn bọt (foam roller), sử dụng máy massage, trị liệu bằng nước lạnh và xông hơi… Những kỹ thuật này được cho là có thể hỗ trợ giảm đau mỏi cơ, rút ngắn thời gian phục hồi và nâng cao hiệu quả tập luyện trong các buổi tập tiếp theo.
Ứng dụng Sức Khỏe trên Apple Watch Series 10 đã bổ sung những hiểu biết mới hữu ích về sức khỏe tinh thần và thể chất, giúp người dùng theo dõi quá trình phục hồi hiệu quả hơn. Khả năng theo dõi giấc ngủ và các chỉ số sức khỏe khác giúp người tập có cái nhìn toàn diện về quá trình phục hồi của cơ thể, từ đó có thể điều chỉnh lịch trình tập luyện phù hợp để tránh tình trạng quá tải.
9. MetCon
MetCon là từ viết tắt của Metabolic Conditioning – một hình thức tập luyện kết hợp giữa các bài tập tim mạch và sức mạnh nhằm thúc đẩy quá trình trao đổi chất và nâng cao sức bền. Mỗi buổi tập MetCon thường kéo dài khoảng 10-30 phút, gồm các bài tập được thực hiện liên tục với rất ít thời gian nghỉ. Đây là lựa chọn lý tưởng cho những ai đang đặt mục tiêu cải thiện thể lực toàn diện, đồng thời duy trì sự hứng thú trong suốt quá trình luyện tập.
Với các bài tập MetCon đòi hỏi nhiều về mặt tim mạch, Apple Watch Series 10 mang đến trải nghiệm theo dõi hoạt động nâng cao, cho phép người dùng kiểm soát chính xác nhịp tim, calo tiêu hao và hiệu quả tổng thể của buổi tập. Khả năng tùy chỉnh giao diện hiển thị khi tập luyện còn giúp người dùng tập trung vào những chỉ số quan trọng nhất, tạo ra trải nghiệm tập luyện hoàn toàn cá nhân hóa và hiệu quả.
Nhóm thực hiện
Bài: Khiết Minh
Tham khảo: ACE Fitness; F45 Training