Lifestyle / Bí quyết sống

3 trụ cột chính làm nên cuộc sống hạnh phúc và trọn vẹn

Hạnh phúc là một khái niệm có thể được định nghĩa bằng vô vàn lý thuyết và quan điểm khác nhau. Nhưng tựu trung, để đạt được hạnh phúc trọn vẹn và lâu bền, mỗi chúng ta thường có thể cải thiện qua ba yếu tố chính: sức khỏe, mối quan hệ và mục đích sống.

Theo nhà tâm lý học Mihaly Csikszentmihalyi trong tác phẩm Flow: The Psychology of Optimal Experience, hạnh phúc không phải là thứ có sẵn, mà là kết quả của hành động và sự lựa chọn của chính bạn. Vậy đã bao giờ bạn tự hỏi điều gì khiến bản thân cảm thấy hài lòng về cuộc sống? Với một số người, niềm vui đôi khi đến từ những khoảnh khắc đơn giản như một ngày trời đẹp hay một bữa ăn ngon, trong khi đối với số khác đó lại có thể là chinh phục một mục tiêu quan trọng hay đạt được một cột mốc đáng nhớ trong đời. Quan trọng hơn, cảm xúc này đã gây một tác động tích cực không ngờ đến chất lượng cuộc sống của bạn.

Sức khỏe – Chăm sóc cho cơ thể và tâm trí

1. Chăm chỉ tập thể dục

Hoạt động thể chất có vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe và tăng cường trạng thái tinh thần bởi nó giúp cơ thể chúng ta sản sinh endorphin – một loại hormone có tác dụng cải thiện tâm trạng và giảm căng thẳng. Bên cạnh đó, việc tập luyện đều đặn còn giúp nâng cao chất lượng giấc ngủ và tăng cường hệ miễn dịch. Điều này có thể được lý giải rằng khi bạn vận động thường xuyên, cơ thể sẽ nhận biết rõ ràng hơn khi nào cần tỉnh táo và khi nào cần nghỉ ngơi, từ đó nó sẽ tự điều chỉnh nhịp sinh học, giúp bạn dễ dàng đi vào giấc ngủ và ngủ sâu hơn.

cô gái có cuộc sống hạnh phúc tập thể thao
Ảnh: Pexels/Vitaliy Nomad

2. Chế độ dinh dưỡng lành mạnh

Bạn có biết, chế độ ăn uống có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất và tinh thần do mối quan hệ mật thiết giữa dinh dưỡng, chức năng cơ thể và hoạt động của não bộ? Chẳng hạn, carbohydrate từ ngũ cốc nguyên hạt, protein từ thịt nạc, cá và chất béo lành mạnh từ các loại hạt giúp cơ thể cảm thấy nhẹ nhàng, khỏe khoắn hơn. Nếu chế độ ăn thiếu hụt hoặc mất cân bằng như tiêu thụ quá nhiều đường hoặc thực phẩm chế biến sẵn, bạn có thể bị suy giảm năng lượng, dễ mệt mỏi và luôn trong tình trạng kiệt sức.

Bên cạnh đó, ruột và não bộ có mối liên hệ mật thiết thông qua trục ruột – não. Hệ vi sinh vật đường ruột đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất các chất dẫn truyền thần kinh, ảnh hưởng đến tâm trạng và nhận thức. Vì vậy, bạn nên bổ sung thực phẩm giàu probiotic (vi khuẩn có lợi) như sữa chua, kim chi, dưa muối và prebiotic (chất xơ nuôi dưỡng lợi khuẩn) từ tỏi, hành, yến mạch, chuối… giúp cải thiện hệ vi sinh vật đường ruột, từ đó hỗ trợ sản xuất serotonin và dopamine – hai chất dẫn truyền thần kinh quan trọng trong việc điều chỉnh tâm trạng. Đồng thời, bạn cần hạn chế hạn chế tiêu thụ đường tinh luyện, thực phẩm chế biến sẵn và rượu bia để tạo nền tảng cho sức khỏe thể chất và tinh thần ổn định hơn.

3. Quản lý căng thẳng hiệu quả

Căng thẳng kéo dài không chỉ tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất mà còn làm suy giảm chất lượng cuộc sống, gia tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tinh thần như lo âu và trầm cảm. Khi cơ thể liên tục ở trong trạng thái căng thẳng, hệ thần kinh sẽ kích hoạt phản ứng “chiến đấu hoặc bỏ chạy” (fight-or-flight), làm tăng nồng độ hormone căng thẳng như cortisol và adrenaline. Nếu tình trạng này kéo dài, bạn có thể gặp phải nhiều hệ lụy về sức khỏe, như làm suy giảm hệ miễn dịch, rối loạn tiêu hóa, gia tăng nguy cơ tim mạch và các chứng lo âu, trầm cảm.

Vì vậy, việc dành thời gian để thực hành các phương pháp giảm căng thẳng như thiền, yoga, chánh niệm hay đơn giản là hít thở sâu sẽ là một cách thiết thực giúp bạn chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất của mình. Chẳng hạn, thực hành thiền có thể điều chỉnh hơi thở, làm dịu hệ thần kinh và đưa tâm trí bạn trở về trạng thái cân bằng. Ngồi thiền chỉ 5-10 phút mỗi ngày sẽ có tác dụng giảm lo âu, nâng cao khả năng tập trung và cải thiện tâm trạng của bạn một cách đáng kể.

cô gái tóc nâu tập yoga để quản lý căng thẳng
Ảnh: Pexels/LeeLoo The First

4. Đảm bảo chất lượng giấc ngủ

Khi bạn ngủ, cơ thể sẽ bước vào quá trình sửa chữa và tái tạo mô, sản xuất protein và kích thích sự phát triển của các tế bào mới. Đây là thời điểm cơ thể phục hồi những tổn thương do căng thẳng, hoạt động thể chất hoặc bệnh tật gây ra, do đó nếu bạn ngủ đủ giấc, bạn sẽ cảm thấy tràn đầy năng lượng, tâm trạng ổn định một cách đáng ngạc nhiên, khả năng tập trung được cải thiện một cách đáng kể.

​Theo khuyến cáo từ Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia Hoa Kỳ (National Sleep Foundation – NSF), một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập với sứ mệnh nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của giấc ngủ đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống, người trưởng thành khỏe mạnh cần ngủ từ 7 đến 9 giờ mỗi đêm để đảm bảo cơ thể được nghỉ ngơi đầy đủ. Cụ thể, NSF khuyến cáo người trưởng thành (từ 18 đến 64 tuổi) nên ngủ từ 7 đến 9 giờ mỗi đêm để đảm bảo sức khỏe tối ưu. Đối với người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên), thời lượng giấc ngủ khuyến nghị là từ 7 đến 8 giờ mỗi đêm.

cô gái hạnh phúc ngủ đủ giấc
Ảnh: Pexels/cottonbro studio

Thiếu ngủ không chỉ làm tăng nguy cơ béo phì, bệnh tim mạch mà còn góp phần làm trầm trọng thêm các vấn đề về tâm lý như trầm cảm và lo âu. Điều này đồng nghĩa với việc chất lượng giấc ngủ kém không chỉ gây hại trực tiếp cho sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến khả năng duy trì cảm giác hạnh phúc trong cuộc sống hàng ngày.

Để cải thiện chất lượng giấc ngủ, bạn có thể duy trì một lịch trình ngủ đều đặn, hạn chế tiếp xúc với màn hình và ánh sáng xanh trước khi ngủ và xây dựng môi trường ngủ phù hợp. Một không gian ngủ tối, yên tĩnh và thoải mái sẽ giúp bạn dễ dàng đi vào giấc ngủ sâu hơn. Những điều chỉnh này có thể góp phần nâng cao chất lượng giấc ngủ, hỗ trợ sức khỏe thể chất và tinh thần một cách bền vững.

Mối quan hệ – Xây dựng những kết nối có giá trị và ý nghĩa

1. Mối quan hệ lành mạnh là nền tảng của hạnh phúc

Những mối quan hệ xã hội lành mạnh không chỉ góp phần tạo nên cảm giác hạnh phúc mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tổng thể của một người. Khi có sự gắn kết và hỗ trợ lẫn nhau, chúng ta sẽ giảm bớt mức độ căng thẳng, cải thiện sức khỏe thể chất và thậm chí có thể kéo dài tuổi thọ, tạo nên một cuộc sống cân bằng và trọn vẹn hơn.

Bên cạnh đó, một nghiên cứu đăng trên Journal of Social Psychology đã chỉ ra rằng những người duy trì các mối quan hệ xã hội lành mạnh thường ít cảm thấy cô đơn và có khả năng kiểm soát cảm xúc tốt hơn. Sự kết nối với những người thân yêu không chỉ mang lại niềm vui mà còn tạo cảm giác an toàn, giúp họ trở nên tự tin hơn.

những cô gái có tình bạn hạnh phúc và bền vững
Ảnh: Pexels/KoolShooters

2. Lập ra giới hạn và học cách tự chăm sóc bản thân

Trong cuộc sống hiện đại, việc thiết lập ranh giới cá nhân là điều cần thiết để duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần ở mức ổn định. Khi bạn biết đặt ra giới hạn và ưu tiên nhu cầu cá nhân, bạn có thể bảo vệ bản thân không bị kiệt sức và tránh để hệ thần kinh hoạt động quá tải.

Đầu tiên, bạn nên xác định giờ làm việc cố định và tránh làm việc ngoài giờ trừ khi thật sự cần thiết hay trong tình huống khẩn cấp. Bởi nếu bạn không có giới hạn rõ ràng về thời gian làm việc, bạn sẽ rơi vào tình trạng luôn phải xử lý công việc ngay cả khi đã kết thúc giờ hành chính, dẫn đến cảm giác kiệt sức, mất động lực và giảm hiệu suất. Chẳng hạn, bạn có thể liên tục nhận được tin nhắn, email từ đồng nghiệp hoặc cấp trên vào buổi tối, thậm chí cả vào ngày nghỉ cuối tuần, từ đó cảm thấy áp lực phải phản hồi ngay lập tức luôn thường trực, khiến bộ não bạn không còn phân biệt rõ ràng giữa thời gian làm việc và thời gian nghỉ ngơi, gây ra tình trạng mệt mỏi kéo dài và dễ rơi vào tình trạng kiệt sức (burn out).

cô gái tóc ngắn thiết lập ranh giới cá nhân khi làm việc
Ảnh: Pexels/Mikhail Nilov

Tiếp đến, ranh giới cá nhân chỉ có hiệu quả khi bạn truyền đạt chúng một cách rõ ràng với những người xung quanh. Dù đó là trong mối quan hệ gia đình, bạn bè, hay công việc, nếu bạn không nói ra, người khác sẽ không thể biết bạn cần gì và giới hạn của bạn ở đâu. Do đó, khi bạn cần không gian riêng tư, hãy dũng cảm nói ra điều bạn cảm thấy không thoải mái thay vì im lặng chịu đựng hoặc hy vọng người khác tự nhận ra. Ví dụ, nếu ai đó thường xuyên nhờ vả quá mức hoặc làm phiền vào thời gian nghỉ ngơi của bạn, bạn có thể nói: “Mình rất muốn giúp, nhưng hiện tại mình không có đủ thời gian để đảm nhận thêm việc này”.

Nếu bạn bắt đầu vạch ra ranh giới cá nhân, không phải tất cả mọi người đều dễ dàng chấp nhận ranh giới của bạn, đặc biệt là nếu những người này đã quen với việc bạn luôn sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của họ. Một số người có thể phản ứng bằng sự khó chịu, trách móc hoặc cố gắng thuyết phục bạn thay đổi. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn phải từ bỏ ranh giới của mình để làm hài lòng người khác. Nếu một người thực sự tôn trọng bạn, họ sẽ hiểu và điều chỉnh hành vi của mình. Và ngược lại, khi bạn nhận thấy ai đó liên tục không tôn trọng ranh giới của bạn dù bạn đã giao tiếp rõ ràng, có lẽ đó là dấu hiệu cho thấy họ không phải là người phù hợp để cùng bạn tạo nên một mối quan hệ lành mạnh.


Xem thêm

4 cuốn sách giúp bạn trở thành phụ nữ hiện đại hạnh phúc

5 bài học xây dựng cuộc sống hạnh phúc từ người dân Đan Mạch

4 nguyên tắc trong đạo Phật giúp cuộc sống của bạn an nhiên và hạnh phúc hơn


3. Đầu tư vào những mối quan hệ thật sự quan trọng

Thay vì dàn trải năng lượng vào những mối quan hệ hời hợt, bạn có thể dành nhiều thời gian và tâm trí hơn để nuôi dưỡng những kết nối thực sự quan trọng trong cuộc sống, chẳng hạn như gia đình và những người bạn thân thiết, từ đó bạn sẽ xây dựng được nền tảng cảm xúc vững chắc, có sự hỗ trợ tinh thần tốt hơn và cảm thấy hạnh phúc hơn về lâu dài.

Trong tâm lý học xã hội, lý thuyết gắn bó (Attachment Theory) đã chỉ ra rằng chất lượng của các mối quan hệ có tác động mạnh mẽ đến sức khỏe tinh thần và thể chất. Từ đó, việc duy trì quá nhiều mối quan hệ không có chiều sâu có thể khiến bạn rơi vào trạng thái cô đơn ngay cả khi có nhiều tương tác xã hội, bởi sự kết nối cảm xúc không được thiết lập một cách bền vững. Để ưu tiên nuôi dưỡng những mối quan hệ có chất lượng, bạn có thể bắt đầu bằng việc xác định những người thực sự quan trọng trong cuộc sống của bản thân – những người bạn có thể tin tưởng, chia sẻ và cảm thấy an toàn khi ở bên.

Hai cô gái hạnh phúc mặc đầm trắng hái hoa trong rừng
Ảnh: Pexels/Ron Lach

Mặt khác, bạn nên bắt đầu tập trung vào những mối quan hệ này bằng cách chủ động duy trì sự kết nối qua những cuộc gặp trực tiếp hoặc những cuộc trò chuyện có chiều sâu. Việc nuôi dưỡng những mối quan hệ có ý nghĩa là một quá trình dài hạn đòi hỏi sự đầu tư về thời gian, cảm xúc và sự chân thành. Khi bạn thực sự dành tâm huyết để xây dựng và duy trì những kết nối sâu sắc, bạn sẽ nhận ra rằng chất lượng của các mối quan hệ đóng vai trò quan trọng không kém gì thành công cá nhân. Một cuộc sống hạnh phúc và trọn vẹn không chỉ được đo lường bằng những gì bạn đạt được, mà còn bởi những con người luôn đồng hành và chia sẻ cùng bạn trên hành trình đó.

Mục đích sống – Khám phá đam mê và giá trị của bạn

1. Theo đuổi đam mê

Khi bạn dành thời gian cho những hoạt động mang lại niềm vui và sự hứng khởi cho bản thân, bạn sẽ có cơ hội kết nối sâu hơn với chính mình và cải thiện sức khỏe một cách đáng kể. Đam mê thường gắn liền với những kỹ năng, điểm mạnh và sở thích tự nhiên của bạn, giúp bạn phát huy tối đa khả năng của bản thân, do đó theo đuổi đam mê tức là bạn đang làm điều mình yêu thích, từ đó tạo ra giá trị từ chính thế mạnh và nguồn cảm hứng của mình. Điều này không chỉ giúp bạn đạt được thành công trong công việc mà còn mang lại sự cân bằng và hạnh phúc trong cuộc sống.

Viktor Frankl, nhà tâm lý học nổi tiếng và tác giả của cuốn sách Man’s Search for Meaning (tựa Việt: Đi tìm lẽ sống), đã nhấn mạnh rằng một trong những yếu tố then chốt để đạt được hạnh phúc là tìm ra mục đích sống – một điều gì đó khiến bạn cảm thấy cuộc đời này thật sự có ý nghĩa. Khi theo đuổi đam mê, bạn không chỉ làm việc với trái tim mà còn cảm nhận được sự kết nối sâu sắc với thế giới xung quanh.

2. Giúp đỡ người khác

Mọi người chồng tay lên nhau
Ảnh: Unsplash/Hannah Busing

Một cuộc sống có ý nghĩa là khi nó gắn liền với những đóng góp của bạn cho cộng đồng và xã hội. Như Mahatma Gandhi đã từng nói, “hạnh phúc là khi bạn làm cho người khác hạnh phúc”. Châm ngôn này nhắc nhở chúng ta rằng sự cống hiến cho người khác không chỉ mang lại lợi ích cho họ, mà còn là một yếu tố quan trọng giúp chúng ta cảm thấy hài lòng với cuộc sống của mình.

Hãy thử tham gia vào các hoạt động tình nguyện tại cộng đồng nơi bạn sinh sống, từ đó khám phá những lĩnh vực mà bạn có thể đóng góp. Biết đâu, những kỹ năng và sở trường của bạn thật sự có thể mang lại sự thay đổi tích cực cho cuộc sống của ai đó? Và khi bạn làm cho cuộc sống của người khác trở nên tốt đẹp hơn, chính bạn cũng đang làm cho cuộc sống của mình trở nên phong phú và ý nghĩa.

3. Không ngừng học hỏi và phát triển bản thân

Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng việc học tập suốt đời và phát triển bản thân không chỉ cải thiện sức khỏe tinh thần, mà còn mang lại sự tự tin và gia tăng mức độ hài lòng của bạn với cuộc sống. Một trong những lý do khiến điều này đem lại cảm giác hạnh phúc chính là khả năng mở rộng tầm nhìn và hiểu biết. Khi bạn liên tục khám phá ra các khả năng tiềm ẩn trong chính mình, bạn sẽ nhận thấy những cơ hội để bản thân đóng góp cho cộng đồng. Từ đó, theo đuổi việc học và thử thách bản thân không ngừng chính là chìa khóa để đạt được cảm giác thỏa mãn, cũng như một cuộc sống trọn vẹn và ý nghĩa hơn.

Nhóm thực hiện

Bài: Tiêu Ngọc

Tham khảo: Learning Mind

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)