4 phẩm chất cần có nếu bạn muốn theo đuổi nghề giáo viên
Chắc hẳn trong số các bạn đọc tạp chí ELLE có những người thầy, người cô đang làm công tác giảng dạy. Đối với ELLE, nghề dạy học là một nghề cao quý và những người thầy chính là những người góp phần quan trọng trong việc đào tạo thế hệ trẻ xây dựng đất nước.
Hẳn là mỗi công việc đều cần những đặc trưng riêng trong tính cách để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đặc biệt là nghề giáo, một công việc “trồng người” thì càng cần có những phẩm chất nhất định để có thể đào tạo những nhân tài cho đất nước.
Nhân ngày 20/11, ELLE chia sẻ đến bạn 4 phẩm chất quý báu cần có nếu bạn muốn theo đuổi nghề giáo viên.
1. Độc lập
Đối với nghề giáo viên, đây là điều kiện quan trọng để có thể triển khai công việc giảng dạy một cách độc lập. Người thầy, người cô cũng giống như một điểm tựa của học sinh. Cho dù bạn là giáo viên kỳ cựu hay chỉ mới là người thầy trẻ vừa đứng trên bục giảng thì trong mắt các học trò, bạn vẫn là cây đại thụ trung tâm để các em nhìn vào đó học tập. Ngoài việc giảng dạy, khi xử lý bất cứ vấn đề nào, người thầy cũng phải có khả năng đưa ra quyết định và phương án giải quyết. Dù tình huống nào xảy ra, người thầy cần vững vàng, không thể tỏ ra hoảng loạn, rối trí.
2. Nhiệt tình, cởi mở
Giáo dục là nghề lấy con người làm đối tượng, điều quan trọng nhất là phải có một trái tim nồng ấm, thiện đãi với người. Trong quá trình giảng dạy, một giáo viên đầy lửa nhiệt tình, cởi mở vui vẻ mới dễ gần gũi với học trò, xử sự hòa nhã với lòng yêu thương và quan tâm tận tình dành cho học sinh của mình. Thử nghĩ xem, nếu người giáo viên có tính cách quá trầm ngâm, lại bi quan, lạnh lùng và thiếu sự cảm thông thì tự nhiên sẽ tạo sự xa cách giữa trong quan hệ thầy trò. Khi đã có bức tường vô hình trong tâm lý thì học sinh sẽ cảm thấy chán học, không muốn chia sẻ tâm tư, khó khăn với thầy cô; ngược lại người thầy, người cô ấy cũng khó giảng dạy hiệu quả và trong lòng cũng khó xử, buồn phiền.
3. Tinh tế, nhẫn nại và điềm tĩnh
Để nhào nặn được tâm hồn của con người là việc cực kỳ khó khăn và đòi hỏi sự tinh tế, nhẫn nại và điềm tĩnh trong mọi tình huống. Đặc biệt lứa tuổi học trò với tâm sinh lý còn chưa phát triển toàn diện thì người giáo viên càng phải có lòng kiên tâm, bền bỉ và thấu hiểu hơn nữa. Chỉ có như vậy, người thầy mới đủ năng lực truyền lửa học tập, thậm chí là sửa đổi sai lầm của học sinh, từng bước giúp các em hoàn thiện hơn cả về tri thức lẫn nhân cách.
4. Chân thành, chính trực, ôn hòa và rộng lượng
Nhà văn Lỗ Tấn đã từng nói: Một trong những tố chất quan trọng nhất trong nhân cách con người chính là chữ “Thành”, và ý nghĩa của chữ này càng được yêu cầu cao hơn đối với nghề giáo viên. Khi người thầy đối đãi với học trò một cách chân thành, với trái tim đầy thiện chí mới có thể đổi lại được sự tin cậy và thừa nhận từ học sinh. Nếu như “Thành” là nền tảng của tình yêu thương thì “Chính” là hạt nhân trong cách đối nhân xử thế. Tâm lý của các em học sinh thường rất ghét bị đối xử thiếu công bằng, vì vậy người thầy cần có thái độ và cách cư xử công chính, bình đẳng với từng học trò mới khiến các em thật sự “phục” và dễ nghe lời hơn. Ngoài ra, người giáo viên còn cần một trái tim bao dung khi đối mặt với lỗi lầm, hành vi tiêu cực của học trò, bình tĩnh giảng giải đúng sai và giúp các em sửa đổi.
—
Xem thêm
Sự thành công & Những nguyên tắc mặc định
Niềm đam mê có cần bằng cấp để thành công?
Bài: Tạ Lê Phương / Ảnh: Sưu tầm