4 tư tưởng cản trở cơ hội làm giàu của bạn
Dù cố gắng thế nào bạn cũng giậm chân tại chỗ, đó chưa hẳn là do “ông trời”, rất có thể bạn đang vướng vào những tư tưởng phổ biến, khiến bản thân không có cơ hội làm giàu.
Karin – nhà chiêm tinh khá nổi tiếng của Nhật ngoài khả năng huyền thuật, còn được biết đến với cách nhìn người khoa học và khách quan từ kinh nghiệm thực tế của mình. Theo bà, rất nhiều người gặp phải bất hạnh đều luôn đổ lỗi cho “số phận đen đủi” nhưng thực tế đó chỉ là nhược điểm trong suy nghĩ chủ quan của họ. Bà đã chỉ ra 4 tư tưởng phổ biến khiến người ta mãi không giàu nổi.
Trong các khía cạnh mà bà Karin từng thực hiện chiêm tinh cho người khác, ngoài chuyện tình cảm, công việc, “tiền bạc” là thứ mà rất nhiều người muốn biết cho tương lai của mình. Karin nhấn mạnh, bất luận bạn than thở rằng bản thân khốn khổ và túng thiếu hoặc ngưỡng mộ, ghen tỵ cuộc sống đầy đủ của người khác, thì thực chất đều là không hiểu được chính bản thân mình. Bạn chỉ nhìn thấy những khiếm khuyết, thất bại và luôn cảm thấy mình bất hạnh, than thân trách phận và đổ lỗi tại “ông trời”. Thực tế, trước hết bạn cần thay đổi tư tưởng của mình nếu như muốn có cơ hội làm giàu và thành công.
.
“Tôi không có ông bố giàu có, vận tài lộc cũng không có”
Chắc hẳn không ít người đều đã từng hoặc đang có suy nghĩ rằng: “Từ nhỏ mình lớn lên trong gia đình nghèo khó, không có tiền để học trường tốt nên không thể vào một công ty tốt và lương cao, cố gắng lắm chỉ đủ sống qua ngày. Mình rất muốn có nhiều tiền nhưng vốn không có cơ hội làm giàu. Chắc số mình không có tài lộc”.
Bà Karin lý giải rằng căn nguyên bạn không có tiền là “Hiện tại bạn đang hoàn toàn bị chi phối và giam hãm trong ý nghĩ chủ quan giữa ‘Nếu có tiền thì tốt rồi’ và ‘Tất cả lỗi đều do bố mẹ mình’”.
Khi bạn luôn nghĩ “Nếu có tiền thì tốt rồi” sẽ cảm thấy rằng “Phải có tiền trước rồi mới có thể làm những việc quan trọng khác”. Trong khi thực tế, đó chỉ là cái cớ để bạn không chịu cố gắng và chỉ thích ngồi “ôm cây đợi thỏ”. Mặt khác, suy nghĩ “Tất cả đều là tại bố mẹ” sẽ dần biến thành “Cả thế giới này đều bất công”, khiến bạn lúc nào cũng mang tâm trạng bực dọc, thích phàn nàn và oán trách người khác. Từ đó tâm lý bạn sẽ hình thành thói tự tư, lười biếng, hay kể khổ nhưng không bao giờ chịu chủ động phấn đấu.
“Tài lộc là do bản thân tìm kiếm, tiền không thể chảy vào túi của người không có mục tiêu”, đây là điều mà nhà chiêm tinh Karin khuyến cáo. Nếu muốn trở nên giàu có, trước hết bạn cần tự hỏi chính mình: “Tôi của hiện tại có mục tiêu sống hay không?”. Khi một người có mục tiêu và biết hành động hiện thực hóa nó, họ sẽ có động lực phấn đấu và tài lộc tự nhiên sẽ tìm đến.
.
“Tôi không nên tranh giành lấy thù lao xứng đáng”
“Tôi cảm thấy bất mãn vì nỗ lực không được đền đáp xứng đáng, cũng không biết cách tranh giành với đối phương, cuối cùng luôn vất vả mà không có được bao nhiêu…”, những suy nghĩ này theo bà Karin là do bạn nuôi “ác cảm với đồng tiền”. Có thể trong quá trình trưởng thành, bạn được “nhồi nhét” những tư tưởng kiểu như “quá đam mê đồng tiền sẽ không có kết quả tốt”, “suốt ngày chỉ có tiền là người tệ hại” hoặc “Cậu hay tính toán chuyện tiền bạc quá đấy” v.v…
Tiền không phải là vạn năng nhưng “Đồng tiền thực ra là người bạn tốt của chúng ta”, bà Karin nhấn mạnh. Bạn nên nhớ, xa xỉ hay phung phí là không nên nhưng bản thân đồng tiền không phải xấu. Vì vậy, muốn sở hữu cơ hội làm giàu, trước hết bạn cần buông xuống ác cảm với đồng tiền, cần phải tự tin với thành quả mình bỏ ra và xứng đáng nhận được thù lao tương xứng. Nếu mọi phấn đấu của bạn không được đặt trên nền tảng chí tiến thủ tích cực thì sẽ phí hoài công sức, khiến bạn ngày càng mệt mỏi và mất niềm tin.
.
“Tôi không nên từ chối cho người khác mượn tiền”
Người thân, bạn bè có lúc khó khăn sẽ nhờ bạn giúp đỡ tiền bạc và chưa lần nào bạn từ chối dù kết quả từng bị lừa gạt hay đối phương thất hứa, thậm chí còn tỏ thái độ không vui khi bạn nhắc chuyện hoàn trả?
Bà Karin cho biết, kỳ thực bạn không dám từ chối việc cho người khác mượn tiền không phải là bạn ngu ngốc mà là do bạn không muốn bị ghét bỏ, đây cũng là điểm yếu trong tâm lý của nhiều người. Tuy nhiên, điểm yếu này cũng khiến bạn trở nên khó khăn hơn trong cuộc sống và con đường tiến đến cơ hội làm giàu của mình, bởi vì bạn luôn nghĩ “cứ cho người khác mượn tiền thì mình sẽ được yêu mến”, nói cách khác bạn đang dùng đồng tiền như điều kiện giao dịch với các mối quan hệ.
“Đủ sống là được rồi, tại sao tôi phải nỗ lực làm việc kiếm nhiều tiền”
Bạn không có nhiều tham vọng, cuộc sống cũng đơn giản, thậm chí còn không quan trọng việc kết hôn, sinh con, cho nên bạn cảm thấy an phận là tốt hơn, tại sao phải cố gắng làm việc khi mình không cần nhiều tiền?
.
Bà Karin phân tích: “Đích thực, làm việc là để kiếm tiền, nhưng mục đích thực sự của công việc là giúp bạn bước ra ngoài xã hội và mở rộng tầm nhìn, làm đầy vốn sống”. Kỳ thực, bạn không có mục tiêu sống nên luôn cảm thấy làm việc chỉ là hoàn thành những nhiệm vụ được giao và cuối tháng nhận lương. Bạn chỉ sống trong thế giới nhỏ bé của bản thân, cho nên không hiểu được những giá trị khác xung quanh công việc, chẳng hạn như các mối quan hệ được xây dựng, những kiến thức kỹ năng được bồi dưỡng, những giá trị vật chất có thể giúp đỡ người khác từ đồng tiền mà bạn làm việc mang lại v.v…
__
Xem thêm:
Yêu bằng cả trái tim – Công thức của sự thành công
Bài: KHANG NINH / Hình ảnh: sưu tầm