6 cách kiềm chế cảm xúc khi có xung đột giữa các cặp đôi
Chẳng ai thích bùng phát chiến tranh với “người ấy”. Cũng không ai mơ mộng đến mức nghĩ rằng yêu và sống cùng nhau luôn là chuyện tốt đẹp.
Tranh cãi là điều không tránh khỏi, chúng ta phải chấp nhận đó là một phần khi bước vào mọi mối quan hệ. Rất nhiều lần đám cháy lớn lan đi từ những mồi lửa rất nhỏ. Làm sao để giập tắt mồi lửa và tránh những cãi vã không đáng giữa cả hai, nhất là khi bạn có ý định dành thời gian gắn bó lâu dài với một ai đó? Hãy nghĩ nhiều về những xung đột có thể thường xảy ra. Bạn sẽ làm gì khi có “chiến tranh”? Hãy chia sẻ cùng ELLE.
.
Dưới đây là 6 cách kiềm chế cảm xúc khi có xung đột giữa các cặp đôi, hi vọng các bạn đọc và tham khảo:
1. Không nên nói cho sướng miệng
Allison Renner, một blogger cho biết kinh nghiệm của cô là hầu hêt trong mọi cơn giận, chúng ta luôn đổ đồng tội lỗi cho đối phương với một vài cụm từ hết sức chung chung, mang tính phủ nhận họ. “Anh/cô luôn thế này…”, “Anh/cô không bao giờ làm thế kia”. Cách đổ đồng thường là không thuyết phục và có thể khơi ra thêm nhiều cuộc đổ lỗi và lý do bất đồng khác khiến cãi vã kéo dài hoặc rẽ theo chiều hướng xấu. Thay vì thế, nếu bạn khó chấp nhận điều gì lúc đó, hoặc những việc thật sự có liên quan hãy chỉ điểm một cách cụ thể. Thêm nữa, một câu nói, một từ ngữ đâu phải chúng ta không ý thức được nó quan trọng, là mồi lửa nguy hiểm. Nhưng trong cơn giận chẳng ai hơi sức đâu mà ngồi lựa từ. Nếu không thể như vậy thì đừng gắng nhấn mạnh từ mà ta thừa biết chỉ là “sướng” miệng, hay chỉ để hả giận. Cuộc đáp trả sẽ rất kinh khủng, mọi thứ sẽ không dừng lại.
.
2. Hãy bày tỏ để được thấu hiểu chứ không tranh luận để thắng
Đàn ông cần được lắng nghe và phụ nữ muốn được nhường nhịn. Ai hiểu nguyên tắc này người đó mới thắng. Sự hăng máu, muốn giành phần thắng rất khó kìm hãm một khi lên đến cao trào. Làm gì đây? Hạ thấp giọng xuống một tông. Bày tỏ cho người đối diện biết tín hiệu bạn muốn lắng nghe họ vì bạn cũng có nhu cầu được họ lắng nghe. Hãy học cách hạ thấp tông giọng, bạn sẽ thấy có rất nhiều lợi thế và cơ hội hóa giải không khí căng thẳng từ đó.
3. Hài hước là một vũ khí
Nó thật sự là một vũ khí nếu bạn đủ tinh tế. Khi pha trò trong một câu nói thật ra là mang ý mỉa mai, người ta sẽ bật cười. Tiếng cười xóa đi căng thẳng và dễ khiến cả hai phát hiện ra mình đang ở trong một cuộc chiến hết sức ngu ngốc. Vì cuối cùng mục đích sẽ là gì, từ đâu dẫn đến cao trào này? Có đáng để mất sức và mất thời gian với nó? Nhưng lưu ý, nếu là một vấn đề nghiêm trọng, sự hài hước có thể tố cáo tội vô tâm. Dù sao chẳng ai muốn rời bỏ một người đàn ông hay một phụ nữ biết cách làm cả hai trở nên vui vẻ.
.
4. Đừng bỏ đi
Câu thần chú “giận quá mất khôn” bao đời truyền lại thường kèm lời nhắn nhủ hãy rời khỏi “chiến trường” lúc bừa bộn nhất để khuây khỏa mà bình tĩnh trở lại. Nhưng bài viết này đề cao những lựa chọn dám ở lại. Thật ra rủi ro dẫn dến cuộc bùng phát sau khi bạn bỏ đi hay ở lại là 50-50. Tuy nhiên ở lại thể hiện sự tôn trọng, can đảm và khả năng đối mặt. Chí ít không tạo cho người còn lại cảm giác “bị bỏ rơi”.
5. Nói bằng ánh mắt và chạm bằng cả cơ thể
Bạn có thể cho rằng người viết bài này cố ý “ngôn tình hóa” những mặt trái trong mối quan hệ giữa hai người. Cuộc sống quay cuồng, đầy rẫy những trách nhiệm và thách thức. Bản thân mỗi người cần được giải tỏa bằng một cái ôm chứ không phải một cơn giận hay những lời xỉ vả cho thỏa trách móc, dỗi hờn. Nói thật đi, sau khi thỏa mãn xả được “cơn lũ” trong lòng, đối phương không có khả năng đáp trả. Bạn thắng rồi bạn thấy vui không ? Chưa kể, những cay độc đã thốt ra sẽ không bao giờ là “lời nói gió bay” mà là “vết hằn” đối với người còn lại. Người biết dùng ánh mắt biểu hiện thì khác. Lựa chọn ít lời là một thái độ đáng tôn trọng. Thậm chí tiến đến ôm lấy kẻ mình đang rất căm ghét thể hiện rất nhiều bản lĩnh. Hãy bộc lộ sự căm ghét khi ôm nhau thử xem. Bạn vỗ về người ấy đến mức nào. Tất nhiên, đó là trường hợp tình yêu chân thành. Vậy lúc nào thì không chân thành. Là đến lúc họ hoặc bạn lặp đi lặp lại hành động đó quá nhiều lần trong nhiều cuộc cãi vã chỉ về một vấn đề. Sau mỗi “cuộc chiến” ai cũng muốn trở nên tốt hơn. Bản thân tốt hơn và cuộc sống gắn bó cùng nhau tốt hơn vậy thì phải có cam kết thay đổi.
.
6. Lập “Hiệp ước hòa bình”
Allison Renner nhấn mạnh, một khi cả hai đã cùng thỏa hiệp, cùng thương lượng và hiểu được kỳ vọng của nhau, hai người sẽ biết rõ giải pháp giúp họ tránh rơi vào cuộc chiến tương tự. Khó chắc chắn chiến tranh sẽ không xảy ra lần nữa, nhưng nó đã là câu chuyện khác, những phát sinh khác. Trong trường hợp thỏa hiệp thất bại, hãy xét lại mối quan hệ này có ý nghĩa thế nào với cuộc đời bạn. Có xứng đáng để bạn nỗ lực vì cảm giác hạnh phúc không.
Bạn có muốn hiến kế phương cách kiềm chế cảm xúc nào khác cho bạn đọc của ELLE không?
—
Xem thêm
Học cách giao tiếp khi nóng giận
Bài: Mây Ngô / Ảnh minh họa: Sưu tầm