1. Tôn trọng danh thiếp
Một cuộc gặp tại Nhật Bản bắt đầu với việc trao cho nhau danh thiếp theo một cách rất trang trọng – theo nghi lễ Meishi kokan (meishi nghĩa là danh thiếp). Khi nhận danh thiếp, người nhận sẽ trân trọng nhận bằng cả hai tay, cúi người thấp xuống để bày tỏ sự tôn trọng và đọc nội dung danh thiếp một cách cẩn thận. Tiếp đến họ sẽ đặt danh thiếp vào một chiếc hộp danh thiếp hoặc đặt lên bàn trước mặt họ và luôn giữ danh thiếp sạch sẽ. Họ không bao giờ làm nhăn danh thiếp hay bỏ trực tiếp vào túi áo vì hành động đó được coi là thiếu tôn trọng.
Chúng ta học được gì từ đó?
Trao đổi danh thiếp là một cách bày tỏ sự tôn trọng lẫn nhau. Nó thể hiện rằng bạn đánh giá cao cuộc gặp gỡ hiện tại cũng như các cuộc gặp trong tương lai.
Trong văn hóa công sở, khi nhận danh thiếp, hãy dành thời gian đọc thông tin trên đó mà nhờ đó bạn có thể nhớ tên và hoạt động kinh doanh của một đối tác tiềm năng. Và bạn sẽ bị cho là thô lỗ nếu thuận tay nhét tấm danh thiếp vào túi áo gần tay bạn nhất. Tuy nhiên, nếu bạn quá máy móc mà áp dụng nguyên xi Meishi kokan, bạn có thể bị cho là “có vấn đề” đấy.
2. Tôn kính “cây cao bóng cả”
Trong một cuộc họp ở Nhật Bản, người ta thường đưa ra những lời bình luận hay nhận xét dựa vào quan điểm hoặc thái độ của người cấp cao nhất hiện diện ở đó. Không ai bày tỏ sự bất đồng với người này.
Khi cúi đầu – một hình thức chào hỏi truyền thống của người Nhật – người ta luôn luôn cúi xuống thấp nhất trước người có địa vị cao nhất.
Chúng ta học được gì từ đó?
Văn hóa công sở của Nhật Bản luôn thể hiện sự tôn kính và coi trọng những người có địa vị cao bởi sự thông thái và từng trải và những đóng góp quan trọng của họ cho công ty.
Luôn biết lắng nghe những người có thâm niên hoặc có địa vị cao hơn bạn trong công ty. Nếu bạn bất đồng với người quản lý, hãy thể hiện điều đó với họ khi chỉ có hai người. Không bao giờ được tỏ ra nghi ngờ vai trò hay quyền lực của họ trước mặt các nhân viên khác.
3. Thấm nhuần động lực qua các khẩu hiệu
Nhiều công ty Nhật Bản bắt đầu ngày làm việc bằng một cuộc họp vào buổi sáng. Tại đó, nhân viên sẽ xếp hàng và hô to các khẩu hiệu của công ty như một cách để truyền cảm hứng, động lực làm việc và sự trung thành. Và đó cũng là một hình thức làm tươi mới các mục tiêu của công ty trong tâm trí từng nhân viên.
Chúng ta học được gì từ đó?
Mỗi lần ngồi vào bàn làm việc, bạn hãy tự nhắc nhở bản thân về công việc sẽ phải làm. Luôn làm tươi mới các mục tiêu lâu dài trong tâm trí bạn. Bạn nên ghi mục tiêu của công ty vào một quyển sổ tay để theo dõi xem những gì mình làm có phù hợp với mục tiêu ấy không. Nếu không, chắc chắn rằng những công việc lặt vặt hàng ngày sẽ xóa nhòa hoặc làm lu mờ những mục tiêu ấy.
4. Làm việc nghiêm túc
Người Nhật rất coi trọng công việc. Họ nổi tiếng là những người làm việc rất hăng say và thường rời văn phòng về nhà rất muộn. Người Nhật còn nổi tiếng là những người thể hiện tình cảm rất chừng mực. Ngoại trừ đôi lúc cười đùa, nhân viên xứ hoa anh đào không thể hiện tình cảm ra ngoài, đặc biệt là trong các cuộc họp. Trong văn hóa công sở, hầu như không có chuyện va chạm cơ thể giữa các đồng nghiệp. Họ nói chuyện bằng giọng thấp, có chừng mực và thường nhắm mắt lại khi thể hiện sự chú ý tới người nói – một thói quen mà nhiều người nhầm lẫn là dấu hiệu của sự chán nản.
Chúng ta học được gì từ đó?
Tất nhiên bạn không cần phải coi văn phòng của mình như thánh địa, vì một không khí làm việc quá nghiêm túc sẽ gây cảm giác ngột ngạt. Nhưng cũng không có lý do gì để bạn cư xử như thể đó là nhà của mình. Bạn nên duy trì một tư thế làm việc chuyên nghiệp nơi công sở. Nghiêm túc trong công việc còn giúp tăng năng suất công việc của bạn.
5. Sống vì tập thể
Xã hội Nhật Bản rất coi trọng giá trị tập thể. Họ không đánh giá cao vai trò cá nhân như người Mỹ, mà luôn hướng đến sự đồng tâm hợp lực để đạt được kết quả cao nhất.
Nhiều nhà quản lý Tây Âu khi đến Nhật Bản làm việc đã thất bại khi áp dụng cách quản lý chú trọng vai trò cá nhân mà quên đi tầm quan trọng của tập thể.
Chúng ta học được gì từ đó?
Tinh thần đồng đội là yếu tố tiên quyết đối với thành công của một tập thể. Nếu quá chú trọng đến vai trò cá nhân, một doanh nghiệp sẽ thất bại vì mọi người chỉ quan tâm đến thành quả của riêng mình, và ở đó ai cũng muốn trở thành “sao” mà không quan tâm đến việc mình sẽ đóng góp như thế nào cho thành công chung của tập thể. Thế nhưng quan niệm xem trọng vai trò tập thể có thể dung dưỡng những cá nhân yếu kém ẩn mình dưới một tập thể lớn mạnh. Điều quan trọng là chúng ta biết cách cân bằng hai khái niệm “tập thể” và “cá nhân” đó.
6. Làm hết sức, chơi hết mình
Sau một ngày làm việc cật lực, các nhân viên Nhật Bản không ngại tìm cách giải tỏa stress. Họ thường đến các quầy bar để trút bầu tâm sự.
Một điểm đến được ưa thích khác là các quán karaoke. Tại đây mọi người được thoải mái hát hò. Việc ca hát thỏa thuê này ngoài việc giúp họ lấy lại cân bằng sau một ngày làm việc vất vả còn là dịp để họ cùng chia sẻ thông tin, thắt chặt tình bạn hay củng cố tinh thần đồng đội.
Chúng ta học được gì từ đó?
Giải trí là một phần quan trọng không kém trong một ngày làm việc, giúp giải tỏa căng thẳng và giữ thăng bằng trong công việc. Bạn hãy nhớ, khi đi chơi hoặc làm bất kỳ việc gì với đồng nghiệp, bạn hãy luôn là một phần không tách rời của nhóm.
__
Xem thêm:
Phụ nữ và bí quyết ứng xử nơi công sở
Chuyện công sở: Khi “người mới” xuất hiện
Nhóm thực hiện
Tạp chí Phái Đẹp ELLE Lược dịch: Mindtools