BÀI LIÊN QUAN
Có thật sự càng lớn tuổi thì càng dễ cảm thấy hạnh phúc?
Tuổi tác càng tăng, con người càng cảm thấy hạnh phúc. Đây là kết luận của “Trung tâm nghiên cứu dân ý toàn quốc” thuộc trường đại học Chicago (Hoa Kỳ). Họ đã tiến hành cuộc điều tra trong suốt hơn 30 năm, từ năm 1972 cho đến năm 2004 mới rút ra kết quả này. Điều tra được ứng dụng trên 1500 đến 3000 người thông qua bảng điều tra liên quan về cảm giác hạnh phúc.
Kết quả cho thấy trong số những người Mỹ ở độ tuổi 18 có 15 đến 33% nói bản thân họ rất hạnh phúc, trong đó cảm giác hạnh phúc ở nữ giới cao hơn nam giới. Theo đó, từng mức độ tuổi tăng lên thì những người tham gia điều tra càng cho biết họ vô cùng hạnh phúc. Hơn một nửa số người trên 80 tuổi nói rằng họ cực kỳ hạnh phúc với cuộc sống.
7 loại tâm lý làm giảm hạnh phúc
Tuy nói càng lớn tuổi, con người càng dễ cảm thấy hạnh phúc, nhưng điều này còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố khác, trong đó có những loại tâm lý bạn cần tránh và khắc phục để cuộc sống ngày càng hài lòng hơn.
Ảnh: Getty
1. Không biết nhìn ra mặt tích cực
Trong cuộc sống có rất nhiều điều tốt đẹp và tích cực, nhưng đáng tiếc là phần đông con người ta thường bỏ qua hoặc không nhận ra được những điều ấy. Thông thường, những người không cảm nhận được niềm hạnh phúc của cuộc sống họ luôn chỉ nhìn thấy nỗi bất hạnh của mình, tìm kiếm những thứ xa vời, thiếu thực tế trong khi lại không hề trân trọng những thứ đang có. Đồng thời, họ cũng thường “phóng đại” hạnh phúc của người khác, vô tình làm thu hẹp niềm vui của chính mình. Ngoài ra, những câu chuyện tiêu cực từ truyền thông tuy thỏa mãn lòng hiếu kỳ của con người nhưng lại làm giảm đi tâm thái tích cực của họ.
2. Thiếu niềm tin
Sau bao nhiêu năm bôn ba vất vả, trải qua bao nhiêu khó khăn, thất bại để làm giàu cuộc sống, nhiều người ngoài việc kiếm tiền ra thì không còn biết mục tiêu thực sự của đời mình là gì và mơ hồ không biết mình đang theo đuổi thứ gì và muốn gì. Trạng thái thiếu đi niềm tin và lý tưởng sống sẽ khiến bạn ngày càng mệt mỏi và cảm thấy cuộc sống không khác nào bể khổ.
3. Nghiện so sánh
Những người hiện đại chủ yếu thường đem sức lực và tinh thần đầu tư vào những cuộc cạnh tranh khốc liệt, bao gồm cả chức vị, nhà cửa, xe cộ, tài sản v.v… Một khi bạn tạo thói quen luôn so sánh bản thân với người khác thì thứ sót lại trong lòng chỉ còn những dục vọng mà không hề có hạnh phúc. Khi điều mà bạn theo đuổi không phải là “làm sao để hạnh phúc” mà là “làm sao để hạnh phúc hơn người khác” thì hạnh phúc thực sự ấy mãi mãi rời xa bạn.
Ảnh: OffTheLeashDogCartoons.com
4. Không biết cống hiến
Một nghiên cứu của trường đại học Harvard (Hoa Kỳ) cho thấy, trong cuộc sống nếu bạn giúp đỡ người khác nhiều hơn thì bản thân càng cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc. Tuy nhiên xã hội càng hiện đại, con người lại thích tính toán và đặt lợi ích cá nhân lên trên hết. Nếu bạn chỉ biết nghĩ rằng “Tôi có thể đạt được gì? Tôi làm chuyện này có đáng không?” thì cuộc sống sẽ rất khó và khổ.
5. Không biết thỏa mãn
Có câu “Tri túc giả thường lạc” (người biết đủ thường vui vẻ) nhưng con người vốn có lòng tham không đáy, có được thứ này lại mong thứ tốt hơn, vì vậy bạn sẽ không ngừng phải tìm kiếm, bôn ba, cố gắng cho quá nhiều dục vụng, dần dần khiến cuộc sống lúc nào cũng thấy “thiếu” chứ không hề biết đủ với những gì mình có trong tay.
6. Không có khả năng cảm nhận được hạnh phúc
Xã hội tuy ngày càng phát triển nhưng tâm hồn giữa con người với nhau ngày càng xa cách. Chúng ta đang dần có khuynh hướng tư duy bằng não phải, trong khi não phải điều khiển những thứ như cá thể, quyền lực,địa vị v.v… và nó gần như bằng 0 đối với cảm giác hạnh phúc. Niềm vui, hạnh phúc lại là cảm nhận của não trái. Vì vậy, nhiều khi không phải cuộc sống thiếu đi niềm vui và hạnh phúc mà là bản thân chúng ta không có khả năng nắm bắt và cảm nhận mà thôi.
Ảnh: oday.vn
7. Lo âu thái quá
Mua nhà, sắm xe, nuôi dạy con cái, phụng dưỡng bố mẹ v.v… luôn là những gánh nặng tâm lý của con người. Chúng ta thường trực phải phấn đấu, cạnh tranh trong công việc lẫn các mối quan hệ xã hội, từ đó tâm lý luôn rơi vào trạng thái căng thẳng, bất an và lo âu quá mức cần thiết. Đây chính là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến con người không cảm nhận được sống hạnh phúc trong chính đời thường.
Nhóm thực hiện
Tạp chí Phái đẹp ELLE