Trong giao tiếp hiệu quả, nhận ra hay không thì rất nhiều cá nhân vẫn đang phải “nói giảm, nói tránh” trong nhiều tình huống giao tiếp. Việc “nói giảm nói tránh” có thể được vận dụng trong những tình huống nào đó, nhưng nếu nó thành phổ thông trong giao tiếp, vô tình chúng ta sẽ tạo nên một văn hóa “giả vờ, thiếu chân thành” với người đối diện và với ngay chính bản thân mình.
8 bí quyết giao tiếp hiệu quả để nói thật lòng hơn:
1. “Tôi không hoàn hảo và tôi không cố tỏ ra hoàn hảo”
.
Rõ ràng rằng chẳng có ai hoàn hảo cả dù có nổi bật hay xuất sắc đến mức nào thì cá nhân hay tập thể đó cũng chỉ có ưu điểm ở một vài mặt nào đó thôi và nếu họ thực sự thành công, họ thực ra không thành công một mình, luôn có cả một đội ngũ hỗ trợ đắc lực bên cạnh.
2. “Tôi đã mắc sai lầm, tôi sẽ thay đổi”
Chúng ta dù có giỏi giang hay xuất chúng đến đâu thì đều lớn lên từ trong bụng mẹ, học hỏi và thực hành dần dần và tất nhiên là luôn có sai lầm, vấp ngã. Dù ta có trốn tránh, giấu giếm hay phủ nhận sai lầm thì sai lầm sẽ vẫn không thể biến mất nên cách tốt nhất để sống thực tế là nhìn thẳng vào sai lầm để sửa chữa và vô tư hơn với những sai lầm tiếp theo có thể xảy đến.
3. “Tôi đã thất bại và tôi sẽ thử cách khác”
.
Câu nói “Thất bại là mẹ thành công” đã phổ biến từ lâu nhưng không phải ai cũng biết ứng dụng nó trong cuộc sống để sống vô tư hơn với thất bại của mình mà thường trốn tránh nó. Ngay đến những chính trị gia nổi tiếng hay những nhà khoa học vĩ đại đều phải trải qua hàng loạt thất bại trước khi đạt được một thành tựu hay một vị trí nào đó. Hillary Clinton đã thất bại trong cuộc chaỵ đua vào Nhà Trắng trong cuộc bầu cử tổng thống lần trước và bà đã thử lại. Cũng vậy, bí quyết sống là nếu bạn năm nay thi trượt đại học thì sẽ cần phải thử lại năm sau hoặc chuyển sang học nghề và chẳng có gì phải xấu hổ khi thừa nhận thất bại mà sẽ tệ hơn nếu ta cứ phải giả vờ thành công.
4. “Tôi không biết tuốt, tôi cần học hỏi thêm”
Ai cũng chỉ có thể hiểu biết một phần nào đó về một lĩnh vực nào đó. Vậy bí quyết sống là, không ai trong chúng ta cần phải cố gắng tỏ ra biết rõ mọi thứ, quan trọng là biết cách sử dụng những gì mình biết và học thêm những gì mình thấy cần thiết hơn là giả vờ là người biết tuốt.
5. “Tôi có rắc rối và tôi phải giải quyết rắc rối của mình”
.
Để sống thật hơn, chúng ta hãy cùng đối diện với những rắc rối trong tình cảm, công việc, hay sức khỏe, tài chính. Việc lảng tránh nhắc đến rắc rối sẽ làm mình và người thân cảm thấy nhẹ nhõm hơn lúc đầu nhưng không làm cho rắc rối tự dưng biến mất mà chỉ làm cho mọi lo lắng và băn khoăn trở nên tích tụ hơn và tình hình rắc rối ngày càng trở nên trầm trọng hơn về lâu dài.
6. “Tôi không nói chuyện hay gặp gỡ bạn vì tôi có những ưu tiên khác”
Hãy thừa nhận một điều là ai cũng bận nhưng luôn có thời gian cho việc mình muốn làm và người mình muốn gặp. Vì thế câu trả lời ai đó rằng mình bận quá không gặp được thực ra chỉ là một cách nói tránh sự thật là có những việc và những người khác quan trọng với bạn hơn người đó. Tốt nhất hãy nói thẳng để người ta khỏi mong đợi hoài công.
7. “Tôi không muốn ở bên bạn vì bạn không có được những tiêu chí tôi tìm kiếm”
Câu này luôn phản ánh đúng sự thật về tình bạn, đối tác làm ăn, hay tình yêu, thậm chí cả trong gia đình, trường học… Rất nhiều khi chúng ta không đủ can đảm để nói ra câu này vì chúng ta xấu hổ hoặc ngại ngùng không dám thừa nhận rằng chúng ta đang mong đợi ở người ta một tiêu chí cụ thể nào đó và khi không có được nó chúng ta thường tỏ ra giận dỗi hoặc xa cách hay chia tay. Mọi người sẽ bớt căng thẳng đi nếu chúng ta thừa nhận lý do gặp gỡ hoặc lý do chia tay.
8. “Tôi chọn ở bên bạn vì bạn cho tôi hoặc có tiềm năng đem lại cho tôi thứ gì đó tôi mong đợi”
.
Nghe có vẻ thực dụng nhưng thực ra thừa nhận điều này không có gì sai trái cả. Chúng ta không tự nhiên mà kết bạn hay hẹn hò yêu đương hoặc gặp đối tác, tất cả những mối quan hệ hay các cuộc gặp gỡ đều vì một mục đích cụ thể nào đó. Mục đích có thể chỉ là thỏa mãn sự tò mò, có thể là tình cảm, có thể là vật chất, có thể chỉ để giết thời gian,… Các mối quan hệ sẽ bớt những pha bi hài kịch hơn nếu chúng ta chịu thừa nhận với bản thân và mọi người mục đích của mình.
Thử thách lớn nhất khiến chúng ta nhiều khi cảm thấy khó khăn khi nói ra những suy nghĩ thật của mình chủ yếu lại chính là thái độ tiếp nhận của người nghe. Người nghe rất nhiều khi không muốn nghe sự thật mà chỉ muốn nghe điều mình “muốn nghe” vì sự thật có thể làm họ tự ái, thất vọng,… Nhiều người nghe còn tìm cách tấn công vào sự thật hay yếu điểm của người nói để làm lợi cho tình huống của mình. Tuy nhiên, sự thật sẽ vẫn luôn là sự thật và nếu ta lảng tránh thì chỉ làm cho cả hai bên mất thời gian và mất lòng tin vào lời nói và giao tiếp.
Bí quyết sống là nếu cả người nói và người nghe cùng cố gắng nhìn thẳng, bình tĩnh, điềm đạm đối diện với sự thật và diễn đạt sự thật và tôn trọng lẫn nhau thì sẽ không có nhiều tranh cãi hay vặn vẹo nảy sinh sau này và phần còn lại chỉ là nghĩ cách để khắc phục yếu điểm hoặc sai lầm. Mọi việc sẽ trở nên đơn giản hơn và con người cũng sống với nhau vô tư hơn.
——-
Xem thêm:
Bí quyết sống: Đừng làm nô lệ tâm lý
Bí quyết sống hạnh phúc: Dịu dàng với cơ thể của mình
Bí quyết sống hạnh phúc: Vui trọn từng ngày
Nhóm thực hiện
Bài viết: Phạm Thị Tuyết Thanh / Ảnh: sưu tầm