Nguồn gốc của chứng ái kỷ (narcissism) bắt nguồn từ thần thoại về một vị nam thần vô cùng tuấn tú có tên là Narcissus. Trong một lần tình cờ nhìn thấy hình ảnh của bản thân phản chiếu dưới mặt nước, Narcissus bỗng dưng phải lòng với chính hình ảnh đó. Chàng nam thần cứ mải miết ngắm mình trong làn nước từ ngày này sang ngày khác, cho đến khi cạn kiệt sức lực và trút hơi thở cuối cùng bên bờ hồ. Thân xác Narcissus hóa thành một bông hoa thủy tiên xinh đẹp. Truyền thuyết này đã mô tả định nghĩa cơ bản về sự ái kỷ, đó là sự yêu bản thân một cách thái quá đến mức tự hại chính mình. Những người có bản tính ái kỷ tin rằng mình có quyền được đối xử đặc biệt và mọi người xung quanh phải xoay quanh họ như một lẽ dĩ nhiên. Đây không chỉ là một loại tính cách mà là một bệnh tâm lý có tên gọi là rối loạn nhân cách ái kỷ (Narcissistic Personality Disorder – NPD). Đối với một người ái kỷ, các mối quan hệ trong cuộc sống của họ là những mối quan hệ không lành mạnh và về cơ bản thường sẽ có cái kết không có hậu.
Tuy nhiên, trong cuốn sách Rethinking Narcissism (Suy nghĩ lại về sự ái kỷ), nhà tâm lý học Craig Malkin cho rằng ái kỷ không hoàn toàn tiêu cực. Các nhà phân tâm học gọi những biểu hiện tích cực của ái kỷ là ái kỷ lành mạnh.
Hãy cùng ELLE khám phá những điều thú vị về ái kỷ lành mạnh nhé!
Healthy Narcissism – Ái kỷ lành mạnh là gì?
Năm 1970, nhà phân tâm học Heinz Kohut mô tả ái kỷ như một phần của quá trình trưởng thành. Không thể phủ nhận rằng hầu hết chúng ta ít nhiều đều vô thức thực hiện một vài hành vi của chứng ái kỷ. Theo Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (Diagnostic and Statistical Manual), để chẩn đoán một người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ cần ít nhất 55% các triệu chứng thông thường. Những người ở dưới mức độ này được xem là có tính ái kỷ lành mạnh.
Vì vậy, việc bạn muốn selfie khi cảm thấy bản thân xinh đẹp, chia sẻ điều gì đó khiến bạn tự hào hoặc đôi khi, bạn muốn trở thành trung tâm của sự chú ý không có nghĩa là bạn mắc chứng NDP. Thậm chí, bạn có thể cảm thấy đố kỵ với một ai đó nhưng hãy đảm bảo rằng cảm xúc này chỉ ở trong tâm trí bạn nhất thời, chứ không phải bất biến.
Xem thêm
• 8 kiểu ái kỷ khác nhau và cách nhận diện
• 25 hiệu ứng tâm lý đầy thú vị có thể bạn chưa nghe bao giờ
• 9 cách để phát triển bản thân lành mạnh và hạnh phúc hơn
Những dấu hiệu của ái kỷ lành mạnh
Nếu bạn đang tự hỏi rằng: “Mình đang vướng vào mớ hỗn độn của chứng rối loạn nhân cách ái kỷ hay đang ái kỷ một cách lành mạnh?” thì đây là những dấu hiệu để bạn soi chiếu bản thân mình.
Luôn biết đâu là ranh giới lành mạnh
Dù là với gia đình, bạn bè hay đồng nghiệp, ranh giới đóng vai trò rất quan trọng và có tác động đáng kể đến các mối quan hệ thân mật này. Trái ngược với những người mắc chứng NDP luôn yêu cầu người khác quan tâm đến cảm xúc và hành động của mình, những người ái kỷ lành mạnh có lòng tự tôn cao, sự tự tin và sự cân bằng cảm xúc trong tâm hồn. Điều này giúp họ vạch định được ranh giới lành mạnh với mọi người xung quanh.
Họ tôn trọng ý kiến và lý tưởng của người khác mặc dù chúng trái ngược hoàn toàn với thế giới quan của họ. Họ nhìn nhận được giá trị của bản thân mà không cần hạ thấp người khác để cảm thấy mình đặc biệt.
Tự nhận thức
Tự nhận thức là quá trình suy nghĩ về bản thân và cảm nhận cảm xúc của chính mình.
Những người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ không học được từ những sai lầm bởi họ không bao giờ vượt qua bước đầu tiên là thừa nhận họ đã mắc phải sai lầm. Trong khi những người có tính ái kỷ lành mạnh nhận thức được điểm mạnh cũng như điểm sai sót của mình và xem cả hai là yếu tố cần thiết để phát triển bản thân. Họ trân trọng những giá trị khiến họ tự hào và luôn cố gắng hoàn thiện những phần chưa tích cực.
Do nhận thức về bản thân ở mức độ cao, họ đặt ra những kỳ vọng thực tế với khả năng. Họ hoàn toàn yêu thích sự “khác biệt” của mình – những điều khiến họ là một cá thể riêng biệt trong xã hội và luôn có niềm tin với lý tưởng sống của chính họ.
Luôn biết cách tạo dựng các mối quan hệ tốt đẹp
Những người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ thường được biết đến như những “tay chơi” trong tình yêu. Và trong những mối quan hệ với bạn bè hay gia đình, họ cũng mang đến cảm xúc tồi tệ và độc hại cho người khác.
Ngược lại, người có bản tính ái kỷ lành mạnh tận hưởng việc cho và nhận sự hỗ trợ về mặt tinh thần. Trong Rethinking Narcissism, Malkin đưa ra một định nghĩa về ái kỷ lành mạnh rằng đó là sự cân bằng giữa sự thấu hiểu bản thân và sự quan tâm chăm sóc mọi người xung quanh.
Do tự nhận thức được chính mình, những người có tính ái kỷ lành mạnh chấp nhận được những khiếm khuyết trong cảm xúc và tâm trí của mình, từ đó họ nảy sinh lòng trắc ẩn với người khác thay vì phán xét hoặc thù ghét họ.
Khi vô tình làm tổn thương ai đó, họ sẽ cố gắng sửa chữa lỗi lầm bởi họ luôn dành sự trân trọng cho các mối quan hệ. Đồng thời, họ rất giỏi trong việc thấu hiểu cảm xúc của người khác. Vì vậy mà họ thường là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho những người thân quen.
Giao tiếp linh hoạt
Khả năng linh hoạt trong mọi hoàn cảnh khiến những kiểu người này trở thành những nhà đàm phán và giải quyết vấn đề xuất sắc. Nhờ vào sự thấu cảm, họ luôn sẵn sàng san sẻ những cảm xúc dù tích cực hay tiêu cực của người khác và thật lòng đóng góp ý kiến cho các vấn đề mà đối phương đang mắc phải. Đồng thời, họ luôn tiếp nhận quan điểm của người khác một cách khách quan.
Tự hào về bản thân
Những người ái kỷ lành mạnh cảm thấy vui vẻ khi được người khác khen ngợi ngoại hình hoặc công việc của họ. Tuy nhiên, họ không quá khao khát sự công nhận từ người ngoài về những điều họ làm được. Họ tự nhận biết sâu sắc những nỗ lực và thành tựu của bản thân. Đây chính là vẻ đẹp của việc yêu bản thân một cách đúng đắn.
BÀI LIÊN QUAN
Ái kỷ lành mạnh giúp gì cho bạn?
Những người ái kỷ lành mạnh thường mạnh mẽ về tâm lý hơn những người khác. Một nghiên cứu cho thấy họ ít bị trầm cảm, cô đơn, lo lắng và rối loạn thần kinh.
Ái kỷ lành mạnh giúp chúng ta nhìn nhận bản thân và những người thân yêu qua lăng kính của sự tích cực. Lòng tự tôn xuất phát từ bản tính ái kỷ có thể khiến bạn trở nên kiên cường hơn khi thất bại và cởi mở với những sai lầm. Đồng thời, sự tự tin và nhận thức được giá trị của bản thân có khả năng bảo vệ bạn khỏi những lo âu xã hội. Từ đó, bạn sẽ thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại.
Branden (1994), tác giả của quyển sách Sáu trụ cột của lòng tự trọng, từng viết: “Nếu bạn không yêu bản thân bạn, bạn sẽ không thể yêu được người khác”. Tuy nhiên, ranh giới giữa ái kỷ lành mạnh và ái kỷ bệnh lý tương đối mong manh. Vì thế, bạn nên không ngừng soi chiếu và giám sát bản thân để thấu hiểu những tác động mà mình có thể gây ra đối với những người xung quanh.
Nhóm thực hiện
Bài: Xuân Yến
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: Psychcentral