Lifestyle / Bí quyết sống

Ẩn dưới bóng tình yêu

(Phái đẹp - ELLE) Hãy nói em không cần nhẫn kim cương là anh bằng lòng rồi. Nói với anh những thứ em muốn mà tiền không thể mua được. Anh chẳng quan tâm lắm đến tiền, tiền không mua được tình yêu”. - The Beatles

-002

Trên nhiều phương diện, tình yêu giống tín ngưỡng: tình yêu tạo ra đức tin. Tình yêu đòi hỏi những tiêu chuẩn đạo đức cơ bản, và mang đến những giá trị tinh thần cao quý cho con người dưới sự ảnh hưởng của nó. Tình yêu làm cuộc sống có ý nghĩa, và nó có thể khiến những người đang yêu có những hành động phi thường. Tình yêu cũng có tính bất tử như các vị thần thánh. Tình yêu thường nhen nhóm và thổi bùng lên sự thương cảm, hào phóng, tính quân tử, lòng vị tha và nhân hậu. Tình yêu là một tình cảm nguyên thủy và tự nhiên nhất mà loài người chúng ta luôn tìm kiếm, khát khao, ca tụng, từ khi còn trong bụng mẹ, tới lúc nhắm mắt xuôi tay.

Cần bổ sung thêm, tình yêu trong xã hội đương đại, nếu mong muốn được lâu bền và cập bến bờ hôn nhân, hạnh phúc lâu dài, bền vững, cần có sự hiện diện và trợ giúp của tiền bạc, càng nhiều tiền càng tốt?

Các thống kê và nghiên cứu có vẻ xác nhận điều này. 

Tháng 2/2012, tờ New York Times đăng một bài báo với tựa đề “Hôn nhân chỉ dành cho người giàu”. Theo bài viết, một nghiên cứu có tên dự án Hamilton của 2 nhà nghiên cứu Michael Greenstone và Adam Looney chỉ ra rằng những người giàu có cơ hội kết hôn nhiều hơn. Nghiên cứu tìm ra rằng trong 4 thập kỷ vừa qua, số đàn ông thuộc 10% nhóm người có thu nhập cao nhất ở Mỹ, chỉ số kết hôn của họ giảm từ 95% (năm 1970) đến 83% (2010). Với những người đàn ông có thu nhập trung bình, tần số hôn nhân giảm từ 91% xuống 64%. Còn với những người nghèo, xác suất kết hôn của họ giảm từ 86% xuống 50%.

Meghan Casserly, phóng viên ForbesWoman, trong một bài viết dẫn ra rằng ¾ số phụ nữ được phỏng vấn trả lời họ sẽ không nói “Có” với lời cầu hôn của bạn trai nếu anh ta đang thất nghiệp. Xung khắc về tiền bạc vẫn là lý do hàng đầu dẫn đến ly hôn ở cả Mỹ và Úc.

Khi bài viết này đang trong quá trình được thực hiện thì ở Việt Nam, Ngọc Trinh thẳng thắn trả lời báo chí rằng cô chọn yêu những người đàn ông giàu có.

Cũng trong tuần đó, tôi đi ăn tối với một người bạn, chị là chủ cửa hàng của một tiệm áo cưới lớn ở Sydney.  Tôi hỏi bạn rằng thường xuyên tiếp xúc với khách hàng, là những cô gái sắp kết hôn, bạn thấy tiền có là một yếu tố được cân đong đo đếm khi các cô gái chọn bạn đời không, hay tình yêu vẫn là nguyên tố quan trọng nhất. Bạn trả lời không chút đắn đo rằng tiền bạc, nhà cửa, và vật chất là lý tưởng, động lực, và mục đích của không ít giới trẻ ở Úc. Bạn cập nhật cho tôi rằng những cô gái thời nay có “chuẩn mực” về tài chính và mức sống mà họ cần bạn trai và bạn đời phải đáp ứng được. Nếu cô nào “lỡ” yêu và lấy một người đàn ông kém đẳng cấp xã hội (ngụ ý tiền bạc) với mình, sẽ bị coi như đã “hạ thấp chuẩn mực”.

Vậy tình yêu ngày nay có những yếu tố trao đổi giống như những món hàng hóa? Nó có thể là yếu tố tích cực giúp sinh ra tình yêu? Yêu người giàu dễ hơn yêu người nghèo, vì tiền giúp tạo ra những tình huống thuận lợi hơn để nuôi dưỡng tình yêu. Cuộc sống với một người khá giả cũng sẽ dễ dàng hơn.

Tôi và đa số bạn bè thuộc thế hệ tôi chắc chắn lấy chồng không phải vì tiền. Chẳng nhẽ chỉ trong 1, 2 thập kỷ vừa qua thôi, xã hội đã đổi khác thế sao? Chẳng nhẽ tình yêu đúng nghĩa, là sức hút sinh lý giữa hai con người, không kể đến vật chất, đẳng cấp, tiền bạc hay tầng lớp xã hội, chỉ thuộc về quá khứ, sách vở, hoặc trong thế giới của những người mơ mộng, không thức thời?

Tôi đi tìm chứng minh rằng tình yêu vẫn là thiêng liêng.

Dear JohnLetters to Juliet, Wall-E, 3 bộ phim tình cảm rất thành công gần đây và được lòng giới trẻ toàn cầu là những câu chuyện đẹp về tình yêu thanh tao.

Ngược dòng với Sex in the City, cuốn sách đã được dựng thành phimEat, Pray, Love, dựa trên cuộc đời thật của tác giả Elizabeth Gilbert, đã chứng minh được cho chúng ta  rằng cuộc sống không cần phải đầy đủ tiền bạc và vật chất để có thể tràn đầy sự lãng mạn, để có được những cuộc phiêu lưu thú vị, ý nghĩa, cũng như đi đến một kết thúc có hậu.

Chuyện tình của cô sinh viên Phan Thị Nga và chàng trai tật nguyền Nguyễn Bá Kỳ là một ngọn lửa làm ấm lòng bao người Việt Nam, sưởi ấm niềm tin rằng xã hội của chúng ta vẫn còn đẹp lắm, nhân văn lắm, vẫn đầy tình yêu, tình người mới có thể sinh ra những người con có những trái tim và nghị lực to lớn như thế.

Gần đây, tổng biên tập của một tờ báo ở Úc nói với tôi khi đang cầm tay vợ: “Mỗi khi cầm bàn tay chai sạn của vợ vì lam lũ giặt giũ quần áo, cơm nước cho chồng con, chú lại nhớ tới bàn tay trắng trẻo mịn màng của vợ khi cưới, để rồi chú thấy thương cảm và yêu vợ gấp bội phần”.

Vậy kết luận sao? Tiền không mua được tình yêu và ngược lại, tình yêu cũng không làm con người trở nên “miễn dịch” với những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống hiện đại. Tình yêu không thể biến thành thần dược để ta có thể dùng hàng ngày với khí trời và thế thôi, không cần ăn uống gì nữa. Nếu thiếu thốn tiền, sức mạnh của tình yêu có nhiều rủi ro bị phôi phai và nhạt nhòa hơn. Nhưng ở nơi tình yêu hiện diện, thì tiền bạc không còn quá quan trọng.

Tôi nghĩ rằng trong tình yêu, đồng tiền là thứ yếu và nó chỉ nên đến kèm với tình yêu và tình cảm chân thật.  Một cuộc hôn nhân, nếu coi của cải là yếu tố quan trọng nhất, thì tiền bạc sẽ lấy mất chỗ của rất nhiều những nguyên tố cần thiết khác cần có để xây dựng một mối quan hệ hạnh phúc và cân bằng: sự đam mê, sự đồng cảm, sự tôn trọng lẫn nhau, và quan trọng nhất, sự gắn bó của hai cá nhân, hai cuộc đời, “for better or worse, for richer or poorer”.

 

Nếu thiếu tiền, sức mạnh của tình yêu có nhiều rủi ro bị phôi phai và nhạt nhòa hơn. –

 

Bài: Vũ Phương Nhu – Ảnh: Christine Schneider/Corbis

Phái đẹp – ELLE

ELLE.VN

Nhóm thực hiện

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)