Cùng ELLE đi tìm lời giải cho câu hỏi: “Tại sao mối tình đầu lại gây nhiều tác động cho mỗi chúng ta?” dưới góc nhìn khoa học nhé!
Nghiên cứu fMRI (Chụp cộng hưởng từ đa chức năng) của nhà nghiên cứu sinh học Helen Fisher vào năm 2005 chứng minh rằng, tình cảm lãng mạn thực chất là một hệ thống động lực hoạt động giống như khi chúng ta trải qua cảm giác nghiện ngập.
Các nhà khoa học ở đại học MIT giải thích, chúng ta đều trải qua quá trình xử lý và trí nhớ tốt nhất ở độ tuổi 18. Khi ấy, tất cả mọi người đều được trải nghiệm rất nhiều “lần đầu tiên” (chẳng hạn như mối tình đầu) ở thời điểm não bộ vẫn đang trong quá trình phát triển hoặc đạt đến mức độ xử lý cao nhất.
Những dấu ấn về cảm xúc và nội tiết tố trong mối tình đầu (khi não bộ đang ở trong giai đoạn quan trọng của sự phát triển) không chỉ gây ảnh hưởng về mặt tinh thần mà còn gây ảnh hưởng đến yếu tố sinh học của mỗi người.
Các nhà nghiên cứu cho rằng tình yêu là một dạng nghiện, và mối tình đầu là liều thuốc đầu tiên của chúng ta.
Chuyện gì sẽ xảy ra với não bộ khi bạn bắt đầu yêu (theo nghiên cứu năm 2017 của trường Y Dược Harvard)?
Oxytocin sẽ được sản sinh. Đây được cho là hormone tình yêu có liên quan đến cảm xúc gắn kết và thân mật.
Hormone Dopamine cũng được sản sinh. Đây là loại hormone kích hoạt vùng tưởng thưởng trong não của chúng ta, gây nên hiệu ứng “động lực/tưởng thưởng”. Đây cũng là lúc yếu tố “nghiện” hình thành. Chúng ta bắt đầu tìm kiếm phần thưởng của tình yêu mặc cho những rào cản có thể gây nên những thương tổn và đau thương cho chúng ta (chẳng hạn như đối phương ngoại tình).
Norepinephrine, một loại hormone tương tự như dopamine, cũng sẽ được sản sinh trong giai đoạn đầu của tình cảm, nó sẽ khiến chúng ta hưng phấn và tràn đầy sinh lực.
BÀI LIÊN QUAN
Trong khi quan hệ tình dục với bạn tình, nồng độ cortisol sẻ giảm. Đây là loại hormone thường tiết ra trong những tình huống căng thẳng. Khi nồng độ hormone này ít đi, chúng ta sẽ cảm thấy thoải mái và cũng dễ tổn thương hơn.
Nồng độ Serotonin cũng sẽ giảm, điều này rất quan trọng và cần lưu ý vì não của những người được chẩn đoán mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) cũng có mức serotonin thấp. Điều này dẫn đến suy đoán rằng khi yêu, bạn có thể hành động và cư xử theo xu hướng ám ảnh cưỡng chế.
Từ những thông tin trên, chúng ta có thể thấy các nghiên cứu của Harvard cộng với nghiên cứu chụp cộng hưởng từ chức năng của Helen Fisher chứng tỏ rõ ràng rằng, tình yêu tạo ra rất nhiều phản ứng hóa học trong não bộ của chúng ta.
Mối tình đầu luôn khiến người ta mất nhiều thời gian hơn để chữa lành và để lại dấu ấn sâu sắc trong các khu vực nhạy cảm của não. Vì vậy, chúng ta đều có thể nhớ lại cảm giác khi yêu lần đầu là như thế nào. Sự đau lòng khi tan vỡ là một điều phức tạp và mang đến cho bạn nhiều xúc cảm, nhưng không có nỗi đau nào tác động mạnh đến bạn như lần đầu chia tay.
Theo một nghiên cứu vào năm 2017 đến từ Tạp chí Tâm lý Tích cực (Journal of Positive Psychology), 71% số người tham gia cho rằng họ có thể được chữa lành sau chia tay trong khoảng thời gian là 3 tháng. Trong trường hợp này, “chữa lành” đối với họ nghĩa là cảm giác “phục hồi lại bản thân” và “có những cảm xúc tích cực hơn”.
Tất nhiên, những cảm xúc khác như đau buồn, oán hận, giận dữ và đớn đau vẫn còn âm ỉ thêm một khoảng thời gian nữa. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể lờ đi những thương tổn và tiếp tục sống với những thú vui khác trong cuộc sống sau 3 tháng kết thúc một mối quan hệ.
BÀI LIÊN QUAN
Tại sao mối tình đầu lại mang dấu ấn sâu đậm lâu hơn?
Tuy không có nhiều nghiên cứu về vấn đề này, nhưng tất cả đều chỉ ra rằng, khi chúng ta yêu lần đầu, não bộ đều trải qua những phản ứng như đã đề cập ở trên.
Nhiều nghiên cứu đã xác nhận rằng não bộ của chúng ta trải nghiệm một cảm giác giống như đang nghiện khi chúng ta yêu, và lần đầu tiên yêu là lần quan trọng nhất bởi nó mang yếu tố nền tảng, khi não bộ còn đang trong quá trình phát triển.
Chúng ta có thể đột nhiên nghĩ về mối tình đầu với nhiều cảm xúc kèm theo khi bất chợt nhìn thấy một bức ảnh hay một bài hát gợi nhớ về những ký ức xưa cũ. Thế nhưng, đó là những dấu ấn hormone của những gì chúng ta đã trải qua và chúng sẽ lưu lại suốt cả cuộc đời. Ngoài ra, các tương tác hormone được lưu giữ trong các vùng nhạy cảm của não bộ khi chúng ta đang trải qua giai đoạn phát triển thần kinh.
Nhà tâm lý học Jefferson Singer cho rằng hầu hết mọi người đều lưu lại một “vết hằn trí nhớ” trong khoảng độ tuổi từ 15 đến 26. Vết hằn này xuất hiện khi chúng ta trải qua tất cả những lần đầu tiên trong đời, chẳng hạn như lần đầu lái xe, lần đầu yêu,… Sau này, những ký ức đó sẽ mang lại những ảnh hưởng sâu sắc hơn bởi chúng được hình thành ngay trong giai đoạn não bộ của chúng ta đang dần phát triển hoàn thiện. Ý tưởng này cũng đã được công nhận bởi các nhà khoa học về nhận thức của đại học MIT.
BÀI LIÊN QUAN
Mối tình đầu còn tác động sâu sắc đến chúng ta về mặt tâm lý. Theo tiến sĩ Niloo Dardashti, nhà trị liệu ở New York, những cảm xúc mà chúng ta trải qua ở mối tình đầu giống như tấm bảng chỉ dẫn để chúng ta tiếp cận các mối quan hệ khác trong tương lai. Cũng giống như cách chúng ta nhận thức về tình thương gia đình được rèn giũa từ khi còn bé bởi cha mẹ hoặc người nuôi dưỡng, tình cảm lãng mạn cũng bị ảnh hưởng bởi những trải nghiệm lần đầu tiên của chúng ta.
Vẫn còn rất nhiều câu hỏi chưa được giải đáp cũng như các nghiên cứu cần được thực hiện để chúng ta hiểu hơn về ảnh hưởng của tình yêu lên não bộ con người. Tuy nhiên, từ những thông tin chúng ta có được như trên, tình yêu không chỉ gây ảnh hưởng khi chúng ta đang trải nghiệm nó, mà nó còn để lại những dấu vết sinh học có thể theo ta đến suốt cuộc đời.
Chúc các bạn luôn có những trải nghiệm thật đẹp trong tình yêu của mình.
Nhóm thực hiện
Lược dịch: Hoàng Tân
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: Big Think