Với bạn, thời điểm cuối năm mang lại những áp lực gì? Là những câu hỏi của người thân về công việc, mối quan hệ? Là những khoản chi tiêu cho năm mới hay những công việc còn tồn đọng chưa được giải quyết? Dù những gì bạn đang trải qua là áp lực công việc hay áp lực cuộc sống, mong bạn thật bình tâm để vượt qua giai đoạn này vững vàng, chuẩn bị đón chào những điều tốt đẹp cho năm mới. ELLE gợi ý bạn đọc một số mẹo giúp bạn vượt qua khoảng thời gian áp lực cuối năm.
1. Xem xét lại tình hình thực tế
Vào những ngày cuối năm, mọi người thường có tâm lý “chạy đua” với thời gian để hoàn tất những mục tiêu còn lại. Lối suy nghĩ này vô hình trung áp đặt lên ta về một cuộc sống đầy những áp lực và kỳ vọng.
Trước tiên, bạn cần tỉnh táo nhìn lại rằng không phải mọi việc đều có thể hoàn thành như ta mong đợi, và hãy cho phép bản thân chấp nhận điều đó. Nếu cảm thấy bản thân không thể đáp ứng tốt những mục tiêu đã đề ra, bạn nên xem xét lại thứ tự ưu tiên. Việc điều chỉnh kế hoạch không đồng nghĩa với việc thất bại hay từ bỏ, mà chỉ là điều chỉnh để có một chiến lược thực tế hơn ở thời điểm hiện tại. Hãy cân nhắc kỹ lưỡng về số lượng công việc với thời gian còn lại trong năm. Từ đó, lập nên một kế hoạch vừa sức, vừa hiệu quả cho chính mình vào ngay lúc này.
2. Thay đổi kỳ vọng của người khác
Đôi khi bạn bè, đồng nghiệp, hoặc quản lý cũng đang gặp những áp lực cuộc sống tương tự. Chúng ta có thể tìm đến họ để thảo luận về những công việc cuối năm: “Có nhất thiết phải tổ chức cuộc họp ngay khi đã thống nhất mọi điều khoản?”, “Hạn chót của dự án có thể dời sang Tết?”… Qua đó, xem xét khả năng và đề xuất điều chỉnh, thay đổi. Cuộc hội thoại này không chỉ giảm bớt căng thẳng cho chính ta mà còn góp phần giải tỏa áp lực công việc cho người đối diện.
BÀI LIÊN QUAN
3. Chia các đầu việc thành các bước nhỏ và thực hiện từng bước một
Chúng ta đôi khi tự gây áp lực cho chính mình khi thiết lập một danh sách dày đặc những mục tiêu: “Sáng mai, tôi sẽ hoàn thành dự án cho sếp tại công ty, sau đó sẽ chuẩn bị quà Tết cho bạn bè và người thân, và cuối cùng là dọn nhà sạch sẽ để chào đón năm mới”. Chỉ cần nhìn loạt mục tiêu dài như trên cũng đã khiến bản thân mệt mỏi và chán nản.
Nếu có thể, thay vì vắt kiệt sức để hoàn tất mọi việc một lượt, chúng ta nên phân bổ các đầu việc vào từng khung giờ nhất định. Thời gian dãn cách giữa các nhiệm vụ cũng cho phép bản thân hồi phục trí lực để hoàn thành tốt những mục tiêu kế tiếp. Hoàn thành một mục tiêu nhỏ cũng giúp bản thân cảm thấy thỏa mãn và có thêm động lực để hoàn thành các đầu việc tiếp theo.
Xem thêm:
• ELLE lắng nghe bạn: Áp lực trong quá trình sáng tạo
• Đối diện với áp lực đồng trang lứa sau đại dịch
• ELLE lắng nghe bạn: Khi áp lực vờn quanh, ta phải làm gì?
4. Đừng quên chăm sóc bản thân
Trước dòng chảy vội vã của những ngày cuối năm, người ta dễ bị cuốn theo nhịp sống bận rộn mà quên mất phải chăm sóc chính mình. Tuy vậy, dù bạn có tất bật đến mấy cũng không cho phép bản thân quá tải vì áp lực cuộc sống, công việc.
Hãy học cách yêu thương bản thân với những cam kết đơn giản như ngủ đủ giấc, uống đủ nước, tập thể dục, hoặc tham gia các hoạt động chữa lành như thiền định, yoga, chánh niệm… Chỉ khi bảo vệ tốt tinh thần và thể chất, chúng ta mới đảm bảo năng lượng và bình tĩnh để đối mặt với mọi thách thức, đặc biệt là trong giai đoạn quan trọng như cuối năm.
5. Tận dụng thời gian “chết”
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta không thể tránh khỏi những tình huống như: Đứng đợi trong hàng dài tại cửa hàng, chờ đợi xe buýt, tắc đường… Những tình huống như thế này khiến thời gian trôi qua một cách chậm rãi và vô nghĩa, khiến chúng ta cảm thấy bồn chồn, khó chịu.
Không ai mong đợi những điều không hay xuất hiện trong cuộc sống của mình. Nhưng khi chẳng may chúng xảy ra, thay vì để bản thân chìm đắm trong cảm giác tức giận hay thất vọng, hãy tận dụng những khoảnh khắc này để làm việc khác. Nhân lúc chờ xe buýt, chờ đợi một ai đó…, bạn có thể giải tỏa những cảm xúc tiêu cực bằng cách đọc một quyển sách, nghe một bản nhạc hay…
BÀI LIÊN QUAN
6. Tham gia hoạt động thiện nguyện
Vào những ngày cuối năm, có lẽ chúng ta sẽ không có nhiều thời gian để tham gia các hoạt động thiện nguyện. Dẫu vậy, giúp đỡ người khác vào thời điểm này cũng là giúp bản thân khỏi những tự ti, áp lực cuộc sống không đáng có.
Khi bạn dành thời gian quan tâm người khác, cũng là lúc bạn hiểu rõ giá trị tồn tại của bản thân. Bạn tự hào về chính mình vì những nỗ lực bấy lâu được công nhận bởi mọi người xung quanh. Khi nhận thấy bản thân sống có ích hơn, tâm trạng của bản thân cũng được cải thiện và phần nào giúp bạn giải tỏa những áp lực đang bủa vây trong cuộc sống.
Nhóm thực hiện
Bài: Huỳnh Trâm
Tham khảo: Forbes