Chào ELLE, 7 năm trước, tôi bước vào công ty hiện nay theo lời mời của một người chị – người sếp mà tôi rất nể phục. Thuở ban đầu, chị đã dìu dắt để tôi trưởng thành về cả sự nghiệp, tri thức và tâm hồn. Tôi biết mình nợ chị ân tình. Thế nhưng, khi công ty may mắn phát triển tốt và mở rộng quy mô, sếp lại dần trở thành người xa lạ với tôi. Tôi không dám trách vì biết rõ tính chất và áp lực công việc đã khiến chị thay đổi. Song, tôi cũng biết mình không thể đồng hành với chị lâu hơn nữa. Sếp từng yêu cầu tôi hứa sẽ không rời bỏ chị. Tôi nên mở lời thế nào đây?
Chào bạn, ELLE hiểu rằng bạn đang rơi vào tình huống tiến thoái lưỡng nan. 7 năm là quãng thời gian khá dài cho một công việc cố định. Bạn đã đồng hành cùng người sếp thân thiết qua chừng ấy năm, cảm xúc hôm nay hẳn không phải là bất chợt. Vấn đề giờ chỉ còn là chọn cách trao đổi nào cho phù hợp, để sếp hiểu đúng và đủ quyết định của bạn.
Hãy chọn một nơi chốn và thời điểm để đôi bên đều được thả lỏng, có thể nói chuyện sâu sắc với nhau mà không bị gián đoạn. Bạn đã nhận được sự tin tưởng và dìu dắt của sếp trong tuổi trẻ. Vì vậy, câu chuyện nên bắt đầu bằng lời cảm ơn. Hãy cho đối phương biết rằng bạn chưa từng quên ân tình.
Khi nói về quyết định rời đi, hãy thành thật và thẳng thắn. Bạn đã chứng kiến người chị mình yêu quý và kính trọng thay đổi dần theo năm tháng, chủ yếu vì sức ép công việc. Hãy cho sếp được soi chiếu bản thân trong sự trung thực và thấu cảm của bạn. Một người cộng sự lâu năm có thể mách bảo rất nhiều điều ta không thấy ở chính mình. Sau đó, hãy cho sếp biết ý định mới trong việc phát triển bản thân mà bạn đang theo đuổi.
Điều quan trọng nhất, hãy bảo đảm sếp hiểu rằng bạn quyết định ra đi không phải vì cơn bất mãn hay bốc đồng nhất thời. Và chắc chắn đó không phải sự phản bội. Đôi khi, những người đồng hành lâu năm cũng cần rẽ lối riêng vì lợi ích của đôi bên.
Cuối cùng, hãy chuẩn bị tinh thần cho mọi phản ứng và tình huống từ phía sếp. Hãy kiên nhẫn, chân thành lắng nghe mọi chia sẻ từ sếp. Đối phương cũng có thể sẽ đưa ra các đề nghị để giữ chân, có mềm lòng không là do bạn quyết định. Chúc bạn mạnh mẽ và thành công trong cuộc trò chuyện sắp tới.
BÀI LIÊN QUAN
Chào ELLE, em vừa chia tay người bạn trai đã yêu hai năm. Hai đứa đều là người ở tỉnh lên Sài Gòn học và làm việc. Năm ngoái, anh mua một căn hộ nhỏ và ngỏ ý muốn em chuyển về sống chung. Tuy nhiên, em không đồng ý vì ở thời điểm đó, hai đứa chỉ mới yêu nhau. Mặt khác, gia đình em rất nghiêm khắc. Trong một năm qua, anh đã nhắc đi nhắc lại chuyện này rất nhiều lần. Nhưng anh càng thúc giục, em càng thấy áp lực và không muốn làm theo. Trong một lần cãi vã, anh buột miệng nói gia đình em có tư tưởng bảo thủ, cổ hủ. Em đã quyết định ra đi ngay sau hôm đó. Liệu em có quá gay gắt?
Chào em, cô gái kiên định. Qua câu chuyện em kể, ELLE thấy bạn trai cũ đã từng muốn tiến tới nấc thang tình cảm quan trọng với em. Nguyện vọng này là chính đáng, tuy nhiên, không nên và không thể chỉ vì mong muốn cá nhân mà ép uổng người yêu. Mỗi người có một hệ giá trị và quan điểm sống khác biệt. Tình huống này, nếu đôi bên không thể sẻ chia, thấu hiểu và tôn trọng nhau thì đổ vỡ là chuyện sớm muộn.
Ngày nay, sống thử trước hôn nhân không còn là chủ đề xa lạ hay cấm kỵ. Song, không phải vì thế mà nghiễm nhiên ai cũng phải chấp nhận tư tưởng này. Việc em tôn trọng ý kiến của cha mẹ là rất đáng trân trọng và cho thấy em có trách nhiệm với gia đình.
Mặt khác, em cũng có quyền từ chối sống thử khi thấy mối quan hệ chưa đủ chín muồi. Cảm xúc bức bối, phản kháng của em là hợp lý khi bạn trai cũ thường xuyên thúc giục, gây áp lực. Tình huống này có thể là dấu hiệu của một mối quan hệ kém lành mạnh. Việc em giữ vững quan điểm sống của mình cho thấy em hiểu bản thân và là người có ý chí mạnh mẽ.
Về việc em quyết định chấm dứt ngay lập tức có gay gắt không, câu trả lời của ELLE là không. Bởi em đã nỗ lực giao tiếp và bày tỏ giá trị quan của mình. Chúc em sớm vượt qua được cảm xúc bứt rứt và bối rối hiện nay.
Nhóm thực hiện