Thuật ngữ “Atelophobia” có nguồn gốc từ Hy Lạp, trong đó tiền tố “Atelo(s)” nghĩa là “không hoàn hảo” và hậu tố “phobia” nghĩa là “nỗi sợ”. Hiểu theo nghĩa đen, Atelophobia có nghĩa là “hội chứng nỗi sợ kém hoàn hảo”, hay nói cách khác, thuật ngữ này diễn tả cảm giác lo sợ về sự không hoàn hảo. Những người mắc hội chứng này cực kỳ cầu toàn nhưng luôn lo sợ rằng bản thân chưa đủ tốt và bị ám ảnh bởi những sai lầm đã mắc phải hoặc những thiếu sót chưa xảy ra. Bên cạnh đó, họ thường đặt ra những mục tiêu thiếu tính thực tế so với khả năng của bản thân, né tránh hoặc không hoàn thành những công việc hay thử thách mà họ cho rằng có thể khiến họ phạm sai lầm. Chính sự khắt khe với bản thân, những “atelophobia” thường cảm thấy khổ sở, căng thẳng quá mức và thậm chí rơi vào tình trạng trầm cảm, lo âu nếu như sự kỳ vọng bị sụp đổ.
Triệu chứng và dấu hiệu của Atelophobia
Làm sao để biết rằng bạn có mắc chứng Atelophobia? Dưới đây là một vài triệu chứng điển hình của hội chứng này.
Mục tiêu phi thực tế: Tự đặt ra cho bản thân những tiêu chuẩn quá cao, thậm chí là phi lý so với khả năng của bản thân ở hiện tại. Bạn sẽ không bao giờ chấp nhận những mục tiêu dưới tiêu chuẩn đó.
Hà khắc với bản thân: Bạn đánh giá bản thân một cách gay gắt, tự phê bình, tự chỉ trích vì không đạt được mục tiêu đề ra.
Bảo thủ: Bạn có thể tự phán xét bản thân nhưng không bao giờ chịu tiếp thu ý kiến người khác, một mực giữ vững quan điểm cá nhân. Bạn xem những lời khuyên, góp đó là một sự công kích rằng bạn không hoàn hảo.
Ám ảnh về những sai lầm trong quá khứ: Bạn không thể buông bỏ những lỗi lầm đã mắc phải trước đây. Khi lặp lại hoặc suy nghĩ về những lỗi lầm đó, bạn có thể cảm thấy căng thẳng, hoảng loạn, khó thở, tim đập nhanh…
BÀI LIÊN QUAN
Nguyên nhân của hội chứng Atelophobia
Chấn thương tâm lý: Bạn đã từng rất đau buồn và tuyệt vọng vì đã mắc phải sai lầm hoặc thất bại gây ra một hậu quả nghiêm trọng trong cuộc sống, điều đó đã để lại một vết sẹo tâm lý khiến bạn lo sợ rằng bản thân có thể lặp lại điều tương tự trong tương lai.
Được nuôi dạy trong môi trường khắt khe: Trong suốt thời thơ ấu, bạn đã nhận phải rất nhiều sự chỉ trích. Sự cố gắng của bạn không bao giờ đủ tốt để có thể làm hài lòng những người xung quanh. Bạn được nuôi nấng trong một gia đình theo chủ nghĩa hoàn hảo, luôn thúc ép bạn phải trở nên hoàn thiện về mọi mặt và không được phép phạm sai lầm, vì vậy bạn luôn trong trạng thái sợ hãi khi mắc lỗi hoặc khiến người thân thất vọng. Nếu không đáp ứng kỳ vọng của những người nuôi dưỡng, có thể bạn sẽ bị trách mắng, không được yêu thương, không được tôn trọng…
Yếu tố di truyền: Nghiên cứu cho thấy rằng bạn có nhiều khả năng mắc phải hội chứng nỗi sợ kém hoàn hảo nếu người thân của bạn cũng đã từng mắc phải chứng bệnh này.
Xem thêm
• Bí quyết sống hạnh phúc: Vui trọn từng ngày
• Những thói quen đơn giản giúp bạn giảm cân bền vững
• Ask ELLE: Buông bỏ những muộn phiền
Sự khác biệt giữa Atelophobia và chủ nghĩa hoàn hảo
Thoạt nghe, hội chứng Atelophobia có khá nhiều điểm tương đồng với Perfectionism (chủ nghĩa hoàn hảo), nhưng hai khái niệm này có một vài đặc điểm khác biệt.
Chủ nghĩa hoàn hảo một nét tính cách. Bạn đặt ra những tiêu chuẩn cao dành cho bản thân và không ngừng phấn đấu để trở nên hoàn thiện, tránh mắc phải sai lầm. Trong khi đó, Atelophobia lại là một hội chứng tâm lý, khiến một người bị ám ảnh quá mức hoặc lo sợ mắc phải sai lầm. Người mắc hội chứng Atelophobia sẽ có xu hướng né tránh và cảm thấy căng thẳng, hồi hộp trước những tình huống mà họ cho rằng họ sẽ phạm sai lầm.
BÀI LIÊN QUAN
Làm thế nào để vượt qua chứng sợ Atelophobia?
Tùy vào mức độ nghiêm trọng, bạn có thể sẽ phải gặp bác sĩ hoặc các chuyên gia tâm lý để được điều trị với những phương pháp phù hợp.
Liệu pháp phơi nhiễm (Exposure Therapy)
Đây là một phương pháp điều trị tâm lý được thiết kế một cách bài bản, cẩn thận giúp bạn vượt qua một sự vật, sự kiện khiến bạn sợ hãi. Một chuyên gia chuyên về liệu pháp này có thể giúp bạn làm quen với việc mắc sai lầm bằng cách thảo luận, đối mặt với nó để xóa bỏ nỗi sợ về việc mắc lỗi trong tương lai.
Thực hiện những hoạt động giúp bạn giữ bình tĩnh
Ngồi thiền, tập thể dục hay nghe một danh sách nhạc yêu thích có thể giúp bạn xoa dịu sự căng thẳng, nỗi sợ về việc mắc sai lầm khi thực hiện một công việc nào đó.
Trao đổi với những người bạn luôn tin tưởng
Bạn không cần phải trải qua cảm giác khó chịu và căng thẳng khi mắc phải hội chứng Atelophobia. Hãy chia sẻ những điều khiến bạn trăn trở với những người thân thiết, những người luôn trân trọng cá tính và con người thật của bạn. Có thể họ sẽ đem lại những niềm an ủi và động viên cần thiết để bạn tránh tình trạng căng thẳng quá mức khi sợ gây ra lỗi lầm trong những tình huống sắp tới.
Nhóm thực hiện
Bài: Thu Uyên
Nguồn: Verywellmind