Vậy người dân Đan Mạch đã làm thế nào duy trì lối sống “hygge” và cuộc sống tinh thần đầy tích cực? Dưới đây là 5 bài học từ người dân Đan Mạch để bạn có thể học hỏi, đạt được cuộc sống hạnh phúc hơn.
-
1. Môi trường sống lành mạnh
Trong một cuộc khảo sát lớn về xã hội Đan Mạch (the Danish social survey) của Trung tâm Nghiên cứu Xã hội Quốc gia Đan Mạch (Danish National Centre for Social Research) đã cho thấy môi trường sống lành mạnh và không gian công cộng sạch đẹp được cho là một trong những yếu tố quan trọng giúp người dân Đan Mạch duy trì sự hài lòng và tích cực.
Hiểu được tầm quan trọng sức khỏe tinh thần, chính phủ Đan Mạch đã chú trọng thiết kế đô thị với nhiều không gian xanh, đặc biệt có những con phố dành riêng cho người đi bộ và đi xe đạp. Đan Mạch còn có các khu vực không gian xanh như công viên, bãi biển đô thị và hồ bơi ngoài trời nằm ngay giữa trung tâm thành phố nhằm giúp người dân dễ dàng tiếp cận và tận hưởng không khí thiên nhiên trong lành sau những giờ làm việc căng thẳng. Đặc biệt, các thành phố lớn như Copenhagen còn là “thành phố xanh”, nơi nổi tiếng với các sáng kiến về năng lượng tái tạo, phương tiện di chuyển tiết kiệm năng lượng, và các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí… được triển khai mạnh mẽ.
Với những người dân Đan Mạch, sau giờ làm việc là khoảng thời gian tận hưởng cuộc sống riêng tư cá nhân, vì vậy họ thường kết hợp việc đi bộ và đạp xe hằng ngày nhằm cải thiện sức khỏe và tận hưởng thiên nhiên trong lành. Học hỏi lối sống này của người dân Đan Mạch, bạn có thể xây dựng cho mình một môi trường sống lành mạnh hơn bằng cách trồng thêm nhiều cây xanh, thường xuyên dọn dẹp để tạo bầu không khí thoáng đãng, thoải mái nhằm giảm thiểu lượng cortisol – một loại hormone gây căng thẳng, lo âu và trầm cảm – tiết ra. Ngoài ra, bạn nên duy trì thói quen tích cực như đi bộ, đạp xe, tập yoga hay thiền định… để có thể xua tan cảm giác lo âu, làm dịu tâm trí sau một ngày làm việc căng thẳng, đồng thời tăng cường cảm giác hạnh phúc và giúp bạn cảm thấy gần gũi hơn với cuộc sống xung quanh.
BÀI LIÊN QUAN
-
2. Tận hưởng cuộc sống hiện tại
Người Đan Mạch luôn biết cách “thả lỏng” và thoát khỏi nhịp sống vội vã để sống chậm lại, tận hưởng từng giây phút hiện tại. Họ thường dành thời gian trò chuyện, ăn tối cùng gia đình hoặc bạn bè. Đây là lối sống hygge giúp họ tạo ra niềm vui và duy trì cảm giác kết nối mạnh mẽ với cuộc sống, từ đó nâng cao sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần, vì họ luôn cảm nhận được sự hỗ trợ và quan tâm từ những mối quan hệ xung quanh.
Có thể bạn đã từng lo lắng về quá khứ hay tương lai, và mải mê chạy theo những mục tiêu về thành công hay điều xã hội kỳ vọng. Thực tế, hạnh phúc đôi khi chính là cảm giác thoải mái, dễ chịu ngay trong giây phút hiện tại. Ví dụ, nếu bạn thích vẽ, đọc sách hoặc tham gia các hoạt động cộng đồng, đó là những điều có thể mang lại sự hài lòng và giúp bạn phát triển bản thân và dễ dàng nhận thấy các kết quả tích cực. Bằng cách này, bạn không chỉ sống có mục đích mà còn có thể cảm nhận rõ ràng ý nghĩa cuộc sống, ngay cả trong những khoảnh khắc dung dị đời thường. Đây đồng thời chính là giá trị bền vững người Đan Mạch đã luôn duy trì rất tốt: đôi khi hạnh phúc chỉ đơn giản là khi bạn sống sống thật với chính mình và trân trọng những điều xung quanh.
-
3. Cân bằng giữa công việc và cuộc sống
Người Đan Mạch vô cùng coi trọng việc duy trì sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Mặc dù Đan Mạch là một quốc gia phát triển và có nền kinh tế vững mạnh, nhưng người dân ở đây không để công việc chiếm trọn thời gian của mình, vì họ cho rằng hạnh phúc không chỉ đến từ thành công trong công việc, mà còn từ những khoảnh khắc giản dị bên gia đình, bạn bè và được sống cùng các đam mê, sở thích cá nhân.
Chính vì vậy, Đan Mạch là một trong những quốc gia có lực lượng lao động hạnh phúc và năng suất cao nhất. Người dân ở đất nước này còn giữ được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống tốt hơn so với cư dân ở nhiều quốc gia khác. Chính phủ Đan Mạch đã quy định mỗi công dân có quyền nghỉ tối thiểu 5 tuần phép có lương mỗi năm và khuyến khích các công ty tạo ra môi trường làm việc linh hoạt. Sau 5 giờ chiều, bạn sẽ không thấy người Đan Mạch làm việc thêm, thay vào đó, họ dành thời gian gặp gỡ, giao lưu tại các quán cà phê, đi dạo trong công viên hay nấu bữa tối cùng gia đình.
Vì vậy, khi có thời gian thư giãn và làm những điều mình yêu thích, bạn sẽ cảm thấy vui vẻ hơn và có thêm động lực để làm việc hiệu quả. Ngược lại, làm việc không ngừng nghỉ, xâm phạm vào thời gian cá nhân có thể khiến bạn rơi vào tình trạng mệt mỏi, thiếu sáng tạo và giảm hiệu quả trong công việc. Để khắc phục vấn đề này, bạn có thể lên kế hoạch cho những hoạt động yêu thích như đi dạo, tập thể dục hay gặp gỡ bạn bè nhằm phục hồi năng lượng và cân bằng lại cuộc sống.
Xem thêm
•5 thói quen cần tránh để có cuộc sống viên mãn và hạnh phúc
•4 nguyên tắc trong đạo Phật giúp cuộc sống của bạn an nhiên và hạnh phúc hơn
•3 bài học xây dựng cuộc sống tích cực từ 3 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới
-
4. Hài lòng với cuộc sống
Hạnh phúc có thể chia thành hai cấp độ: loại hạnh phúc “hedonic” đến từ những niềm vui, sự thoải mái nhất thời, và loại hạnh phúc “eudaimonic” phát sinh từ sự phát triển bản thân và cách chúng ta tìm ra mục đích sống, tạo nên giá trị hạnh phúc lâu dài. Theo thông tin từ Bảo tàng Hạnh phúc tại thủ đô Copenhagen, Đan Mạch là một trong những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới vì người dân có xu hướng tìm kiếm hạnh phúc bền vững, thay vì kích thích các chất truyền thần kinh một cách “nhân tạo” – thuật ngữ dùng để ám chỉ việc tìm kiếm niềm vui từ các nguồn không lành mạnh và chỉ có giá trị ngắn hạn. Một trong những lý do lớn nhất khiến chúng ta cảm thấy không hài lòng với bản thân là do thường xuyên tập trung vào những điều vượt ngoài tầm kiểm soát. Tuy nhiên, nếu chúng ta cứ mãi suy nghĩ về thứ không thể thay đổi, điều này chẳng những không giúp bạn giải quyết được vấn đề mà còn tăng nguy cơ mắc các chứng tâm lý nghiêm trọng.
Để cải thiện tình trạng này, bạn nên học cách hướng sự chú ý vào những gì bản thân có thể kiểm soát và cải thiện. Ví dụ, nếu công việc hiện tại đang khiến bạn áp lực, thay vì chỉ ngồi than thở về khối lượng công việc quá nhiều hoặc đồng nghiệp thiếu hợp tác, bạn có thể bắt đầu bằng việc cải thiện kỹ năng quản lý thời gian. Hãy thử lập kế hoạch chi tiết cho mỗi ngày, ưu tiên những công việc quan trọng và chia nhỏ nhiệm vụ lớn thành các bước nhỏ dễ hoàn thành. Khi bạn chủ động kiểm soát được vấn đề, bạn sẽ trở nên tự tin hơn và đạt được các kết quả như mong đợi.
Bên cạnh đó, thay vì để tâm trí bị cuốn vào những suy nghĩ như “Tại sao tôi lại rơi vào tình huống này?” hoặc “Mọi thứ thật bất công”, bạn có thể tự thay đổi tư duy bằng cách đặt câu hỏi khác đi: “Tôi có thể làm gì để cải thiện tình hình?”. Từ góc nhìn của tâm lý học tích cực, hạnh phúc không phải là điểm đến, đó là hành trình không ngừng định hình cách chúng ta sống và tương tác với thế giới. Liệu chúng ta có sẵn sàng thay đổi những ưu tiên trong cuộc sống để theo đuổi một kiểu hạnh phúc bền vững hơn? Câu trả lời không chỉ nằm ở cách chúng ta đối xử với chính mình, mà còn ở cách chúng ta xây dựng một xã hội nơi sự hài lòng cá nhân song hành với lợi ích cộng đồng.
BÀI LIÊN QUAN
-
5. Biết chia sẻ với mọi người
Một trong những lý do chính khiến Đan Mạch luôn đứng đầu trong các quốc gia hạnh phúc nhất là cam kết mạnh mẽ của chính phủ đối với phúc lợi chung của người dân. Mặc dù người dân Đan Mạch phải đóng mức thuế thu nhập cá nhân khá cao, nhưng họ vẫn vui vẻ và sẵn sàng đóng góp vì họ biết rằng số tiền này sẽ giúp cung cấp các phúc lợi xã hội quan trọng như chăm sóc sức khỏe và giáo dục miễn phí. Họ coi việc đóng thuế không chỉ là nghĩa vụ, mà còn là một sự đầu tư xứng đáng để nâng cao chất lượng cuộc sống của chính mình, đồng thời là cách thức để hỗ trợ cộng đồng và thúc đẩy sự phát triển chung.
Một trong những yếu tố quan trọng khiến chúng ta cảm thấy hạnh phúc khi chia sẻ là cảm giác thỏa mãn tinh thần do hành động này mang lại. Khi giúp đỡ ai đó, dù là về mặt vật chất hay tinh thần, chúng ta sẽ cảm nhận được sự “đáp lại” trong tâm trí của mình. Hành động cho đi mang đến cảm giác rằng chúng ta đang làm điều đúng đắn, giúp đỡ người khác và từ đó cảm thấy mình có ích. Ví dụ, một nghiên cứu do Giáo sư Alan L. Weber và các đồng nghiệp tại Đại học Michigan thực hiện cho thấy những người tham gia vào các hoạt động thiện nguyện hoặc giúp đỡ người khác thường cảm thấy mình có giá trị hơn và được nâng cao chất lượng cuộc sống. Họ cảm nhận rằng hành động của mình có ý nghĩa và đem lại lợi ích cho cộng đồng, từ đó tạo ra cảm giác mãn nguyện và hạnh phúc. Điều này còn tương đồng với triết lý sống của người Đan Mạch – văn hóa “fællesskab”, nghĩa là cộng đồng hoặc tinh thần đoàn kết.
Vì vậy, chúng ta có thể nhận thấy rằng, khi hướng đến những giá trị cộng đồng, mỗi người trong chúng ta không chỉ có khả năng hỗ trợ cho cuộc sống của người khác trở nên tốt hơn, mà còn tạo dựng được một môi trường sống tích cực và bền vững, nơi mọi người đều có cơ hội phát triển và duy trì hạnh phúc bền vững đích thực.
Nhóm thực hiện
Bài: Thanh Ngân Tham khảo: The everygirl